Doanh nghiệp Việt Nam cần cảnh giác với một số hiện tượng lừa đảo, gian lận thương mại quốc tế

2025-01-17 19:21:33
NCSC cảnh báo một số kịch bản lừa đảo phổ biến hiện nay
Cảnh giác với thủ đoạn dùng con dấu, tài liệu giả để lừa doanh nghiệp

Cùng với quá trình toàn cầu hóa và sự phát triển của công nghệ thông tin, các hành vi gian lận thương mại ngày càng phổ biến, có quy mô lớn, tinh vi và phức tạp hơn. Việt Nam là nền kinh tế năng động, có độ mở cao, hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng nên hoạt động giao thương, đầu tư của doanh nghiệp ngày càng phát triển; các doanh nghiệp Việt Nam, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, dễ trở thành mục tiêu của lừa đảo hoặc vướng phải tranh chấp thương mại phức tạp.

Gần đây, mặc dù các cơ quan trong nước, các CQĐD và Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài liên tục cảnh báo, hiện tượng doanh nghiệp ta bị lừa đảo hoặc vướng vào tranh chấp - có chiều hướng gia tăng. Điều này không chỉ gây tổn thất trực tiếp cho doanh nghiệp ta mà còn ảnh hưởng đến lòng tin kinh doanh và quan hệ kinh tế giữa Việt Nam với các đối tác. Ví dụ, sau vụ việc 100 container hạt điều, doanh nghiệp ta có tâm lý e ngại làm ăn với các đối tác I-ta-li-a hoặc khi đàm phán các hợp đồng lớn. Đáng chú ý, tình trạng lừa đảo gần đây diễn ra phổ biến hơn tại các thị trường lớn, có uy tín và mức độ rủi ro thấp như Mỹ, Hà Lan, I-ta-li-a, Na Uy… thay vì tập trung ở các thị trường châu Phi như trước đây.

Một số hình thức lừa đảo, gian lận thương mại phổ biến

Lừa đảo trong xuất nhập khẩu hàng hóa, không thanh toán, không chuyển hàng như hợp đồng đã ký. Một số doanh nghiệp Việt Nam gần đây bị lừa đảo, chiếm đoạt lô hàng tại Xri Lan-ca, bị đối tác An-giê-ri ép giảm giá hoặc không nhận hàng sau khi hàng đã đến cảng (với lý do giá hàng hoá xuống thấp hoặc tìm được bên bán rẻ hơn), hoặc bị ngắt liên lạc và không nhận lô hàng tại Bra-xin,... Tại Hàn Quốc, một số doanh nghiệp sở tại trì hoãn giao hàng, không hoàn trả đặt cọc khi không giao được hàng hoặc không chịu thanh toán khi nhập khẩu hàng hoá từ Việt Nam. Năm 2020, một số doanh nghiệp Việt Nam không nhận được thanh toán trong giao dịch với doanh nghiệp Mỹ do đối tác phá sản.

Thành lập công ty “ma”, giả mạo doanh nghiệp, cung cấp các giấy tờ giả chứng minh năng lực công ty để giao dịch. Thủ tục thành lập doanh nghiệp tại một số nước, bao gồm cả các nước phát triển trong EU là khá đơn giản và dễ dàng, đặc biệt trong thành lập các công ty trách nhiệm hữu hạn, là điều kiện để các đối tượng tận dụng để thực hiện lừa đảo. Các đối tượng tại Mê-hi-cô có thủ đoạn giả danh đại diện của các công ty môi giới, quan chức chính quyền, cơ quan tài chính để tạo niềm tin, dụ dỗ chuyển tiền đặt cọc rồi chiếm đoạt. Một doanh nghiệp Việt Nam nhận được đề nghị thực hiện nghiên cứu thị trường hàng hải qua email của một công ty hàng hải của Bỉ và không được thanh toán sau khi gửi kết quả nghiên cứu. Năm 2021, có hơn 40 trường hợp giả mạo doanh nghiệp Na Uy để lừa đảo, chiếm đoạt tiền của doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có một số doanh nghiệp Việt Nam° trong mua, bán thủy hải sản, thiệt hại khoảng vài nghìn USD vụ việc.

Giả mạo giấy tờ, đại diện ngân hàng để lấy chứng từ gốc, chiếm đoạt hàng hoá mà không thanh toán. Bên lừa đảo giả mạo tài khoản tại ngân hàng uy tín hoặc giả mạo cán bộ ngân hàng, cấu kết với các nhóm lừa đảo quốc tế để làm giả giấy tờ, chứng từ, cài người để lấy chứng từ gốc và chiếm đoạt lô hàng.

