Bạn bè quốc tế thưởng thức Tết Việt giữa làng cổ |
Mang Tết Nguyên đán tới sinh viên quốc tế ở ký túc xá |
Sinh viên quốc tế tham gia nhảy sạp trong hoạt động đón tết do Trường ĐH Tôn Đức Thắng tổ chức (Ảnh: SGGP). |
Ấn tượng về văn hóa Việt Nam
Sinh viên Vinh Linh (Campuchia), theo học ngành Khoa học máy tính, Trường ĐH Tôn Đức Thắng, bày tỏ: Việt Nam và Campuchia có khá nhiều nét văn hóa tương đồng nên đối với Linh, tết Việt Nam thật sự rất thân thuộc. Ngày tết ở cả hai nước đều là dịp các thành viên trong gia đình tụ họp đông đủ để cùng nhau đón chào năm mới. Mọi nhà đều tất bật sửa sang, quét dọn, trang trí nhà cửa, chuẩn bị những món ăn truyền thống và đặc trưng cho ngày tết. Vì vậy, những năm đón tết xa nhà của Linh cũng không quá khác biệt về phong tục và văn hóa, bởi Linh đã xem Việt Nam như quê hương thứ hai của mình.
Tuy có nhiều nét tương đồng nhưng theo Vinh Linh, tết của Việt Nam và Campuchia có một số điểm khác biệt, như cúng đưa ông Táo về trời vào ngày 23 tháng Chạp hàng năm chỉ có ở Tết Việt. Năm 2020, vì Linh không về Campuchia đón năm mới được nên bạn bè cùng ngành đã mời Linh về quê ăn tết cùng gia đình. Đó cũng là lần đầu Linh được trải nghiệm thực tế các hoạt động diễn ra trong ngày đưa ông Táo, từ chuẩn bị lễ vật như hoa quả, mũ áo đến thả cá chép ra sông để cá chép vượt vũ môn đưa ông Táo về trời. Điều đó làm Linh càng cảm thấy ấn tượng hơn về văn hóa truyền thống ngày tết tại Việt Nam.
Sang năm 2021, do tình hình dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp nên Linh ở lại Việt Nam đón năm mới. Không khí tết ở Việt Nam nói chung, TPHCM nói riêng có sự nhộn nhịp, rôm rả và sự hối hả về quê đón tết của bạn bè, thầy cô và mọi người. Trong đó còn có cả sự đầm ấm, sum vầy trong các hoạt động chuẩn bị tết, như: cùng dọn dẹp nhà cửa, mua sắm, gói bánh chưng, bánh tét, dạo phố và chụp hình kỷ niệm ở đường hoa, lễ hội ngày tết.
Qua nhiều lần đón tết cổ truyền Việt Nam, điều Vinh Linh tâm đắc nhất là câu nói “Mùng một tết cha, mùng hai tết mẹ, mùng ba tết thầy”. Vinh Linh đặc biệt cảm thấy ấn tượng với việc đi chúc tết họ hàng, thầy cô và bạn bè nhân dịp đầu năm mới. Một mặt là để gửi những lời chúc tốt đẹp nhân dịp tết đến xuân về, mặt khác là cùng nhau ôn lại những kỷ niệm cũ, chia sẻ cho nhau những điều xảy đến trong một năm vừa qua…, làm tăng thêm sự gắn kết của mọi người.
“Riêng với du học sinh, cứ đến những ngày cận tết, chúng em sẽ được thầy cô, các bạn sinh viên Việt Nam động viên và hỗ trợ hết mình trong việc sắm sửa vật dụng ngày tết, tổ chức lễ hội văn hóa cổ truyền, trò chơi dân gian, đưa đi tham quan để tìm hiểu văn hóa cổ truyền của Việt Nam và chia sẻ rất nhiều hoạt động sôi nổi trong ngày tết. Dù là du học sinh nhưng chưa năm nào em cảm thấy buồn khi đón tết Việt, vì thầy cô và các bạn như đại gia đình thứ hai của em”, Vinh Linh chia sẻ.
