Hệ thống Bắc Hưng Hải sẵn sàng phục vụ đổ ải vụ Đông Xuân 2024

2025-01-26 17:39:26
Cống Cầu Xe ở xã Quang Trung, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN

Theo đó, hệ thống sẽ đảm bảo đủ nước để gieo cấy; chủ động phòng ngừa hạn chế thấp nhất diện tích bị thiếu nước với phương châm tích nước sớm, đổ ải sớm, ưu tiên cao - xa trước; tận dụng đỉnh triều và các hồ xả, tất cả các cống qua đê và trạm bơm đồng loạt lấy nước tối đa vào hệ thống.

Cụ thể, tổng diện tích đổ ải mà hệ thống Bắc Hưng Hải đảm bảo đủ nước để sản xuất là 79.163 ha; trong đó, Hải Dương có 37.790 ha; Hưng Yên có 24.154 ha và Bắc Ninh có 17.219 ha.

Thời gian gieo cấy của Hưng Yên sẽ tập trung xung quanh tiết lập Xuân (4/2/2024) với tỷ lệ 30% gieo cấy trước Tết, 70% gieo cấy sau Tết Nguyên đán và phấn đấu hoàn thành gieo cấy trong tháng 2. Tỉnh Hải Dương trà Xuân sớm chiếm dưới 6,5% diện tích, thời gian gieo mạ dược từ 15/12 đến 20/12/2023, cấy từ 1/2 đến 10/2/2024; Trà Xuân muộn trên 93,5% diện tích, gieo cấy từ 1/2 đến 28/02/2024.

Tỉnh Bắc Ninh sẽ tiến hành gieo mạ tập trung từ ngày 20/1 đến 25/1/2024; gieo thẳng tập trung vào đầu tháng 2 và kết thúc trước ngày 10/2/2024; gieo cấy xong lúa Xuân trong tháng 2/2024.

Hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải đã đưa nước vào kênh trục từ 25/12/2023 và dự kiến thời gian đổ ải tập trung của các địa phương sẽ là: Hưng Yên từ 23/1 đến 17/2/2024; Hải Dương từ 15/1 đến 20/2/2024 và Bắc Ninh từ 15/1 đến 10/2/2024.

Tuy nhiên, theo lãnh đạo Công ty Bắc Hưng Hải, lịch xả nước các hồ thủy điện phục vụ lấy nước gieo cấy lúa vụ Đông Xuân 2023 - 2024, khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc Bộ trong 02 đợt, tổng 12 ngày. Cụ thể, đợt 1 sẽ tiến hành từ 0 giờ ngày 23/1 đến 24 giờ ngày 30/1 (8 ngày), mực nước dự kiến tại trạm thủy văn Hà Nội vào đợt này trung bình đạt từ 1,7m đến 1,9m. Đây là đợt lấy nước chính và hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải phải đổ ải xong trong giai đoạn này.

Đợt 2, sẽ diễn ra từ 0 giờ ngày 18/2 đến 24 giờ ngày 21/2 (4 ngày), mực nước dự kiến tại trạm thủy văn Sơn Tây trung bình đạt khoảng 1,8m đến 2m. Đợt 2 chủ yếu đẩy mặn và phục vụ các địa phương phía hạ du. Do vậy vụ Đông Xuân 2024 được dự báo là rất khó khăn trong giai đoạn đổ ải và tưới dưỡng.

Theo ông Trịnh Thế Trường, Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Khai thác Công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải, căn cứ quy trình vận hành hệ thống và lịch xả của các hồ, công ty đã đưa ra phương án điều hành cụ thể từng giai đoạn.

Đối với giai đoạn đổ ải (từ nay đến 28/2), công ty sẽ tận dụng mọi nguồn lấy nước sớm vào hệ thống và có thay nước. Nếu sau khi kết thúc đợt xả 1 hoặc trước đợt xả 2 của hồ thủy điện và hệ thống mới chỉ đạt dưới hoặc đến 85% diện tích thì đề nghị vận hành trạm bơm Phú Mỹ (Công ty Nam Đuống) để cấp nguồn bổ sung vào kênh Kim Sơn; bổ sung nguồn từ trạm bơm Võng Phan (Hưng Yên)…

Ở giai đoạn tưới dưỡng sẽ tiến hành tích nước trong giai đoạn nước cao, triều cường để tưới trong giai đoạn nước thấp, triều kém. Công ty Bắc Hưng Hải cũng đã đề ra phương án phục vụ khi có đủ các trạm bơm vận hành nhưng do ô nhiễm nguồn nước nên các địa phương không bơm hoặc hệ thống kênh trục không đủ nước cho các trạm bơm hoạt động...

