90 lưu học sinh Lào được gia đình người Việt nhận làm con nuôi |
Chương trình "Nâng bước em tới trường - Con nuôi đồn biên phòng": "Ươm mầm" bền vững biên cương |
Một ngày tháng 3, cô Tạ Thị Toàn (nguyên giảng viên Khoa Ngữ văn, trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng, đang dạy ở Trung tâm Tiếng Việt Salavan, Lào) lại được con gái Latdavon và con rể Bounliep cung cấp thực phẩm sạch.
Thực phẩm đều là của nhà Latdavon trồng được, gồm ba nắm rau muống, một chục cây sả, một nắm hành hoa, tất cả đều được bó gọn ghẽ. Thực phẩm duy nhất vợ chồng Latdavon mua và mang tới cho mẹ Toàn lần này là hai con cá, loại cá bắt ở sông Mekong nên rất sạch và ngon.
Rau và cá con gái nuôi người Lào gửi cho cô Tạ Thị Toàn. Ảnh: FBNV |
Cô Toàn kể, năm ngoái, khi dịch COVID-19 căng thẳng, lo lắng mẹ ở một mình tại trung tâm, vợ chồng Latdavon thường xuyên tiếp tế gạo, rau, cá, thịt, mắm muối... cho mẹ, nhiều đến nỗi ăn không hết.
Latdavon làm con gái của cô Tạ Thị Toàn đã nhiều năm. Khi còn là lưu học sinh ngành Ngân hàng ở trường Đại học Kinh tế Đà Nẵng, Latdavon được cô Toàn nhận làm con nuôi và thường xuyên đến ở nhà mẹ. Khi cô Toàn sang Lào dạy tiếng Việt, gần nhà con gái nuôi ở Salavan, Latdavon thường chạy qua chạy lại chỗ mẹ. Khi cô mang cho mẹ ít rau, gạo, cá, khi thì đón mẹ đi uống cà phê, đi du lịch cùng cả nhà hay gặp gỡ các học trò cũ ở Lào...
Cô Toàn chung vui cùng con gái nuôi Latdavon và gia đình trong ngày Latdavon nhận bằng thạc sĩ. Ảnh: FBNV |
Ngày Quốc tế Phụ nữ (8/3), vợ chồng Latdavon cùng các con cô đón "bà ngoại" Toàn về nhà sum họp. Cô Toàn cũng ở bên cạnh Latdavon và gia đình nhỏ của cô khi Latdavon nhận bằng thạc sĩ của trường Đại học Quy Nhơn...
Đầu năm nay, mẹ Toàn về Đà Nẵng ăn Tết Nguyên đán cùng gia đình, vợ chồng Latdavon mang 60kg nếp Lào cho mẹ mang về làm quà. Số nếp này cô Toàn đem biếu hàng xóm mỗi nhà vài kg, ai cũng khen gạo dẻo và thơm. Ngày trở lại Lào, trong hành lý của cô ngoài bánh kẹo, mứt dừa, còn có ba đôi giày cho vợ chồng Latdavon và em gái của cô con gái nuôi.
"Mẹ chẳng có quà gì tặng các con. Mong các con hài lòng, vui vẻ, không biết có vừa chân không. Xe nhỏ chật quá mẹ không mang được gì cả", cô Toàn nói khi con gái nuôi sung sướng khoe món quà từ Việt Nam trên mạng xã hội.
Món quà cô Toàn tặng vợ chồng con gái nuôi người Lào. Ảnh: FBNV |
Ngoài Latdavon, cô giáo Tạ Thị Toàn còn nhận rất nhiều lưu học sinh Lào khác làm con nuôi từ khi cô còn giảng dạy tại trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng. Cô thật thà chia sẻ, đến bây giờ cô không nhớ đã nhận bao nhiêu con nuôi người Lào, chỉ biết khi sang xứ sở hoa Chăm pa dạy tiếng Việt, đi đâu cô cũng có con. Các con nuôi, học trò cũ lúc nào cũng tình cảm, gần gũi thăm hỏi nên dù đã xa nhà 4 năm, cô Toàn không thấy cô đơn.
