Chuyên đề cơ sở

Việt Nam ban hành chương trình cấp quốc gia về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng

2024-12-21 13:00:29
Chăm lo, tặng quà Tết thiếu nhi cho trẻ em trong khu cách ly Covid-19
VAA: quyên góp hơn 100 triệu giúp trẻ em khó khăn và phụ nữ là nạn nhân buôn bán người

Chương trình có "mục tiêu kép" là: Bảo vệ bí mật đời sống riêng tư và ngăn chặn, xử lý các hành vi lợi dụng môi trường mạng để xâm hại trẻ em, trong đó đặc biệt chú trọng việc trang bị cho trẻ em kiến thức, kỹ năng phù hợp theo từng lứa tuổi (hệ miễn dịch số) để trẻ em tự nhận biết và có khả năng tự bảo vệ mình trên môi trường mạng; duy trì một môi trường mạng lành mạnh, phát triển hệ sinh thái các sản phẩm, ứng dụng Việt cho trẻ em học tập, kết nối, giải trí một cách sáng tạo.

(Ảnh minh họa)

Bộ Thông tin và Truyền thông là cơ quan chủ trì thực hiện chương trình. Ngoài ra còn có sự tham gia của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Công an và sự phối hợp của các bộ, ngành, tổ chức chính trị xã hội, các doanh nghiệp, cơ quan báo chí...

Chương trình còn có sự phối hợp của các tổ chức chính trị - xã hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh; sự tham gia của các doanh nghiệp thông tin và truyền thông, các cơ quan báo chí; và đặc biệt, để triển khai Chương trình hiệu quả, cần có sự vào cuộc của các bậc cha mẹ, giáo viên, người chăm sóc trẻ.

Đặc biệt, Chương trình đưa ra nhiều sáng kiến, nhiệm vụ, giải pháp đột phá. Đáng chủ ý là triển khai các giải pháp kỹ thuật, ứng dụng công nghệ mới (trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn...) để tự động thu thập, phân tích cảnh báo sớm, ngăn chặn, xử lý nội dung vi phạm pháp luật về trẻ em, nội dung không phù hợp đối với trẻ em. Thành lập và tổ chức hoạt động của mạng lưới ứng cứu, bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng với các nhiệm vụ chính gồm nâng cao nhận thức, chia sẻ kinh nghiệm bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng; tiếp nhận, phân loại, chuyển xử lý kịp thời các phản ánh, vấn đề phát sinh đối với trẻ em trên môi trường mạng.

Xây dựng và triển khai các chương trình, hoạt động hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp phát triển sáng kiến, cung cấp các giải pháp kỹ thuật an toàn thông tin bảo vệ trẻ em tương tác an toàn trên môi trường mạng; đề xuất cơ chế thí điểm đặt hàng doanh nghiệp cung cấp sản phẩm, dịch vụ do các doanh nghiệp Việt Nam phát triển để hỗ trợ trẻ em tương tác sáng tạo trên môi trường mạng.

Tích hợp các kênh thông báo trực tuyến về vấn đề liên quan đến trẻ em trên môi trường mạng với Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em số 111; hướng tới hình thành một ứng dụng duy nhất trên môi trường mạng để phản ánh, chia sẻ các vấn đề liên quan tới trẻ em.

Xây dựng và lồng ghép vào chương trình giáo dục việc đào tạo "bộ kỹ năng số" cho trẻ em theo độ tuổi gồm một số nội dung, kỹ năng: Kiến thức về mạng internet, mạng xã hội; kỹ năng bảo đảm an toàn thông tin tối thiểu; bảo vệ thông tin cá nhân trên mạng; cách thức nhận biết khi bị lợi dụng, xâm hại trên môi trường mạng và nơi cần thông tin, phản ánh. Triển khai các giải pháp kỹ thuật tại trường học nhằm giám sát, chặn lọc truy cập các nội dung vi phạm pháp luật, các nội dung không phù hợp với học sinh theo từng lứa tuổi...

Một số mục tiêu cụ thể đáng chú ý được đề ra trong Chương trình đó là: 100% trường tiểu học, THCS, THPT và các cơ sở bảo vệ, nuôi dưỡng trẻ em định kỳ tổ chức chương trình tuyên truyền, giáo dục kiến thức, kỹ năng cần thiết cho trẻ để tham gia môi trường mạng an toàn. 100% trẻ em là nạn nhân bị xâm hại trên môi trường mạng được hỗ trợ, can thiệp khi có yêu cầu từ bản thân trẻ em hoặc từ người thân, cộng đồng xã hội.

Các trang web tên miền quốc gia ".vn", các trang web có địa chỉ IP tại Việt Nam tự thực hiện phân loại nội dung phù hợp với các độ tuổi của trẻ em; nếu có cung cấp dịch vụ, ứng dụng cho trẻ em, tự triển khai các giải pháp để bảo vệ trẻ em và hỗ trợ cha, mẹ hoặc người chăm sóc trẻ em quản lý việc sử dụng ứng dụng, dịch vụ của trẻ em.

Việc ban hành Chương trình "Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021-2025" là cụ thể hóa một bước việc thực hiện Nghị quyết số 121/2020/QH14 ngày 19-6-2020 của Quốc hội về tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em. Đồng thời là thông điệp mạnh mẽ, thể hiện sự quyết tâm của Chính phủ bảo vệ thế hệ công dân số tương lai, hướng tới xây dựng, duy trì một môi trường mạng an toàn, lành mạnh cho trẻ em thỏa sức sáng tạo.

Nhiều hoạt động chăm lo, tặng quà cho trẻ em khuyết tật Việt Nam ngày Quốc tế thiếu nhi
Trao yêu thương cho trẻ em nghèo nơi biên giới
Top