Truyền hình OTT cần có bản sắc riêng. Ảnh minh họa |
Tính đến thời điểm hiện tại các đơn vị truyền hình ở Việt Nam đều đã tham gia vào cuộc đua cung cấp dịch vụ OTT, như VTV ra đời một loạt các ứng dụng VTV Giải trí, VTV Sports, VTC Go; VTC có VTC Now; K+ có myK+ và myK+ Now, SCTV có STV Play và SCTV VOD, VTVcab có VTVcab On và Onme, các doanh nghiệp như FPT Telecom, VNPT, BHD, Galaxy, Clip TV cũng đã tham gia vào cuộc đua OTT. Một nguồn tin riêng của ICTnews cũng cho hay, “ông trùm” nắm giữ trong tay quyền phân phối các kênh truyền hình quốc tế ăn khách nhất là Q.net cũng đang chuẩn bị bước đi để tham gia cung cấp dịch vụ OTT.
Tuy nhiên số lượng các nhà cung cấp dịch vụ OTT có nhiều nhưng thực tế số lượng người xem cũng còn ở mức khiêm tốn, theo số liệu từ Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử, số lượng người xem truyền hình OTT chiếm khoảng 11% thị phần truyền hình trả tiền. Nhưng dù sao OTT là một xu thế của ngành truyền hình, theo một khảo sát về tương lai của truyền hình Internet Việt Nam, 45% số người được hỏi trong một cuộc khảo sát cho rằng họ có xu hướng ít xem truyền hình qua tivi mà thay vào đó là các App trên di động.
Mặc dù truyền hình OTT đã phát triển mạnh từ 2016 tới nay nhưng trên thực tế thì chỉ có một số ít các nhà cung cấp dịch vụ OTT thu phí với mức dao động từ 20.000 - 125.000 đồng/tháng, tùy thuộc vào gói cước của từng nhà cung cấp. Còn lại thì hầu hết các nhà cung cấp dịch vụ OTT đều đang miễn phí. Một số nhà cung cấp dịch vụ OTT đang trong giai đoạn phát triển người dùng, cung cấp miễn phí và bắt đầu khai thác nguồn thu quảng cáo, tuy nhiên số lượng quảng cáo cũng rất ít ỏi. Theo đại diện nhà cung cấp dịch vụ truyền hình STV Play, doanh thu nhiều nhất của ứng dụng lại là từ dịch vụ karaoke chứ không phải dịch vụ xem phim theo yêu cầu VOD.
Hiện nay truyền hình OTT ở Việt Nam đang có 4 nhóm tham gia. Nhóm thứ nhất là các đơn vị sản xuất nội dung truyền hình như K+, SCTV, VTV, VTVcab, VTC, HTV chuyển sang hướng làm OTT, lấy Internet làm nền tảng truyền dẫn. Đây có thể coi là sự chuyển dịch sang nền tảng Internet cùng với các nền tảng được các đơn vị này sử dụng trước đó là cáp, vệ tinh.
Nhóm thứ hai gồm các đơn vị lấy nội dung của nhà đài hoặc tự sản xuất nội dung để làm truyền hình như Viettel, VTC, MobiFone,…
Nhóm tiếp theo phải kể đến là các đơn vị sản xuất nội dung thuần túy như Cát Tiên Sa, BHD, Q.net... có thế mạnh về các chương trình giải trí, muốn xây dựng ứng dụng riêng.
Và nhóm cuối cùng là những đơn vị làm dịch vụ nền tảng (platform) như FPT Play, ZingTV, Clip TV, VNPT Media...
Để phát triển nội dung, các đơn vị tham gia thị trường OTT truyền hình đang theo 3 hướng chính. Một là đặt hàng và mua bản quyền chương trình như FPT, ClipTV, ZingTV… Đặc thù của các đơn vị này đều là đơn vị sở hữu nền tảng công nghệ và không có thế mạnh nội dung, không tự sản xuất được nội dung. Các chương trình này hầu như không có nội dung mang tính bản sắc hay đặc thù và vũ khí cạnh tranh là bản quyền một số chương trình ngoại. Ví dụ như FPT Play đang nắm giữ bản quyền phát sóng toàn bộ các trận đấu của FA Cup và Series A trong 3 mùa liên tiếp, từ mùa giải 2018-2021.
