ASEAN Family Day 2022: Nơi kết nối đồng nghiệp, bạn bè, gia đình trong Cộng đồng ASEAN và đối tác tại Hà Nội Nhân dịp kỷ niệm 55 năm thành lập ASEAN và 27 năm Việt Nam tham gia ASEAN, sáng 13/8, Bộ Ngoại giao và Nhóm Phụ nữ Cộng đồng ASEAN tại Hà Nội (AWCH) phối hợp tổ chức Ngày Gia đình ASEAN (ASEAN Family Day) 2022. |
Văn hóa - sợi dây kết nối người Việt với đất mẹ Xa quê hương từ khi còn nhỏ, những người con đất Việt luôn tìm thấy kết nối với đất mẹ qua ngôn ngữ, văn hóa, nghệ thuật. |
Chị Ionah Hằng Nguyễn. (Nguồn: Hội Thanh niên Sinh viên Việt Nam tại Mỹ) |
Khi còn là sinh viên trường Đại học Ngoại thương Hà Nội, Hằng đã nung nấu ý định đi du học tại Mỹ. Sau khi tốt nghiệp, chị quyết định Nam tiến và thử sức với nhiều vị trí công việc khác nhau. Chị vừa đi làm vừa điều hành USGuide-một tổ chức phi lợi nhuận với sứ mệnh truyền cảm hứng và giúp đỡ các bạn trẻ Việt Nam thực hiện giấc mơ du học bậc cao học ở Mỹ…
Hành trình tới nước Mỹ
Thông qua mạng lưới của USGuide, Hằng tiếp xúc với nhiều cựu du học sinh Việt Nam tại Mỹ. Trong số họ, có người ở lại Mỹ đầu quân cho các tập đoàn lớn, người trở về Việt Nam để xây dựng sự nghiệp.
Tại đây, chị có cơ duyên gặp gỡ và làm việc cùng anh Nguyễn Mạnh Tường, người đã trở về Việt Nam sau khi tốt nghiệp Thạc sĩ Quản trị kinh doanh (MBA) tại Chicago Booth. Anh đã phát triển một start-up vô danh với vài chục nhân viên và 10 năm sau trở thành “kỳ lân” công nghệ MoMo. Đó là nguồn cảm hứng to lớn khiến Hằng đặt mục tiêu du học MBA tại Mỹ để thay đổi tư duy và tầm nhìn của mình.
Sau sáu năm đi làm và chuẩn bị kỹ càng cho kế hoạch du học của mình, Hằng được nhận vào chương trình MBA của Duke Fuqua Business School và bắt đầu hành trình mới trên đất Mỹ từ năm 2018.
Thời gian đầu khi mới sang Mỹ, rào cản về ngôn ngữ, văn hóa khiến Hằng gặp nhiều khó khăn với việc hòa nhập vào môi trường. Tự nhận mình là người có xuất phát điểm thấp, chị không ngại tìm đến các sinh viên và cựu sinh viên của trường, cũng như những người bạn trong cộng đồng Việt MBA tại Mỹ để nhờ giúp đỡ, chia sẻ kinh nghiệm học tập và tìm việc.
Chị may mắn gặp được nhiều người tốt, những người đã động viên, giúp đỡ chị tận tình từ những ngày đầu đặt chân tới nước Mỹ, đặc biệt trong quá trình tìm việc. Không phụ sự giúp đỡ của mọi người và sự nỗ lực của bản thân, chị Hằng đã được nhận vào chương trình Retail Leadership Development của Amazon khi chỉ mới bắt đầu năm thứ hai của chương trình MBA.
Nhìn lại hành trình đã trải qua, chị Hằng nhận thấy việc có một cộng đồng luôn tin cậy và hỗ trợ lẫn nhau là điều hết sức quan trọng để giúp mỗi cá nhân vượt qua các rào cản và đạt được mục tiêu của mình. Chính vì vậy, với mong muốn xây dựng một cộng đồng MBA tại Mỹ gắn kết, Hằng tích cực tham gia kết nối hàng trăm bạn MBA các khóa thông qua facebook group US MBA – Vietnamese students.
Hằng cùng các admin và thành viên nòng cốt khác trong nhóm đã tổ chức rất nhiều những hoạt động hữu ích như: chuỗi event mang tên “Happy Hours” và “Soul Time” với mục đích giúp các thành viên chia sẻ kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm tìm việc, phát triển sự nghiệp và thích nghi với cuộc sống tại Mỹ; hay chương trình MBA Retreat thường niên là dịp cho các thành viên tụ họp, vui chơi tại các thành phố khác nhau ở Mỹ.
Chị chia sẻ: “Mình rất tự hào về gia đình Việt US MBA vì mọi người rất gần gũi, tương trợ và đồng cảm với nhau, mình ít thấy một cộng đồng nào có sự gắn kết sâu và chất lượng như thế”.
Sáng lập Viet Spark
Trong thời gian học MBA, Hằng từng tập hợp một nhóm bạn trong group Việt US MBA, giúp nhau luyện tập phỏng vấn với mục tiêu vào được các công ty công nghệ tại Mỹ. Nhóm đã giúp nhiều thành viên có được công việc mong muốn.
Từ kết quả đáng khích lệ này, chị rủ một vài người bạn trong nhóm thành lập nên Vietnamese Business Professionals in Tech (VBPT) vào tháng 6/2020, sau đổi tên thành Viet Spark và đăng ký pháp nhân tại Mỹ dưới hình thức tổ chức phi lợi nhuận.
