Sinh viên khoa Tâm lý giáo dục Trường ĐH Sư phạm TP.Hồ Chí Minh trong giờ học. I.T
Sư phạm lấy điểm cận sàn
Trái ngược với mức điểm chuẩn cao ngất của các khối ngành y – dược, an ninh, quân đội, các ngành sư phạm năm nay có điểm chuẩn thấp... không tưởng. Tại ĐH Sư phạm thuộc ĐH Thái Nguyên, trong số 14 ngành đào tạo sư phạm thì có 6 ngành lấy điểm bằng điểm sàn của Bộ GD&ĐT là 15,5 điểm. Đó là các ngành: Sư phạm toán, tin học, vật lý, hóa học, sinh học, âm nhạc. Một số ngành khác lấy nhỉnh hơn ở mức 16,5 điểm như sư phạm lịch sử, ngữ văn.
Tương tự, tại ĐH Vinh, 6 ngành đào tạo sư phạm thì trừ ngành sư phạm tiểu học có mức điểm 22, tất cả các chuyên ngành còn lại đều lấy bằng điểm sàn của Bộ GD&ĐT. Trường ĐH Hồng Đức cũng có mức điểm chuẩn đầu vào không khả quan hơn. Cụ thể 11 ngành sư phạm của trường này đều lấy mức điểm 15,5.
Là trường đào tạo sư phạm đứng đầu cả nước nhưng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cũng có không ít ngành lấy mức điểm đầu vào khiêm tốn dưới 17,5 điểm như: Công tác xã hội, công nghệ thông tin, toán học, chính trị học, văn học, Việt Nam học... ĐH Sư phạm TP.Hồ Chí Minh cũng có nhiều ngành lấy điểm “cận sàn” như: Vật lý học, ngôn ngữ Pháp, ngôn ngữ Nga...
Theo các chuyên gia giáo dục, việc các trường sư phạm lấy điểm đầu vào thấp nhưng vẫn không thu hút được thí sinh đã diễn ra nhiều năm nay. Nguyên nhân được chỉ ra rằng do ngành sư phạm đang dư thừa một lực lượng lớn giáo viên khiến cử nhân ra trường thất nghiệp nhiều; công việc không ổn định; lương thấp...
Điểm chuẩn thấp vì không có nguồn tuyển
Lý giải việc lấy điểm đầu vào sư phạm thấp, Trưởng phòng Đào tạo Đại học Tân Trào - Khổng Chí Nguyện cho biết, vì nguồn tuyển khan hiếm quá. Ngành Sư phạm Toán trường tuyển 35 chỉ tiêu nhưng số đăng ký xét tuyển chưa tới 10. "Các em này có nhập học hay không, tôi cũng chưa dám chắc", ông Nguyện nói. Số thí sinh vào hệ cao đẳng sư phạm các mùa tuyển sinh trước chỉ đạt 50-60% chỉ tiêu.
"Trường đã có nhiều chính sách hỗ trợ để thu hút học sinh như miễn phí ký túc xá năm 1-2; trao học bổng cho 10 em trúng tuyển đầu vào điểm cao nhất, học bổng các kỳ đào tạo, sinh viên có điểm xuất sắc được giữ lại trường hoặc thực tập ở nước ngoài... Tuy nhiên, việc tuyển nhân lực tương lai cho đội ngũ giáo viên địa phương vẫn thật khó khăn", ông Nguyện nói.
Nguồn tuyển khan hiếm, nhiều trường phải lấy điểm chuẩn ngành sư phạm bằng mức sàn của Bộ Giáo dục là 15,5
Phân tích của Đại học Sư phạm (Đại học Thái Nguyên) cũng cho thấy, dù ngành Sư phạm Toán, Tin, Lý, Hoá, Sinh chỉ lấy 15,5 điểm, nhưng số trúng tuyển vẫn thiếu rất nhiều. Ngành Sư phạm Tin tuyển 40 chỉ tiêu thì có 3 thí sinh đỗ với mức điểm 17-20. Ngành Sư phạm Vật lý chỉ tiêu 60 nhưng số trúng vào mới được 22, trong đó 5 thí sinh có mức điểm xét tuyển 15,5-16,75.
Trưởng phòng Đào tạo Nguyễn Phúc Chỉnh giải thích, khu vực tuyển sinh của Đại học Sư phạm - Đại học Thái Nguyên là miền núi phía Bắc. Nơi này rất ít thí sinh đăng ký thi môn tổ hợp khoa học tự nhiên nên nguồn tuyển bị hạn chế. Để đảm bảo tuyển đủ chỉ tiêu, các trường sư phạm xác định điểm chuẩn của một số ngành bằng ngưỡng đảm bảo chất lượng của Bộ Giáo dục, đặc biệt là ngành tuyển theo khối A, B.
Lo ngại chất lượng đầu ra?
Trước mức điểm chuẩn của nhiều ngành thuộc khối sư phạm quá thấp, nhiều người tỏ ra lo lắng về chất lượng đầu ra của giáo viên.
Trao đổi với phóng viên về vấn đề này, TS Nguyễn Tùng Lâm – Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội, Hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) cho rằng, đầu vào quan trọng nhưng đầu ra còn quan trọng hơn. Sở dĩ điểm chuẩn của các ngành sư phạm thấp là bởi ngành này thiếu hấp dẫn. Chế độ đãi ngộ thấp, lương không cao, nhiều áp lực nên người tài ít đăng ký. Điều này cho thấy ngành sư phạm khó mà cạnh tranh với những ngành khác nếu Nhà nước không có những chính sách hỗ trợ, ưu đãi. “Quan điểm của tôi, đầu vào không phải là yếu tố quyết định, bởi trong quá trình đào tạo chúng ta còn phải chọn lọc nhiều” – ông Lâm nói.
Nhìn nhận ở góc độ khác, thầy Nguyễn Hữu Phú – giáo viên Trường THPT Hàm Rồng (Thanh Hóa) khẳng định, điểm chuẩn thấp sẽ tác động xấu tới chất lượng giáo viên sau này. Quá trình giảng dạy thấy hầu hết học sinh giỏi đều hướng tới các ngành: Y, kinh tế, an ninh… chỉ những học sinh có hoàn cảnh khó khăn mới thi sư phạm. “Hiện nay nhiều em tốt nghiệp sư phạm ra không xin được việc làm hoặc dạy hợp đồng với thu nhập thấp, phải đi tìm việc khác làm thêm. Điều này không chỉ ảnh hưởng tới suy nghĩ của lớp trẻ mà còn ảnh hưởng xấu tới chất lượng giáo dục” – thầy Phú nói.
An Nhi (t/h)
Nguồn bài viết : Coi đá gà