Lo chiến tranh thương mại, công ty nào rời Trung Quốc đến Việt Nam?

2025-01-17 19:23:13
Hàng loạt công ty đang đưa nhà máy từ Trung Quốc về Việt Nam như một phương án an toàn trước sức ép thuế quan ngày càng lớn do chiến tranh thương mại Trung - Mỹ gây ra.

Hành động áp thuế quan trừng phạt của Tổng thống Mỹ Donald Trump hồi tuần trước và việc đáp trả của Trung Quốc bằng gói thuế quan hàng chục tỷ USD ngày 13/5 đã tạo ra một cú sốc đối với thị trường thế giới.

Cuộc thương chiến có những dấu hiệu tiếp tục leo thang và kéo dài hơn dự kiến. Việc chính quyền của ông Trump nâng mức thuế từ 10% lên 25% đối với khối hàng hóa Trung Quốc 200 tỷ USD được đánh giá sẽ khiến nhiều công ty rời bỏ Trung Quốc và tìm đến các thị trường châu Á khác.

Ngay cả Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng đã cảnh báo trên Twitter: "Nhiều công ty chịu thuế sẽ rời bỏ Trung Quốc và tìm đến Việt Nam hay các nước châu Á khác."

Thực tế, ngay từ khi mức thuế được áp ở con số 10%, nhiều công ty cũng đã rục rịch chuyển cơ sở sản xuất sang Việt Nam như phương án an toàn để tránh thuế. 

Đối tác lớn của Apple 'kéo nhau' sang Việt Nam

Foxconn là công ty lớn nhất thế giới trong lĩnh vực sản xuất linh kiện điện tử và cũng là đối tác gia công chính của Apple. Đó là lý do Foxconn trở nên rất nhạy cảm với bất kỳ sự leo thang nào trong tranh chấp thương mại gây ảnh hưởng đến Apple - nhân tố quyết định 50% doanh thu của công ty.

Lo chien tranh thuong mai, cong ty nao roi Trung Quoc den Viet Nam? hinh anh 1
Với quy mô 1,3 triệu nhân lực tại Trung Quốc, Foxconn là công ty tư nhân lớn nhất của quốc gia này. Ảnh: Foxconn

Theo South China Morning Post, tỷ phú Terry Gou Tai Ming, Chủ tịch của Tập đoàn Công nghệ Foxconn, từng khẳng định thách thức lớn nhất của công ty hiện nay là cuộc chiến thương mại Trung - Mỹ.

Ông Gou nhận định: "Chiến tranh thương mại không chỉ là về thương mại, mà nó là một cuộc chiến về công nghệ, một cuộc chiến về sản xuất".

Chỉ trong ngày 13/5 vừa qua, sau tuyên bố đánh thuế đáp trả với 60 tỷ USD hàng Mỹ của Bắc Kinh, cổ phiếu của Apple giảm mạnh 5,4%.

Trước tình hình này, Foxconn đã tuyên bố thành lập một nhà máy ở Việt Nam để giảm thiểu các tác động của chiến tranh thương mại bằng cách đảm bảo có một cơ sở sản xuất bổ sung bên ngoài Trung Quốc. Kế hoạch này đang có những tín hiệu cụ thể cho thấy công ty này có ý định đầu tư lâu dài ở Việt Nam.

Cuối tháng 1/2019, Foxconn tuyên bố đã thanh toán 16,5 triệu USD cho công ty Fuhua để đổi lấy quyền sử dụng 250.000 m2 đất tại một khu công nghiệp ở Bắc Giang. Foxconn cũng đến khảo sát để lên kế hoạch đầu tư thêm ở tỉnh Quảng Ninh.

Việc xây dựng nhà máy lắp ráp iPhone tại Việt Nam có thể giúp Foxconn tránh được thuế nhập khẩu cao và giữ Apple không bỏ sang các nhà sản xuất khác.

Trước Foxconn, GoerTek trở thành nhà cung cấp thiết bị chính cho Apple đầu tiên xác nhận kế hoạch chuyển hoạt động sản xuất của công ty ra khỏi Trung Quốc tránh bị cuốn vào cuộc chiến thương mại đang ngày một căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh.

 Nikkei Asian Review đưa tin, đơn vị lắp ráp AirPods này đã thông báo dự định sẽ chuyển việc sản xuất tai nghe không dây sang Việt Nam. GoerTek đã gửi yêu cầu đến tất cả nhà cung cấp linh kiện để cân nhắc gửi các linh kiện trực tiếp đến Việt Nam.

 Hiện nay, GoerTek đang chuẩn bị xây dựng một nhà máy ở Bắc Ninh với tổng số vốn đầu tư 260 triệu USD.

Những quyết định này đã cho thấy tình thế khó khăn mà Apple và các nhà cung cấp của mình đang gặp phải khi đứng giữa cuộc chiến của hai nền kinh tế lớn nhất hành tinh.

Phụ tùng xe, linh kiện, đồ dệt may... hướng về Việt Nam

Theo một báo cáo về thương mại được AFP đưa ra, các nhà máy Trung Quốc sản xuất đủ các mặt hàng từ xe cộ, lốp xe, đồ nhựa, sản phẩm dệt may... đều đang bắt đầu chuyển dây chuyền lắp ráp sang Việt Nam để tránh thuế cao.

Lo chien tranh thuong mai, cong ty nao roi Trung Quoc den Viet Nam? hinh anh 2
Việc tăng thuế nhập khẩu lên 25% với nhiều nhóm sản phẩm Trung Quốc đang khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn. Ảnh: AFP.

HL Corp, một nhà sản xuất chuyên sản xuất phụ tùng xe đạp ở Thâm Quyến đã tuyên bố với các nhà đầu tư rằng họ sẽ chuyển hoạt động sản xuất sang Việt Nam, từ đó "giảm và tránh" được những tác động của mức thuế ngày càng cao của chính quyền Tổng thống Trump đánh vào xe đạp điện và các linh kiện liên quan.

Cùng với đó, công ty sản xuất polyester Zhejiang Hailide New Material của Trung Quốc cũng đã đầu tư đến 155 triệu USD cho nhà máy đầu tiên của họ ở Việt Nam, dự kiến đi vào hoạt động vào cuối năm 2020.

Có chung nỗi lo lắng với các công ty Trung Quốc, nhiều doanh nghiệp nước ngoài như Nhật Bản đã bắt đầu tìm kiếm đến thị trường Việt Nam và một số quốc gia Đông Nam Á như Thái Lan, Malaysia để mở nhà máy mới.

Công ty sản xuất ăng-ten tự động cho ôtô Yokowo có 70% hoạt động sản xuất ở các nhà máy tại Trung quốc cũng đang tăng tốc chuyển đây chuyền sản xuất của mình sang Việt Nam. Doanh nghiệp này đã đẩy mục tiêu hoàn hành việc di dời lên cuối năm nay thay vì giữa năm 2020 như kế hoạch ban đầu.

Tuy nhiên, các công ty cũng cho biết không dễ dàng để rời khỏi Trung Quốc trong một sớm một chiều với một chuỗi cung ứng lâu đời được hình thành ở đó trong nhiều thập kỷ.

Nguồn bài viết : HB Điện Tử

Top