Các đối tượng cũng dùng thủ đoạn đề nghị thay đổi điều khoản hợp đồng, phương thức thanh toán (với lý do phí ngân hàng cao), đề nghị gửi trước toàn bộ hay một phần vận đơn gốc (với lý do để làm các thủ tục xin cấp phép nhập khẩu) để lừa đảo. Năm 2019, doanh nghiệp Việt Nam bản hạt tiêu đen sang Xê-nê-gan cũng đã bị lừa chuyển chứng từ gốc và không được thanh toán khi giao hàng.

Lừa đảo môi giới các dự án vay ưu đãi, viện trợ, đấu thầu. Theo Văn phòng Kinh tế - Văn hóa ta tại Đài Bắc, thời gian qua một số cá nhân Đài Loan gốc Việt, với danh nghĩa tư vấn cho các doanh nghiệp Đài Loan đã tiếp cận một số tỉnh ở miền Nam và cho biết có thể “thu xếp” được các khoản vay ưu đãi hoặc viện trợ của Đài Loan cho các dự án cơ sở hạ tầng tại địa phương. Một số doanh nghiệp ta cũng được mời tham gia các gói thầu ở châu Phi và nhận được thông báo trúng thầu cùng với đề nghị chuyển phí hoàn tất thủ tục đấu thầu; sau khi nhận được tiền, các đối tượng này cắt đứt liên lạc.

Nguyên nhân

Về khách quan: (1) Khoảng cách địa lý xa xôi, đặc biệt là dịch COVID-19 thời gian qua khiến doanh nghiệp khó khăn trong đi lại, làm việc trực tiếp, kiểm tra hàng hóa và phải giao dịch qua internet, là điều kiện thuận lợi cho các hành vi lừa đảo. (2) Sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, doanh nghiệp ta có nhu cầu đẩy mạnh xuất nhập khẩu hàng hoá với nước ngoài nên có xu hướng chấp nhận rủi ro cao hơn trong giao dịch. (3) Thủ tục, quy định xuất nhập khẩu hàng hoá, tập quán kinh doanh của các nước rất đa dạng; với thông tin hạn chế, các doanh nghiệp Việt Nam dễ bị lừa đảo khi đáp ứng các yêu cầu của đối tác. (4) Thời gian vận chuyển dài khiến các mặt hàng xuất khẩu như nông, thuỷ hải sản khó bảo quản, dễ hư hỏng, là lý do để đối tác nước ngoài ép doanh nghiệp ta giảm giá hoặc từ chối nhận hàng. Hợp đồng mua-bán không quy định cụ thể hoặc có các điều khoản bất lợi cho doanh nghiệp Việt Nam (như điều khoản về cơ quan giải quyết tranh chấp là tòa án tại nước Bạn) khiến quá trình giải quyết tranh chấp gặp nhiều khó khăn.

Về chủ quan: (1) Một số doanh nghiệp sơ hở, mất cảnh giác do chủ quan, nóng vội, ham lợi nhuận cao, và đặc biệt là quả tin tưởng đối tác hoặc bên môi giới, bỏ qua các quy tắc cơ bản trong kinh doanh quốc tế; không nghiên cứu kỹ các điều khoản trước khi ký hợp đồng; chấp nhận dành cho đối tác nhiều điều kiện ưu đãi, nhất là về thanh toán" dẫn đến bị lợi dụng, chậm trả tiền hoặc không được thanh toán do bên mua chỉ cần xác nhận trả tiền hoặc ứng trước một phần là có bộ chứng từ để nhận hàng. (2) Tính chuyên nghiệp, nghiệp vụ ngoại thương, hiểu biết pháp lý của một bộ phận doanh nghiệp còn hạn chế. Doanh nghiệp chưa tìm hiểu, xác minh kỹ đối tác; không thuê các bên tư vấn, giám định uy tín để hỗ trợ giao dịch; chưa nắm được tập quán kinh doanh sở tại hay các quy định về tiêu chuẩn hàng hóa... Kỹ năng và hiểu biết về công nghệ thông tin, thương mại điện tử, trình độ ngoại ngữ của đội ngũ làm công tác thương mại, pháp lý của một số doanh nghiệp chưa đáp ứng được các yêu cầu của hội nhập quốc tế.

