Hội nhập quốc tế

Phong tục tết đặc sắc của một số dân tộc ở Lào Cai

2024-12-21 13:18:02
Đưa Tết nhân ái – Xuân Quý Mão 2023 đến với người dân tộc thiểu số trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột
Phong tục Tết của những gia đình Lào-Việt

Mâm cỗ tất niên chiều ba mươi Tết của người Phù Lá rất thịnh soạn. Lễ vật dâng cúng tổ tiên gồm thủ lợn và tất cả các bộ phận nội tạng, 12 bát gạo ngon, 12 món ăn chín tượng trưng cho một năm đủ 12 tháng.

Phụ nữ Pa Dí tham gia môn thể thao truyền thống (Ảnh: Ngọc Bằng).

Sau khi chủ nhà khấn mời hương hồn những người quá cố, trời đất, các thánh thần, cả nhà quây quần ăn chung mâm. Buổi tối trong khi đón giao thừa, những người trong gia đình đều phải rửa chân từ đầu gối trở xuống. Nước rửa chân được đun bằng một nồi có 12 thứ lá thơm. Giao thừa đến, cả nhà đều ăn diện những bộ đồ truyền thống đứng nghiêm trang nghe chủ nhà khấn mời tiên tổ. Thời khắc bước sang năm mới, mỗi nhà một người đi đến đầu nguồn hứng nước về. Khi hứng nước, họ lầm rầm khấn cầu mưa thuận, gió hòa và cắm những nén nhang chung quanh. Nước tinh khiết mang về đun sôi, rồi đặt trên ban thờ để sáng mùng 1 tết mọi người cùng uống với ý niệm làm cho con người trong sạch, thanh tao và dồi dào sức lực.

Theo quan niệm của người Mông, mỗi tháng chẵn 30 ngày. Mỗi năm tròn trịa 360 ngày là Tết đến, được chia ra: Ba mươi Tết tất niên; mồng Một kiêng cữ; mồng Hai mở hội và đi ngoại; mồng Ba tiễn ông bà tiên tổ; mười rằm tết mẹ. Ngày ba mươi Tết, trong khi mọi người tất bật chuẩn bị bữa cỗ tất niên thì gia chủ lặng lẽ quét bồ hóng rồi mang đi đổ về phía Tây cùng lời khấn rác rưởi hãy mang ốm đau, những điều xúi quẩy, những lời không tốt theo. Tiếp đến, gia chủ dùng nước bánh giầy đã pha sẵn dán những tờ giấy tạ lên ban thờ, cửa, cột nhà và tất cả mọi đồ vật từ cối xay, cối giã, con dao phát, cày, bừa, chuồng lợn, trâu, ngựa... với quan niệm mọi đồ vật đều có hồn, cần phải tạ ơn các đồ vật đã lặng lẽ hiến dâng công sức cùng con người trong cả một năm. Sau đó gia chủ trịnh trọng ngồi vào mâm bàn đã bày giữa nhà. Trên mâm nhất thiết phải có thịt lợn thái cả khổ mỡ liền nạc, cơm nấu bằng nồi và không thể thiếu bánh giầy. Những vật phẩm này biểu thị cho sự cần mẫn ăn nên làm ra, riêng bánh giầy còn biểu thị cho trời đất, những vì sao, cũng là biểu thị cho các thế hệ trong gia tộc. Trong khi người nhà đi lấy nước mới, gia chủ cầm con gà trống có mào đẹp nhất khấn cầu trời đất, khấn hồn gà, rồi mổ con gà. Con gà đó sẽ được xem vận hệ, thời tiết vào sáng mồng một. Người đi lấy nước mang theo nhúm muối, nhúm gạo bỏ vào miệng nước đùn hoặc chỗ nước chảy vào máng. Phần nước trong lành này được đun lên để cả nhà rửa mặt vào sáng mồng một, lần lượt trẻ em được rửa trước, tiếp đến người cao niên rồi mới tới bậc thiếu niên, trung niên. Ngày mồng một thường kiêng cấm: Kiêng thổi lửa, hót rác đổ ra ngoài, động chạm các đồ dùng nặng làm việc lớn, chan canh cơm mới nấu, say rượu, đánh yến ngoài trời, khóc lóc; cấm nói to, nói lời nặng, trẻ em chơi xa nhà, vào rừng hoang suối vắng. Từ ngày mồng hai mới được đi chơi xa, thanh thiếu niên mới được đánh yến, đánh quay, hát ống, đua ngựa bắn cung nỏ trúng đích và nhảy đồng tại nhà thày cúng. Mồng Ba có lễ “thả tết”, tức cúng tiễn hồn người quá cố về với tiên tổ và hồn muôn vật dùng trở về vị trí. Rằm tháng Giêng là đại tết, ai đi chơi xa thì phải về. Sau lễ cúng và bữa tiệc, mọi người trong gia đình bắt đầu bàn soạn công việc.

