Không lo “thất truyền” gói bánh chưng
Cuộc thi gói bánh chưng năm nào cũng diễn ra với học sinh trường THPT Phan Huy Chú (quận Đống Đa), nhưng không vì thế mà sự háo hức của các em giảm xuống. “Năm trước, cuộc thi gói bánh chưng giữa các lớp diễn ra sôi nổi và có những sản phẩm chuyên nghiệp không khác gì bánh chưng “hàng hiệu” do có sự hỗ trợ từ phụ huynh. Tuy nhiên, để các bậc cha mẹ được thưởng thức tài nghệ của con em mình, cuộc thi năm nay sẽ do học sinh của trường chúng tôi thực hiện hoàn toàn. Sẽ có những chiếc bánh chưng hình chữ nhật hay hình thang, nhưng đó là sản phẩm các con tự làm và sẽ là những chiếc bánh chưng ngon nhất với thầy cô, cha mẹ” - cô Cao Thanh Nga, Phó Hiệu trưởng trường THPT Phan Huy Chú chia sẻ.
Nhiều sản phẩm đẹp mắt trong cuộc thi Xuân yêu thương của học sinh THPT Phan Huy Chú (quận Đống Đa)
Còn tại trường THCS Alpha, học sinh cùng phụ huynh đang rất trông đợi vào buổi tất niên cuối tuần này. “Nhiệm vụ của các con là phải tự bàn với nhau thực đơn bữa cơm tất niên. Các con sẽ phụ trách từ A đến Z, đi chợ, mua bán, sơ chế và nấu cơm sao cho đủ để các con ăn trong bữa trưa đó. Phụ huynh chỉ giúp tính toán số lượng thực phẩm cho vừa đủ.
Cũng trong buổi sáng, các con sẽ được hướng dẫn cách gói bánh chưng và tự làm lấy toàn bộ, nhà trường chỉ tặng phần nguyên liệu. Không biết năm nay, bánh chưng con nhà mình sẽ có hình thù gì, chứ năm ngoái, chiếc bánh chưng hình vuông nhưng mỏng dẹt. Nguyên nhân là do thiếu gạo vì một bạn cất nguyên liệu kỹ quá, không tìm thấy đủ số gạo cần thiết...” - chị Nguyễn Thúy Quỳnh, phụ huynh học sinh trường này kể lại.
“Có tự tay gói bánh, nhóm bếp mới thấy công việc này rất thú vị. Cả lớp cháu, bạn nào cũng hào hứng chờ đến buổi tất niên. Năm ngoái, lễ tất niên đúng vào ngày mưa to, cả thầy lẫn trò loay hoay mãi mới nhóm được bếp củi, khói um, thức ăn cũng đầy mùi khói nhưng vui lắm. Hơn nữa, đây là lần đầu tiên các bạn lớp cháu được tự tay gói bánh chưng, tuy chưa đẹp nhưng chắc chắn chiếc bánh của mình là ngon nhất ” - Nguyễn Thế Hải, học sinh lớp 7 trường THCS Alpha chia sẻ.
“Quá bận rộn với công việc, lại không có điều kiện để gói, luộc bánh chưng nên con em của nhiều gia đình ở thành phố không biết thế nào là không khí Tết với nồi bánh chưng đỏ lửa, ấm cúng cùng sự quây quần của các thành viên trong gia đình. Bởi vậy, việc các thầy cô chăm lo cho các con, giúp phụ huynh tổ chức những hoạt động truyền thống Tết là điều rất đáng phát huy. Nếu năm nào nhà trường cũng duy trì gói bánh chưng cho học sinh thì chắc chắn sau này các gia đình sẽ không lo món bánh cổ truyền này bị thất truyền. Các con còn giỏi hơn bố mẹ vì ngay thế hệ chúng mình cũng rất nhiều người chưa từng biết gói bánh” - chị Quỳnh vui vẻ nói
Tết ấm áp và lan tỏa
Phong trào gói bánh chưng Tết ở các trường học đang ngày càng lan rộng. Tuy nhiên, không chỉ các thành viên tham gia gói bánh chưng được thưởng thức hương vị Tết này. Những chiếc bánh chưng tự tay học sinh Hà Nội gói còn được chia sẻ tới nhiều học sinh khó khăn, học sinh vùng cao…
Khác với Ngày hội Gói bánh chưng của những năm trước đây, năm nay tại trường Tiểu học Quốc tế VIP Hà Nội và trường Trung học Alfred Nobel, các bạn học sinh sẽ không mang bánh chưng về nhà mà dành tặng những thành quả do chính tay mình làm đến các bạn học sinh miền núi còn gặp nhiều khó khăn cùng những lời chúc mừng năm mới. Sau khi bánh chưng được nhà trường luộc xong, học sinh sẽ nhận bánh chưng và gắn thiệp với lời chúc của mình vào chiếc bánh để phối hợp với chương trình “Cơm có thịt” trao tặng tới các bạn nhỏ vùng cao.
Đỗ Thị Hoài Thu, Trưởng ban tổ chức chương trình “Tết ấm áp”, một sự kiện thường niên được tổ chức bởi Câu lạc bộ Green Hà Nội - Amsterdam cho biết, đây là dịp các thành viên trong câu lạc bộ lại tất bật cùng nhau lên kế hoạch và chuẩn bị cho một mùa đón Tết ý nghĩa. “Đây không chỉ là cơ hội giúp các bạn học sinh trường THPT chuyên Hà Nội- Amsterdam nói riêng mà còn cả các bạn học sinh Thủ đô nói chung tìm hiểu thêm về tinh hoa văn hóa dân tộc, phong tục tập quán những ngày lễ Tết” - Hoài Thu cho biết. Các bạn không chỉ học được cách gói bánh chưng truyền thống mà còn có cơ hội trao gửi tận tay thành phẩm của mình đến những cụ già không nơi nương tựa, những em bé, những gia đình có hoàn cảnh khó khăn.
Chương trình thu hút sự tham gia của 100 đến 150 bạn tình nguyện viên đến từ các trường THCS, THPT trên toàn thành phố Hà Nội. Không chỉ có bánh chưng, câu đối, cành đào, để chương trình sôi động gắn với tâm lý học sinh, ban tổ chức chương trình còn đưa vào nhiều trò chơi dân gian sôi nổi, mang đậm không khí vui tươi như kéo co, đập hũ, bịt mắt bắt dê...
Theo An Ninh Thủ Đô
Nguồn bài viết : sxmn