Một số các đài truyền hình có thế mạnh sản xuất chương trình truyền hình, nắm giữ nhiều nội dung do chính các đài sản xuất như VTV, VTC, VTVcab, SCTV, VTVcab, K+, HTV, Truyền hình Bình Dương, Truyền hình Vĩnh Long. Các đài này hầu như có nội dung sản xuất cho các kênh sóng của mình và chuyển dịch sang phát trên nền tảng Internet. Thế mạnh của các đơn vị này là sở hữu nhiều nội dung, nắm giữ nhiều nội dung có bản quyền.
Tuy nhiên, việc chuyển dịch nội dung từ trên sóng truyền hình sang môi trường OTT trên thực tế cũng chưa có có nhiều nội dung chọn lọc cho phù hợp với đối tượng khán giả xem trực tuyến trên smartphone, mà chủ yếu chỉ phục vụ nhu cầu xem lại các chương trình, các bộ phim đã phát sóng. Kho nội dung của các đài truyền hình có thể đảm bảo đủ sức thu hút hấp dẫn khán giả truyền hình, nhưng lại chưa đáp ứng được nhu cầu đặc trưng riêng của đối tượng khán giả xem online.
Theo các nhà làm phát triển dịch vụ OTT, trong cuộc chiến OTT, thế mạnh sẽ thuộc về các nhà cung cấp dịch vụ có nội dung riêng, có bản quyền, có bản sắc riêng. Ví dụ như ứng dụng OTT số 1 toàn cầu là NetFlix chẳng hạn, NetFlix đã đầu tư sản xuất rất nhiều các bộ phim, phim dài tập ăn khách và chiếu độc quyền trên NetFlix. Số lượng các bộ phim mới do NetFlix đầu tư tự sản xuất ngày càng nhiều, thay vì các bộ phim mua bản quyền của các hãng phim. Việc tự đầu tư nội dung riêng, có bản quyền là xu hướng chung và sẽ tạo thương hiệu cho các ứng dụng OTT với các nội dung giải trí phong phú và đa dạng. Điều này sẽ làm gia tăng tính cạnh tranh, tạo thêm sự lựa chọn và giúp cho người dùng được trải nghiệm các nội dung có chất lượng cao nhất trên OTT.
Gần đây, các đơn vị truyền hình có tiềm lực như VTV, VTVcab, K+, SCTV, VTC Now đi theo hướng sẽ cung cấp những nội dung riêng, có bản quyền riêng trên OTT. Mặc dù nội dung còn ít và đầu tư nhỏ lẻ nên chưa tạo được cú hích về nội dung cho các OTT, tuy nhiên con đường này đang được nhiều đơn vị triển khai dịch vụ OTT hướng tới.
Sau một vài năm OTT phát triển và bước vào giai đoạn cạnh tranh gay gắt, một xu hướng tổ chức nội dung mới nhen lên trong thời gian gần đây là cách xác định nhóm đối tượng trung tâm và tận dung một số nội dung thế mạnh sẵn có phù hợp với đối tượng khán giả ấy. Kèm theo đó, họ bắt đầu tổ chức một số nội dung riêng biệt trên OTT. Nhóm này phải kể đến VTC Now, SCTV, VTVcab.
Tuy nhiên, câu hỏi làm thế nào để OTT thoát khỏi cái bóng của truyền hình truyền thống đang được nhiều người đặt ra. Bên cạnh đó, để phát triển dịch vụ OTT có bản sắc riêng thì cần phải vượt qua được các thách thức về nội dung, phải cạnh tranh với các ông lớn toàn cầu như NetFlix, iFlix và đặc biệt là ngăn chặn được nạn vi phạm bản quyền đang hoành hành trên môi trường Internet.
Nguồn bài viết : Lô Đề