Mang lại nguồn lợi lớn
Sá sùng có nhiều ở các bãi cát pha bùn thuộc vịnh Bắc Bộ và các tỉnh phía Nam như Bến Tre, Bạc Liêu, Cà Mau. Tuy nhiên, nổi tiếng nhất và ngon nhất thì chỉ có sá sùng ở vùng biển Vân Đồn.
Nghề đào, chế biến sá sùng đem lại nhiều nguồn lợi cho hàng trăm gia đình nông dân ở xã Quan Lạn. Cuộc sống của họ nhờ đó mà cũng bớt đi khó khăn ở nơi đảo xa. Người đào sá sùng đa phần là các bà, các chị phụ nữ trên đảo.
Đào sá sùng là nghề phổ biến ở đảo Quan Lạn
Nghề này được dân gian đưa vào ca dao vùng mỏ: “Con ơi con ngủ cho ngoan/ Mẹ ra bờ biển bắt con sá sùng/ Quanh năm cá biển rau rừng/ Sa chân lỡ bước đường cùng thì thôi/ Con đừng khóc nữa con ơi/ Biết đâu sông nước đầy vơi bao giờ!”.
Từ tờ mờ sáng, hàng trăm phụ nữ Quan Lạn vác đồ nghề, đổ về các Bãi Trước và Bãi Sau của xã đảo để săn sá sùng. Đồ nghề của họ cũng rất đơn giản, chỉ cần 1 chiếc mai đặc dụng và xô đựng. Họ mang ủng lặng lẽ dò từng bước một trên bãi biển để kiếm sá sùng.
Săn sá sùng, tuy nói có vẻ dễ nhưng thực ra rất khó. Khi nước triều lên, sá sùng bơi vào trong nước kiếm ăn. Đến khi nước rút, chúng rúc sâu vào trong cát, chỉ để lại những dấu vết rất khó phát hiện đối với người bình thường. Tìm ra tổ sá sùng đã khó, động tác đào phải nhanh và dứt khoát để chúng không bị đứt toàn thân và chui sâu vào trong cát.
Cái khó nhất trong việc đào sá sùng là mắt phải tinh, nhìn đúng tổ.
Sá sùng săn được có thể để tươi rồi nấu với lá lốt làm canh ăn rất mát và bổ. Vị ngọt của sá sùng trở thành thứ hương vị đặc trưng của rất nhiều quán phở ở Hà Nội và một số tỉnh vùng Đông Bắc.
Anh Phạm Văn Nuôi, ở thôn Thái Hòa, xã Quan Lạn, là một trong số ít ỏi đàn ông đi đào sá sùng cho biết, cái khó nhất trong việc đào sá sùng là mắt phải tinh, nhìn đúng tổ. Tay phải nhanh, chân phải khỏe đạp mai cắm thật sâu để chặn sá sùng, không để nó lẩn xuống sâu trong lòng cát.
Anh Nuôi giải thích, sá sùng là loại thân mềm, nhưng chúng lẩn rất nhanh trong cát mỗi khi tổ bị động. Nhiều người mới vào nghề, cả ngày dù đào hàng trăm nhát, trăm tổ mà chưa nổi một lạng, chẳng đủ lượng để bán cho người thu gom.
Thậm chí người mới vào nghề do non kinh nghiệm thường đào đứt thân sá sùng, nên giá trị thương mại rất ít. Tuy nhiên, với những người có tay nghề cao như anh Nuôi, ngày ít đào được 1 – 2kg, ngày nhiều có thể lên tới 4 kg, bán tươi cũng được gần 1 triệu đồng.
Sá sùng có giá trị kinh tế cao
Chị Hứa Thị Thiêm, ở thôn Sơn Hào, xã Quan Lạn làm nghề thu gom sá sùng cho biết, giá mỗi cân sá sùng tươi mua tại bãi bồi khoảng 260.000 đến 300.000 đồng, tùy theo loại nhỏ, to khác nhau. Nếu sá sùng được phơi, sấy khô sẽ có giá trị cao hơn.
Theo chị Thiêm, sau khi thu mua, sá sùng được rửa sạch cát, đem trần nước sôi rồi sấy bằng bếp than. Sấy bằng bếp than tổ ong thì sá sùng khô nhanh và cho mẫu mã đẹp nhất, thời gian sấy chỉ chừng 2 giờ đồng hồ. Sá sùng sau khi sấy khô là có người đến thu mua ngay với giá 3 triệu đồng, trừ chi phí đi cũng được 800.000 đên 900.000 đồng/kg khô.
Sá sùng giữ biển
Ông Vương Văn Tý, 1 ngư dân lâu năm ở Quan Lạn chỉ tay ra ngoài bãi rồi trầm giọng kể lại chuyện ngày xưa. Năm 1945, nạn đói kinh hoàng xảy ra, người trong làng không có gì để ăn, tưởng chừng như không thể cầm cự nổi. Nhiều người bỏ làng, bỏ biển vào bờ kiếm cái ăn. Những người ở lại vất vả vô cùng vì trên đảo trồng được rất ít lương thực. May thay, trong thời điểm khó khăn đó, đàn bà trong làng xuống bãi đào sá sùng, còn đàn ông thì lên núi hái lá sung về nấu canh ăn qua ngày.
Sá sùng giàu dinh dưỡng trong những ngày đói kém đã cứu đói hàng ngàn người dân Quan Lạn
Sá sùng giàu dinh dưỡng trong những ngày đói kém đã cứu đói hàng ngàn người dân Quan Lạn, giúp họ trụ vững trên hòn đảo nằm chơi vơi giữa biển khơi. Thời chiến, Quan Lạn trở thành một trong những hòn đảo nuôi giấu cách mạng, sá sùng lại là món ăn nuôi quân quen thuộc.
Hòa bình lập lại, sá sùng được người Quan Lạn khai thác rồi sấy khô, trở thành sản vật giúp dân làm giàu, trụ lại trên hòn đảo xa xôi này.
Ông Tý kể rằng, vào năm 1970, có một đoàn các nhà khoa học đến nghiên cứu về sá sùng ở đây. Họ tìm đến khu bãi nhiều sá sùng khoanh vùng, sau đó đào cả khoảnh đất đó sâu xuống 1m mang đến vùng biển khác, hy vọng nó sẽ đến sinh sống, nhưng thời gian trôi đi mà vẫn chẳng có. Trong khi đó, ở khu đất đã được đào đi ấy, từ dưới độ sâu 1m lại trồi lên những tổ sá sùng mới...
Sản vật giàu giá trị này góp phần giúp người dân trụ vững ở vùng đảo đầu sóng ngọn gió...
Rồi ông kết luận: “Không phải chỗ nào sá sùng cũng sống, dù có đào cả bãi Quan Lạn mang đi chỗ khác cũng vô ích! Trời đã đưa vị cứu tinh này đến cho đảo. Thời đói kém là để giúp dân chống đói, còn thời nay là để giúp dân làm giàu!”.
Trải qua bao biến cố và thăng trầm lịch sử, sá sùng như chiếc mỏ neo vững chắc, níu chân người Quan Lạn ở lại, phát triển hòn đảo ngày càng giàu đẹp hơn để giữ gìn từng tấc đấc do cha ông để lại. Bởi thế, sá sùng không chỉ là sản vật, là niềm tự hào của người dân Quan Lạn mà còn là “vũ khí” quan trọng để giúp cho họ đời này qua đời khác giữ làng, bám biển.
An Vinh
Nguồn bài viết : Bắn cá