Ông Trịnh Thế Trường cũng cho biết, công ty sẽ thường xuyên theo dõi diễn biến thời tiết, diễn biến xâm nhập mặn tại Cầu Xe, An Thổ và Cầu Cất, tình trạng ô nhiễm trên kênh trục chủ động vận hành các công trình lấy nước tối đa vào hệ thống; thống nhất với các địa phương thay nước giảm thiểu ô nhiễm nếu điều kiện cho phép. Công ty cũng duy trì hoạt động của hệ thống SCADA Bắc Hưng Hải để cập nhật liên tục thông tin điều hành về mực nước, lượng mưa, độ mở các cống, diễn biến mặn tại Cầu Xe, An Thổ, tình trạng ô  hiễm kênh trục trên trang web http://bhh.com.vn để các địa phương chủ động phối hợp.

Cùng với đó, Công ty Bắc Hưng Hải cũng phân công lực lượng tăng cường kiểm tra ách tắc trên kênh trục và vi phạm phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi để kịp thời thanh thải giải phóng ách tắc, kiến nghị giải quyết vi phạm đảm bảo mặt thoáng cho các kênh dẫn nước. Công ty cũng chủ động thông tin với các địa phương để nắm bắt tình hình nguồn nước, tình hình đổ ải của các địa phương, phối hợp lên phương án điều hành phù hợp với phương châm ưu tiên trước cho các khu vực đặc biệt khó khăn như: Khoái Châu, Văn Lâm, Mỹ Hào (Hưng Yên) và Cẩm Giàng (Hải Dương) của trục phía Bắc kênh Kim Sơn...

Lãnh đạo Công ty Bắc Hưng Hải cũng đề nghị các địa phương tích cực phối hợp với công ty để tuyên truyền nhân dân thực hiện tưới nước tiết kiệm, dự trữ nguồn nước để tưới dưỡng cho lúa; sử dụng trạm bơm dã chiến để vận hành khi gặp tình huống  khó khăn về nguồn nước. Sau khi kết thúc gieo cấy, đề nghị các địa phương tiếp tục lấy nước, trữ nước vào hệ thống ao hồ, kênh dẫn phục vụ tưới dưỡng…

Về dự báo xâm nhập mặn, đại diện Viện Quy hoạch thủy lợi cho biết, Viện sẽ cùng các công ty tiến hành đo dọc tuyến sông Thái Bình, Luộc và chia làm 3 đợt trước, trong và sau khi xả nước. Từ việc đo, Viện sẽ phối hợp với các công ty báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để có phương án xử lý kịp thời.

Theo đại diện Cục Thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ hỗ trợ  các địa phương trong quan trắc độ mặn của nước và kịp thời thông báo diễn biến mặn. Đại diện Cục Thủy lợi cũng đề nghị trước khi lấy nước vào hệ thống thì các công ty khai thác công trình thủy lợi của địa phương cần phải đo nước có đạt chất lượng hay không.  

Năm 2023, tổng diện tích tưới tạo nguồn của công ty là trên 139.350 ha; tổng diện tích tiêu lưu vực là 120.878 ha. Về công tác chống vi phạm công trình, năm 2023 phát hiện 140 vụ, giảm 164 vụ so với năm 2022; trong đó xử lý, giải tỏa được 64 vụ tăng 11 vụ so với năm 2022. Công ty cũng đã xây dựng phương án phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cho các công trình trọng điểm; chủ động bố trí lực lượng thường xuyên kiểm tra bờ kênh kịp thời phát hiện, xử lý những sự cố ngay từ giờ đầu, đảm bảo giữ vững an toàn công trình.

Nguồn bài viết : mketqua1

Top