Từ nhiều năm nay, cặp nam nữ người H’Mông, vùng núi cao Tây Bắc nếu ưng nhau thì chàng trai sẽ tiến hành bắt cô gái về làm vợ của mình.
Giải thích về phong tục kỳ lạ này, theo các già làng trong bản trước đó có rất nhiều đôi trai gái yêu nhau tha thiết nhưng lại không được một hoặc cả hai bên cha mẹ đồng ý. Khi cha mẹ không đồng ý mà trai gái khác tự tìm đến sống với nhau thì không những bị coi là bất hiếu mà cuộc hôn nhân còn không được cộng đồng chấp nhận.
Khi bị bắt, cô gái càng khóc to thì sau này gia đình càng hạnh phúc
Thế nên tục “bắt” vợ được coi là một giải pháp khá hiệu quả cho những đôi trai gái yêu nhau tha thiết nhưng lại gặp phải trở ngại từ phía gia đình. Khi đó, đôi trái gái sẽ bàn cách tiến tới hôn nhân bằng tục “bắt dâu”. Chàng trai sẽ nhờ cậy anh em, bạn bè... giúp đỡ thống nhất kế hoạch “bắt dâu" để hợp lý hoá cuộc hôn nhân.
Mọi chuyện được tính toán trong bí mật, gia đình nhà gái không hề hay biết. Cô gái vẫn hằng ngày lên nương rẫy đi làm bình thường. Rồi đến ngày hẹn, chàng trai xuất hiện cùng bạn bè “bắt” cô gái về nhà mình. Cô gái dù biết trước mọi chuyện vẫn tỏ ra bất ngờ, giả vờ kêu khóc.
Khi người nhà gái mang gậy gộc đến cứu cô gái thì các bạn của chàng trai sẽ xông ra đỡ đòn. Cũng theo luật lệ của người H’Mông là đã đi “bắt” vợ thì cả hai bên không xảy ra đánh nhau thật mà để chàng trai mang cô gái về nhà.
Bên cạnh lý do đó, cũng theo các già làng, xưa kia tục cưới hỏi xưa của đồng bào Mông có nhiều nghi lễ rất tốn kém. Nhiều đôi lấy nhau sinh con, đẻ cái rồi thành ông bà nhưng vẫn chưa trả hết nợ. Nhiều chàng trai nhà nghèo không thể lấy được vợ. Chính vì thế, tục “bắt” vợ ra đời giúp cho các đôi trai gái yêu nhau được đến với nhau mà không phải lo lắng về vấn đề kinh tế.
Trong lúc “bắt” vợ, người H’Mông quan niệm dù người con gái có ưng ý chàng trai, có biết được kế hoạch “bắt” vợ của chàng trai thì cũng phải giả vờ tỏ ra bất ngờ, kêu khóc ầm ĩ. Vì nếu cô gái khóc càng to, phản ứng càng quyết liệt thì sau này gia đình sẽ hạnh phúc, con cháu đầy nhà.
"Bắt" vợ có khi diễn ra ngay giữa chốn đông người nhưng không ai cứu cô gái
Tuy nhiên, cũng có những trường hợp chàng trai yêu đơn phương và bắt phải người con gái không ưng mình. Cô gái sẽ tìm cách trốn khỏi nhà chàng trai hoặc được chàng trai cố tình để cô gái trốn thoát. Theo đó, gia đình nhà chàng trai phải làm lễ vật sang nhà cô gái để “đền danh dự” cho nhà gái. Còn sau ba hôm bị “bắt”, cô gái không trốn, không trốn được khỏi nhà chàng trai, nhà trai sẽ đến báo cho nhà gái biết và bàn việc cưới.
Trải qua nhiều năm, tục “bắt” vợ vẫn được người H’Mông duy trì. Người H’Mông quan niệm, có “bắt” vợ thì người đàn ông mới chứng minh sự thật lòng với người yêu, sự mưu trí, dũng cảm của mình. “Bắt” vợ là thử thách cuối cùng để trai gái trở thành vợ chồng của nhau. Đây cũng là nét văn hóa không thể thiếu của người H’Mông.
Nam Yên
Nguồn bài viết : XSMB hôm qua