Ở nơi không có cưới xin

2025-01-17 19:21:32

Dân đảo có tập tục đặc biệt từ xưa, không tổ chức đám cưới rình rang. Nếu để ý, nhớ nhung một cô gái nào đó, người con trai không cần phải mai mối như các nơi khác. Chàng trai chỉ cần nói với cha mẹ hoặc người thân để khi nhà gái có tiệc tùng, đám giỗ hoặc sự kiện gì đó, nhà trai sẽ sang nói chuyện (ở đảo gọi là nói chừng). Nếu nhà gái đồng ý, ngay hôm đó đôi trẻ sẽ nên duyên vợ chồng và ngay tối đó, chàng trai đã có thể đến ngủ nhà cô gái.

Những đứa trẻ ở đảo Phú Quý (Ảnh: Tuổi Trẻ)

Ở đảo, con gái lớn lên được cha mẹ cho một phòng riêng và đêm đó chàng rể sang nhà cô dâu ngủ, coi như đêm tân hôn của 2 vợ chồng. Điều đặc biệt là sau khi nên duyên, chàng trai vẫn ở nhà mình còn cô gái ở nhà mẹ đẻ. Buổi tối thì vợ chồng được ở với nhau tại nhà cô gái. Và trong khoảng thời gian cô gái còn ở nhà mẹ đẻ, nếu nhà trai có việc hệ trọng (đám tiệc, giỗ chạp, dựng nhà...) thì sang “mượn” con dâu một vài ngày, nhà gái cũng có thể “mượn” con rể.

Tục nói chừng ở đảo là điều kiện tiên quyết để 2 bạn trẻ qua lại với nhau và thành vợ chồng mà không cần nghi thức thách cưới hay cưới xin nào.

Đôi vợ chồng trẻ cứ ai ở nhà người ấy cho đến khi nào cha mẹ người con trai thấy cần con dâu về sống chung, hoặc khi đôi vợ chồng trẻ có con thì nhất định phải về nhà trai. Ngày cô dâu về nhà chồng, nhà trai đưa lễ vật đơn sơ, gồm trầu cau, rượu, xôi gà cùng ông mai đến nhà gái xin đón con dâu và… cháu nội. Thủ tục phải có trong lễ rước dâu, rước cháu là lễ “phạt ông bà”, tức báo cáo với tổ tiên cho phép cô dâu làm thành viên chính thức của dòng họ.

Tuy nhiên, thời gian “ngủ bên nhà vợ” nếu xảy ra những mâu thuẫn, hay phát hiện sự rạn nứt, bất ổn nào đó trong hạnh phúc, tình yêu chàng trai có thể “chia tay” mà không cần phải hòa giải hoặc ly hôn. Cũng không hiếm những trường hợp sau thời gian chung sống rất ngắn ngủi, các cô vợ “sa thải” chồng vì những lý do không thể chung sống lâu dài.

Cuộc sống bình yên trên đảo Phú Quý

Ông Trần Thanh Phong, ở xã Long Hải, huyện Phú Quý, người nhiều năm nghiên cứu, ghi chép lại lịch sử của hòn đảo này cho biết, tổ chức tiệc tùng đám cưới không phải là khó khăn, vì cuộc sống trên đảo hiện nay đã thay đổi và khá giả. Nhưng xuất phát từ ngày xưa, cuộc sống còn cơ cực, điều kiện tổ chức lễ cưới như đất liền không có nên ông bà cũng chẳng rườm rà chuyện cưới xin, con cái thương yêu nhau thì cho phép về sống chung, sinh con đẻ cái, rồi thành phong tục.

Ngày nay, tập tục này đã mai một theo thời gian và chịu ảnh hưởng bởi phong cách cưới hỏi ở đất liền. Đồng thời nhiều cặp vợ chồng đã được vận động đăng ký kết hôn dù trong gia đình vẫn duy trì tập tục này như một nét văn hóa riêng. Tuy nhiên, trong điều kiện nhiều đám cưới bị biến tướng bi hài như hiện nay thì tập tục cưới xin đơn giản, đầy ắp tình người ở đảo Phú Quý phần nào vẫn rất đáng ca ngợi.

Linh Giang

Tổng hợp

Nguồn bài viết : Live22 Điện Tử

Top