Kiến nghị: Theo Bộ Ngoại giao nhằm hạn chế các vụ việc lừa đảo, nghi lừa đảo hoặc tranh chấp thương mại quốc tế liên quan tới doanh nghiệp Việt Nam, kiến nghị một số giải pháp sau:

- Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao phối hợp với Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam: (i) Tăng cường cảnh báo, thông tin cho các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp về các hình thức lừa đảo, gian lận thương mại phổ biến hoặc mới xuất hiện; (ii) Phối hợp với các cơ quan liên quan, các hiệp hội doanh nghiệp tăng cường phổ biến kiến thức thương mại, tài chính quốc tế, đào tạo kỹ năng giao dịch quốc tế cho các địa phương, doanh nghiệp Việt Nam, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ để nâng cao năng lực của doanh nghiệp; (ii) Nghiên cứu xây dựng chuyên trang thông tin để cảnh báo, cập nhật về các vụ việc, thủ đoạn, hành vi lừa đảo.

- Bộ Ngoại giao, Bộ Công Thương chỉ đạo các CQĐD, Thương vụ ta ở nước ngoài: (i) Tiếp tục thông tin, cảnh báo cho các Bộ, ngành chức năng, các hiệp hội, doanh nghiệp trong nước về các tổ chức, đối tượng có dấu hiệu lừa đảo, có hiện tượng làm ăn phi pháp, các hình thức lừa đảo mới, các hành vi lừa đảo tại các địa bàn được đánh giá là an toàn trong giao dịch; (ii) Xây dựng và củng cố mạng lưới quan hệ với chính quyền, các cơ quan quản lý về an ninh kinh tế, các tổ chức, hiệp hội doanh nghiệp, công ty luật uy tín ở sở tại để nâng cao hiệu quả hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam trong ngăn chặn và xử lý các vụ việc lừa đảo và tranh chấp; (iii) Tăng cường giới thiệu các hiệp hội doanh nhân, luật sư Việt Nam ở nước ngoài để mở rộng mạng lưới hỗ trợ thông tin, tư vấn cho doanh nghiệp ta.

- Bộ Công an: (i) Tăng cường thông tin, cảnh báo các doanh nghiệp ta về các thủ đoạn, dấu hiệu lừa đảo của các tổ chức, cá nhân nước ngoài trong mua, bản hàng hoá, dịch vụ trên môi trường mạng; (ii) Đẩy mạnh hợp tác quốc tế về an ninh với các nước và tổ chức Interpol để kịp thời điều tra, hỗ trợ xử lý các vụ việc lừa đảo, tranh chấp, gian lận thương mại, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp Việt Nam.

- Bộ Thông tin và Truyền thông: (i) Phối hợp với Bộ Công Thương tăng cường các hoạt động tuyên truyền, cảnh báo, nâng cao nhận thức cho địa phương, doanh nghiệp về vấn đề lừa đảo, tranh chấp trong thương mại quốc tế; (ii) Kịp thời định hướng báo chí trong nước đưa tin bám sát theo chủ trương xử lý, thông tin chính thức của các cơ quan chức năng để tránh tác động không thuận đến quá trình giải quyết các vụ việc và hình ảnh của thị trường và các doanh nghiệp liên quan.

- Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các ngân hàng thương mại tăng cường cảnh báo, tư vấn cho doanh nghiệp trong thực hiện các giao dịch có mức độ rủi ro cao, có khả năng xảy ra gian lận thương mại.

- Các địa phương nâng cao vai trò của các cơ quan liên quan (Ngoại vụ, Công Thương, Kế hoạch và Đầu tư, Thông tin và Truyền thông:..) trong phối hợp cảnh báo và hỗ trợ các doanh nghiệp, người lao động xử lý các vấn đề liên quan đến lừa đảo, tranh chấp trong thương mại quốc tế.

- Các hiệp hội doanh nghiệp, doanh nghiệp chủ động tăng cường nâng cao chất lượng chuyên môn, nghiệp vụ, ngoại ngữ, kiến thức pháp luật về thương mại quốc tế của đội ngũ nhân lực làm công tác đối ngoại, ngoại thương, pháp lý và phát triển thị trường của doanh nghiệp.

Bộ Công an bóc gỡ đường dây làm giả "vé máy bay về nước" lừa đảo người lao động
Doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường Maroc cần cẩn trọng trước chiêu trò lừa đảo mới

Nguồn bài viết : SABA Thể Thao

Top