Hội nhập quốc tế

2025-01-15 19:10:25

Chiều 11/12, Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW Tỉnh ủy Lâm Đồng tổ chức Hội nghị quán triệt, triển khai việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy theo Kế hoạch số 04-KH/BCĐ, ngày 13/11/2024, của Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW.

Tỉnh sẽ kết thúc hoạt động đối với 7 tổ chức Đảng đoàn, 3 tổ chức thuộc các ban cán sự đảng; sáp nhập 10 sở thành 5 sở.

Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Nguyễn Trọng Ánh Đông đã công bố quyết định về việc thành lập Ban chỉ đạo Tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW thuộc Tỉnh ủy Lâm Đồng.

Các đại biểu đã nghe Kế hoạch về “Một số nội dung định hướng sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong thời kỳ mới” trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.

Theo kế hoạch, trong thời gian tới, tỉnh sẽ kết thúc hoạt động đối với 7 tổ chức Đảng đoàn, 3 tổ chức thuộc các ban cán sự đảng cấp tỉnh, Đảng bộ Khối các cơ quan tỉnh và Đảng bộ Khối doanh nghiệp tỉnh; thành lập Đảng bộ cơ quan Đảng, Hội đồng Nhân dân, Mặt trận, đoàn thể, tư pháp cấp tỉnh trực thuộc Tỉnh ủy; thành lập Đảng bộ chính quyền cấp tỉnh trực thuộc Tỉnh ủy.

Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW Tỉnh ủy Lâm Đồng chỉ đạo Hội nghị. (Ảnh: Chu Quốc Hùng/TTXVN)

Tỉnh Đoàn Lâm Đồng chủ trì, phối hợp với 2 Đảng ủy Khối tiếp nhận 2 tổ chức Đoàn thanh niên của 2 Đảng ủy và thực hiện việc sắp xếp tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Bộ máy khối Đảng cấp tỉnh, sáp nhập Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và Ban Dân vận Tỉnh ủy; sáp nhập Đài phát thanh-Truyền hình Lâm Đồng và Báo Lâm Đồng.

Về khối chính quyền, định hướng cơ cấu, sắp xếp và hợp nhất, chuyển chức năng quản lý nhà nước về một số lĩnh vực thuộc các sở cũ sang các sở mới phù hợp.

Ở cấp tỉnh, duy trì 5 cơ quan chuyên môn, gồm Văn phòng Ủy ban Nhân dân tỉnh, Thanh tra tỉnh, Sở Tư pháp, Sở Công Thương; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và 2 tổ chức tương đương, gồm Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng Nhân dân tỉnh; Ban Quản lý các khu công nghiệp.

Ban chỉ đạo cũng đề xuất kết thúc hoạt động, chuyển chức năng, nhiệm vụ của một số cơ quan, đơn vị; sáp nhập một số cơ quan đảng, cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện; sáp nhập hoặc chuyển chức năng nhiệm vụ các đơn vị sự nghiệp công lập, các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Ủy ban Nhân dân các huyện.

Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Tỉnh ủy, hoàn thiện các văn bản xong trước ngày 27/12 và sẽ tổ chức thực hiện ngay các đề án, phương án khi có nghị quyết (kết luận) của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, các quy định của Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Quyền Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng Nguyễn Thái Học, Trưởng ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW Tỉnh ủy Lâm Đồng yêu cầu, các cơ quan, đơn vị, địa phương hiểu đầy đủ, trọn vẹn quyết định của Trung ương. Đây là cuộc cách mạng để bước vào kỷ nguyên mới, do đó, việc triển khai phải triệt để, đồng bộ và chấp nhận hy sinh quyền lợi cá nhân.

Năm mục tiêu mà tỉnh phải thực hiện là khắc phục bất cập, tháo gỡ vướng mắc, tồn tại, hạn chế trong bộ máy đang vận hành. Sau khi sắp xếp, tổ chức bộ máy phải tinh gọn; đội ngũ cán bộ tinh thông; bộ máy và con người vận hành hiệu quả, không bị gián đoạn, đứt quãng; phải đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho cán bộ trong diện sắp xếp, tinh giản.

Hội nghị quán triệt, triển khai việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy Lâm Đồng. (Ảnh: Chu Quốc Hùng/TTXVN)

Ông Nguyễn Thái Học yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương khẩn trương triển khai rà soát, đánh giá và đề ra phương án theo nguyên tắc dựa trên chủ trương của Trung ương và tỉnh. Phạm vi thực hiện trên toàn bộ các cơ quan, đơn vị, địa phương, không loại trừ cơ quan nào.

Các cơ quan, ban ngành không lập Ban chỉ đạo riêng, mà người đứng đầu cấp ủy chủ trì, phối hợp với người đứng đầu chính quyền thực hiện. Từng cơ quan, đơn vị, địa phương tổ chức đánh giá kết quả thực Nghị quyết số 18-NQ/TW và xây dựng phương án sắp xếp, kiện toàn, tinh gọn đơn vị mình, báo cáo Ban chỉ đạo tỉnh trước ngày 20/12./.

Phân cấp, phân quyền tốt giúp tinh giản biên chế, tinh gọn tổ chức bộ máy

Nhiều câu chuyện vướng mắc trong công tác quản lý Nhà nước, những bất cập trong việc phân cấp, phân quyền cho thấy cần phải đẩy mạnh cơ chế phân cấp, phân quyền, đi liền với đó là kiểm soát quyền lực.

(TTXVN/Vietnam+)
Top