Cách đây nhiều năm, khi đang là giảng viên khoa Ngữ văn, trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng, cô Tạ Thị Toàn đã nhiệt tình tham gia chương trình ở nhà dân (homestay) dành cho các sinh viên Lào học tập, nghiên cứu tại Việt Nam. Những ngày đầu các em đến ở cùng gia đình cô, còn lạ lẫm với phong cách sinh hoạt, chưa quen khẩu vị của một số món ăn, cô Toàn quan tâm từng ly từng tý. Cô hỏi tỉ mỉ từng món ăn xem có hợp khẩu vị các em không, rồi cũng nhờ các em dạy cách nấu món Lào...
Điều may mắn là cô Toàn đã nhiều lần sang Lào dạy tiếng Việt nên hiểu phong tục, tập quán của Lào, giúp các con nuôi nhanh chóng hòa nhập. Giống như Latdavon, các em coi gia đình cô Toàn là gia đình thứ hai của mình, ở đó có bố mẹ và các anh chị rất mực thương yêu. Nghe các sinh viên Lào gọi ba, gọi mẹ, xưng con, cô Toàn vui lắm, nhất là khi các con cô đã lớn, lại đi làm ăn xa.
"Ngày ấy bọn nhỏ thường xuyên đến nhà tôi. Tôi bảo các con đi đâu không phải thuê xe, cứ lấy xe của mẹ mà đi, không phải ngại. Tôi coi bọn nhỏ như con ruột của mình. Không hiểu sao dạy sinh viên Lào tôi thương bọn nhỏ vô cùng, cái gì cũng muốn giúp", cô Toàn tâm sự.
Cô Toàn cùng các học viên người Lào tại Trung tâm tiếng Việt Salavan. Ảnh: FBNV |
Những ngày Tết cổ truyền Bunpimay của Lào là nhà cô Toàn đông vui nhất vì các con nuôi sum vầy. Cô và gia đình tổ chức cho các con ăn Tết, nấu các món ăn truyền thống của Lào và làm lễ buộc chỉ cổ tay.
Bởi cái duyên gắn bó với các sinh viên Lào nên ở tuổi ngoài 60, khi Đà Nẵng mở các trung tâm tiếng Việt tại các tỉnh Nam Lào và mời cô qua dạy, cô Toàn không ngần ngại nhận lời. Sống một mình nơi đất khách quê người, cô Toàn rất nhớ nhà. May nhờ Facebook, Zalo, các con nhà nào cũng lắp camera nên lúc nào cô Toàn cũng có thể gọi điện hay nhìn con cháu cho đỡ nhớ. Cuối tháng 2 vừa qua, khi học sinh Đà Nẵng được đến trường sau một thời gian dài học trực tuyến, cô Toàn bồi hồi xúc động khi qua camera, nghe cháu gái chào mẹ đi học.
Cô Toàn bảo, ở Lào, cô không có nhiều thời gian để buồn. Các con nuôi, học trò cũ qua lại hỏi thăm, đưa cô đi đây đi đó luôn. Ngoài dạy ở trung tâm, cô Toàn còn mở một lớp học tiếng Việt cho trẻ em Lào ở quanh nơi cô sống. "Bọn trẻ đến học rất đông, dễ thương vô cùng. Mỗi lần về Việt Nam, cô lại mang quần áo, bánh kẹo sang cho bọn trẻ. Tuy nhiên, đợt này dịch căng thẳng, lớp phải tạm nghỉ. Bọn trẻ đến chơi cứ nài nỉ: "Cô dạy em đi" mà cô không dám dạy", cô Toàn kể.
Cô Toàn thường mua giáo trình tiếng Việt tặng học viên Lào. Cô kể, học viên của cô đủ độ tuổi, cao nhất thì trên 50 tuổi. Dù ở độ tuổi nào, họ đều rất thích học tiếng Việt, biết đọc và viết nhanh. Tuy nhiên, ngữ nghĩa tiếng Việt vô cùng phong phú nên cô Toàn phải giải thích kỹ. Nhiều khi để tạo không khí vui vẻ cho lớp học, cô còn dạy học viên nói từ lóng khiến họ rất thích.
"Người Lào rất thật thà, chân tình. Mình đối với họ thế nào thì họ đối với mình như vậy. Tình cảm của các con nuôi, học viên người Lào chính là động lực để cô yên tâm gắn bó với công việc này. Không có tình cảm ấy, có lẽ cô không đi nổi", cô Toàn tâm sự.
Đặc sắc Tết Bunpimay Lào giữa lòng Hà Nội |
Lưu học sinh Lào, Campuchia tại Thái Nguyên vui Tết cổ truyền Bunpimay và Chol Chnam Thmay |