Odyssey là hội trại khoa học thường niên của các nước ASEAN+3 dành cho học sinh từ 13 đến 15 tuổi nhằm khuyến khích sự say mê sáng tạo. Năm 2017 là lần thứ 6 hội trại được tổ chức và là lần đầu tiên Việt Nam đăng cai.
Hội trại khoa học Odyssey Asean+3 cho Thiếu niên lần thứ 6 (APT JSO-6) với chủ đề “Năng lượng tái tạo cho cuộc sống”
Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ KH&CN) Trần Đắc Hiến cho biết đây là hoạt động thường niên của các nước ASEAN +3. Năm nay, hội trại khoa học sẽ gồm 13 đoàn của 9 nước ASEAN tham dự, 2 nước Đông Á (Trung Quốc, Hàn Quốc) và 2 khách mời (Thụy Điển, Đài Loan) với tổng số lượng học sinh lên tới 120 em. Nếu tính cả giáo viên và quan sát viên, số lượng lên tới 160.
"Hội trại bao gồm các hoạt động sinh hoạt khoa học; phần thi liên quan đến Lý, Hóa, Sinh, thực hành phòng thí nghiệm. Đặc biệt, Ban tổ chức còn sắp xếp phần thi thuyết trình cho giáo viên đi cùng. Ban giám khảo do Bộ Khoa học lựa chọn", ông Hiến nói.
Bên cạnh hội trại khoa học Odyssey ASEAN+3, trong tháng 7 các hội thảo khoa học thuộc chuỗi sự kiện "Gặp gỡ Việt Nam" cũng sẽ diễn ra. Năm nay, một giáo sư giành giải Nobel Vật lý được mời tới Việt Nam tham dự và sẽ có cuộc trao đổi với học sinh, sinh viên tại Đại học Quốc gia Hà Nội vào cuối tháng 7.
Ảnh minh họa
Chương trình Trung tâm ASEAN+3 về tài năng khoa học (ACGS) được thành lập từ năm 2009 có trụ sở tại Hàn Quốc. ACGS là chương trình thuộc sự điều phối của Tiểu ban Phát triển cơ sở hạ tầng và Nguồn lực KH&CN ASEAN (SCIRD), Ủy Ban Khoa học và Công nghệ ASEAN (COST).
Hiện nay, Bộ KH&CN Việt Nam là cơ quan đầu mối công tác của Việt Nam tại COST. Hội trại khoa học ASEAN+3 cho Thiếu niên Odyssey là một trong những hoạt động thường niên của Chương trình ACGS.
Hội trại APT JSO tập trung chủ yếu vào các hoạt động nghiên cứu khoa học, đồng thời phát triển kỹ năng làm việc theo nhóm và kỹ năng trình bày thông qua thực hiện các dự án hợp tác cho các tài năng khoa học độ tuổi thiếu niên nhằm mục đích: Tạo cơ hội trao đổi ý tưởng và kinh nghiệm cho các học sinh tài năng khoa học; phát triển khả năng nghiên cứu và sáng tạo cho học sinh tài năng khoa học; tìm kiếm nguồn nhân lực trong lĩnh vực khoa học và công nghệ trong ASEAN và các nước đối tác.
Mục tiêu Hội trại APT JSO hướng tới là khuyến khích và tạo ra sân chơi cho các học sinh được thể hiện khả năng của mình trong lĩnh vực khoa học và công nghệ; kích thích khả năng ham hiểu biết của học sinh thông qua thực nghiệm và kinh nghiệm thực tế; đem lại cho học sinh cơ hội giao lưu và tạo mạng lưới trong khu vực ASEAN+3, đồng thời, thông qua APT JSO sẽ tạo động lực để học sinh theo đuổi nghề nghiệp tương lai trong lĩnh vực KH&CN.
An Nhi (t/h)
Nguồn bài viết : KA Điện Tử