Hà Tĩnh đề nghị hỗ trợ trình UNESCO vinh danh Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác

2024-12-20 20:11:48
Người dân Vĩnh An (Thanh Hóa) được thụ hưởng công trình nước sạch do Tổ chức GNI hỗ trợ
Italy đệ trình hồ sơ di sản UNESCO đối với cà phê espresso
Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác (1724 - 1791). Ảnh: VOV

UBND tỉnh Hà Tĩnh vừa có văn bản gửi Bộ VH-TT&DL về việc đề nghị phối hợp trình UNESCO vinh danh Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác nhân kỷ niệm 300 năm ngày sinh của đại danh y.

Theo UBND tỉnh Hà Tĩnh, đến năm 2024 sẽ tròn 300 năm ngày sinh Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác (1724 - 2024). Nhằm tri ân những công lao, đóng góp, cống hiến của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác đối với nền y học, văn học, văn hóa dân tộc, tỉnh Hà Tĩnh đã có chủ trương và chỉ đạo các cơ quan chuyên môn xây dựng hồ sơ trình UNESCO vinh danh Đại danh y.

Tượng đài đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác tại huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh. Ảnh: Minh Đạo/ Nguồn: Nhà báo & Công luận

Để việc vinh danh Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác thành công, UBND tỉnh Hà Tĩnh đề nghị Bộ VH-TT&DL quan tâm, ủng hộ chủ trương; đồng thời hướng dẫn, giúp đỡ về chuyên môn trong quá trình triển khai thực hiện.

UBND tỉnh Hà Tĩnh giao Sở VH-TT&DL chủ trì, kết nối chương trình, nội dung làm việc giữa bộ, tỉnh và các cơ quan liên quan trong xây dựng, hoàn thiện hồ sơ trình UNESCO vinh danh Đại danh y.

Được biết, đại danh y Lê Hữu Trác hiệu Hải Thượng Lãn Ông sinh ra trong một gia đình có 6 tiến sĩ (quê tại xã Liêu Xá, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên). Tuy nhiên, cuộc đời ông phần nhiều (từ năm 26 tuổi đến lúc mất) gắn bó với quê mẹ ở thôn Bàu Thượng, xã Tĩnh Diệm, huyện Hương Sơn, phủ Đức Quang, trấn Nghệ An (nay là xã Quang Diệm, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh). Đây cũng là giai đoạn mà ông có duyên nghiệp với nghề y, hành nghề bốc thuốc, trở thành Đại danh y của nước ta.

Ông để lại nhiều tác phẩm lớn như Hải Thượng y tông tâm lĩnh gồm 28 tập, 66 quyển chắt lọc tinh hoa của y học cổ truyền, được đánh giá là công trình y học xuất sắc nhất trong thời trung đại Việt Nam. Ngoài ra, các tác phẩm Lĩnh Nam bản thảo, Thượng kinh ký sự của ông không chỉ có giá trị về y học mà còn có giá trị văn học, lịch sử, triết học.

Sau khi mất, ông được Nhân dân và giới y học cả nước suy tôn là bậc "Y thánh của Việt Nam". Khu di tích Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác tại xã Quang Diệm, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh đã được xếp hạng di tích quốc gia năm 1990.

Hội Hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản tỉnh Bắc Giang thúc đẩy kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp Nhật Bản
Vun đắp tình đoàn kết, hữu nghị hai dân tộc
Top