Trải nghiệm đặc biệt
Phothilard Linda (Lào), sinh viên năm thứ 5 chuyên ngành Y khoa tại Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, cho biết, dù đã trải nghiệm qua 3 mùa tết Việt nhưng năm nay, khi chuẩn bị đón tết lần thứ 4 tại Việt Nam, Linda vẫn có những cảm xúc đặc biệt. Nhà trường nói chung và Trung tâm ASEAN nói riêng đã cho Linda cũng như các bạn sinh viên Lào, Campuchia cảm nhận được tết một cách trọn vẹn nhất thông qua các hoạt động ngày tết, như: chuẩn bị mâm ngũ quả, gói bánh chưng, bánh tét, cùng nhau ăn tất niên... Tết Nguyên đán năm 2022 là mùa tết đặc biệt đối với Linda vì đã được đón cái tết ấm áp cùng gia đình các bạn Việt Nam. Linda cảm nhận mình cũng là một thành viên trong gia đình, hạnh phúc khi được sum vầy bên nhau. Nhờ trải nghiệm những ngày tết như vậy mà Linda rất yêu ngày tết cổ truyền, bởi mỗi khi tết đến, Linda lại có những khoảnh khắc thật quý giá, vui vẻ cũng như được biết thêm nhiều phong tục truyền thống đẹp của người Việt Nam.
5 năm học tập và sinh sống tại Việt Nam đã giúp Huon Sanghuong (Campuchia), sinh viên ngành Dược, Trường ĐH Lạc Hồng, cảm nhận rõ ràng không khí tất bật chuẩn bị cho ngày tết cổ truyền của Việt Nam. “Đường phố ngày giáp tết nhộn nhịp hẳn lên. Nhà nhà đi mua sắm. Đào, mai, quất chưng đầy các con đường... Tất cả làm em thấy ngày tết cổ truyền ở Việt Nam rất quan trọng, nên quyết định ở lại Việt Nam dịp tết để trải nghiệm”, Huon Sanghuong cho biết.
Không chỉ được nhà trường tổ chức các hoạt động vui xuân đón tết, Huon Sanghuong cùng các bạn được UBND tỉnh Đồng Nai mời đến dự hội nghị họp mặt của các kiều bào tại tỉnh để cảm nhận không khí tết Việt Nam. Huon Sanghuong cũng được các bạn người Việt học cùng lớp rủ về quê ăn tết. “Qua những lần đón tết cổ truyền của Việt Nam, em được thưởng thức những món ăn truyền thống như gà luộc, bánh chưng, thịt kho tàu kèm củ kiệu. Nhưng điều em ấn tượng nhất là người Việt Nam thật sự rất mến, quý khách, luôn dành những tình cảm đặc biệt cho khách và em cảm thấy rất hạnh phúc khi được đón tết cổ truyền của Việt Nam”, Huon Sanghuong vui vẻ nói.
Trong khi đó, Trần Thiên Vũ (Trung Quốc), sinh viên năm nhất ngành Kinh tế quốc tế, Trường ĐH Lạc Hồng, chia sẻ: Việt Nam và Trung Quốc có nhiều nét tương đồng về văn hóa nên em cảm nhận được không khí rộn ràng, ấm áp của ngày tết cổ truyền Việt Nam.
Tết là dịp mỗi người con xa quê mong mỏi được đoàn tụ bên người thân và gia đình, mọi người mua sắm tết, đây là nét đẹp trong văn hóa Á Đông. Quê nhà em vào thời gian này không khí cũng rất tưng bừng. Mấy hôm nay ở trường và ký túc xá cũng chuẩn bị nhiều hoạt động tổ chức vui xuân đón tết cho sinh viên. Tuy nhiên, điều em ấn tượng nhất với tết cổ truyền Việt Nam là mọi người đều mặc áo dài, một bộ lễ phục rất đẹp, có nhiều màu sắc khiến em liên tưởng đến sự phồn vinh và may mắn.
Du khách quốc tế hào hứng làm bánh chưng ngày Tết cổ truyền Việt Nam |
Bạn bè quốc tế tìm hiểu phong tục Tết Việt, xem nặn tò he, vẽ thư pháp, tranh Đông Hồ |