Chia sẻ về lý do sáng lập Viet Spark, Hằng cho rằng đa số người Việt làm trong các công ty công nghệ tại Mỹ có công việc thuộc khối kỹ thuật, nhưng số lượng các bạn làm trong các bộ phận thuộc khối kinh doanh không nhiều và thường không phải là thế mạnh của người Việt.
Viet Spark ra đời với mong muốn kết nối và tạo động lực cho người Việt trẻ thuộc các nhóm ngành này tìm được việc làm và phát triển sự nghiệp thành công trong ngành công nghệ tại Mỹ.
Thành viên của Viet Spark chủ yếu là các bạn đang học MBA, Master hoặc PhD khối ngành kinh doanh, tuy nhiên Viet Spark không giới hạn đối tượng tham gia.
Ngược lại, Viet Spark muốn tạo ra một sân chơi kết nối các bạn khối kỹ thuật và các bạn khối kinh doanh, giúp mọi người học hỏi lẫn nhau và có cơ hội tìm kiếm đồng đội cho các dự án cá nhân hoặc startup.
Sau hai năm thành lập, Viet Spark đã triển khai hàng chục sự kiện, hoạt động thiết thực và hiệu quả, như chương trình thường niên “Break Into Tech” dành cho các bạn đang tìm kiếm cơ hội việc làm trong ngành công nghệ; chuỗi webinar “Industry Xplained” chia sẻ kiến thức và góc nhìn của chuyên gia về; chuỗi bài viết “Humans of Viet Spark” giới thiệu các thành viên nổi bật trong cộng đồng công nghệ, các buổi networking và hội thảo phát triển kỹ năng, định hướng nghề.
“Break Into Tech” là chương trình không thu phí của Viet Spark kéo dài trong ba tháng đã nhận được nhiều phản hồi tốt từ người được cố vấn và những người tham gia cố vấn. Đặc biệt, tỷ lệ những người được cố vấn có được việc làm tại các công ty công nghệ Mỹ sau sáu tháng tham gia chương trình lên đến 85%, trong đó nhiều bạn vào được các công ty công nghệ lớn như Amazon, Meta, Apple…
Tech Summit 2022 thu hút đông đảo thanh niên, sinh viên và chuyên gia người Việt đến từ nhiều nơi trên nước Mỹ. (Nguồn: Hội Thanh niên Sinh viên Việt Nam tại Mỹ) |
“Muốn thấy nhiều người Việt thành công hơn”
Một hoạt động nổi bật khác cũng là ý tưởng được được ấp ủ của Ionah Hằng Nguyễn và các đồng nghiệp đã trở thành hiện thực là “Tech Summit 2022”.
Hoạt động này do Việt Spark phối hợp với Hội chuyên gia và sinh viên Việt Nam tại Seattle (SVPS) và Văn phòng đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ tại San Francisco tổ chức, nhằm mục đích kết nối và phát triển cộng đồng người Việt đang học tập và làm việc trong lĩnh vực công nghệ tại Mỹ.
Thu hút được hơn 100 thanh niên, sinh viên và chuyên gia người Việt đến từ nhiều nơi trên nước Mỹ, “Tech Summit 2022” bao gồm các hoạt động giao lưu kết nối, tham quan trụ sở của Amazon và Microsoft, các buổi tọa đàm, hội thảo với nhiều khách mời đến từ các công ty công nghệ hàng đầu của Mỹ.
Với thành công ban đầu, Viet Spark và SVPS dự kiến sẽ tiếp tục phối hợp với Văn phòng đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ và các ban ngành liên quan nâng hoạt động trở thành một sự kiện thường niên, được tổ chức luân phiên tại nhiều thành phố trên khắp nước Mỹ thời gian tới.
Ionah Hằng Nguyễn chia sẻ: “Tôi thấy người Việt mình rất giỏi, chăm chỉ, có đam mê và cầu tiến, tiềm năng phát triển không thua kém gì người Mỹ, Ấn Độ hay Trung Quốc.
Tuy nhiên, số lượng người Việt lên được các vị trí điều hành cấp cao trong các công ty công nghệ lớn, hoặc khởi nghiệp thành công và có tên tuổi còn khá ít ỏi.
Giấc mơ của tôi và Viet Spark là được nhìn thấy nhiều người Việt thành công hơn nữa, nâng cao sự hiện diện của người Việt trong các vị trí lãnh đạo của các công ty công nghệ hàng đầu”.
Đảm nhiệm vị trí quản lý sản phẩm cao cấp tại Amazon và mới đầu quân cho Koidra - một công ty khởi nghiệp tại Seattle, Ionah Hằng Nguyễn luôn tràn đầy năng lượng cho các hoạt động kết nối cộng đồng cũng như làm người cố vấn cho nhiều bạn tại Việt Nam và Mỹ trong quá trình nộp hồ sơ du học và tìm việc.
Với Hằng, việc tham gia hoạt động cộng đồng và giúp đỡ người khác thành công là cách giúp chị cân bằng cuộc sống, quên đi những áp lực, mệt mỏi của công việc thường ngày. Chị cho rằng khi giúp được một ai đó thành công, bản thân chị được tiếp thêm năng lượng và nguồn năng lượng đó là một phần không thể thiếu trong cuộc sống.
Củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc qua cầu nối Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam tỉnh Nghệ An |
Tình nguyện viên kết nối hai dân tộc, mở đường cho hợp tác Israel - Việt Nam ở nhiều lĩnh vực |