Múa khèn Mông.

Người Dao đỏ có tết nhảy thật độc đáo, còn gọi là Pút tồng, cũng là biểu hiện tính cố kết cộng đồng. Tết nhảy thường diễn ra trước ngày ba mươi. Vào lễ, đồng bào dựng một ban thờ nơi cao ráo, sắm đủ lễ vật rồi khấn Bàn Vương, các thánh thần, tổ tiên. Sau cúng khấn là nhảy múa gồm tuần tự: Múa cầu an - cầu mưa thuận gió hòa, trời đất thánh thần phù hộ độ trì; múa ra binh vào tướng - tức múa chiến đấu chống xâm lược, ác bá; cuối cùng là múa rùa - tái hiện lại cảnh săn bắt, hái lượm thời tiền sử. Những ngày tết đầu năm mới thường thì người già dạy con cháu viết và học chữ Nôm Dao, học thổi kèn, phụ nữ có tuổi truyền dạy cho con cháu gái hát dân ca và thêu thùa.

Người Tày Bắc Hà có tục rước hồn đất, hồn nước vào dịp rằm tháng Giêng. Trên mâm cúng ngoài các sản vật tinh túy do công sức lao động cần cù làm ra, còn có mâm quả còn, bên trong mỗi quả còn chứa các loại hạt giống. Trong truyền thống, người Tày Tà Chải, Na Hối phải lên tận ngọn núi ở xã Bản Phố rước về.

Ngày tết người Nùng nhất thiết phải có gà sống thiến, bánh khảo và xôi ngũ sắc. Gà sống thiến đã được nuôi riêng và vỗ béo từ trước, còn bánh thì do bàn tay khéo léo của phụ nữ làm vào dịp giáp tết. Bữa cơm tất niên nhà nào càng đông khách thì càng có phúc, cũng chứng tỏ đó là nhà giàu sang. Sáng mồng một, nam giới cắp đôi gà sống thiến, bánh, xôi đến chúc tết bố mẹ vợ và sẽ được bố mẹ vợ chúc phúc đông con nhiều cháu.

Người Hà Nhì ở Bát Xát có lễ hội Khô zà zà tổ chức vào ngày Thìn, Tỵ, Ngọ, Mùi tháng Giêng tại khu rừng cấm của làng. Đây là lễ mang tín ngưỡng phồn thực cầu mưa thuận, gió hòa, mọi nhà yên ấm, người người an khang, thông qua lễ hội, tính cố kết cộng đồng càng được thắt chặt. Sau phần khấn cầu, mọi thành viên trong cộng đồng sẽ bàn bạc phân chia đất rừng làm nương, trồng thảo quả, chăn thả gia súc. Đây cũng là dịp thanh niên có trò chơi trùm chăn. Nếu chàng thanh niên tung chăn vào cô gái nào mình mến, niềm cảm mến được cô gái đáp lại bằng ánh mắt, thì đôi trai gái mới tình tự tìm hiểu đi đến hôn nhân.

Trong dịp tết, người Giáy có 5 lần cúng tổ tiên, đó là ngày mổ lợn tết (muộn nhất là 30 tết), ngày tiễn ông bà, rằm tháng Giêng và tết nhỏ (thường là 29 tháng Giêng). Trong tháng tết này người Giáy có hội Roóng poọc cũng mang đậm tính phồn thực và cố kết cộng đồng như nhiều dân tộc khác. Hội Roóng poọc diễn ra ngày Thìn của đầu tháng tết. Sau lễ cúng tại nhà, các gia đình mang tất cả vật phẩm ra Ná roóng poọc - Ruộng mở hội lễ bái trời đất, các thánh thần siêu nhiên. Những ngày hội, nổi bật nhất là các lực điền thi cày ruộng, còn trong khuôn khổ hội diễn ra nhiều trò vui như ném còn, hát ống, đánh yến, đánh quay, thổi kèn, đi cà kheo, kéo co…

Chơi bập bênh.

Ngày nay, đời sống đồng bào các dân tộc đã khấm khá, nên văn hóa, nếp sống đang phục hồi và phát huy, được biểu hiện đậm đặc vào dịp tết Nguyên đán, trong đó nếu phần lễ cúng mang đậm dấu ấn phong tục, thì phần hội là sự tập hợp tinh thần đoàn kết xây dựng quê hương.

Đặc sắc nghệ thuật múa xòe của dân tộc Tày ở Lào Cai
Bảo tồn bản sắc văn hóa độc đáo của các dân tộc ở Lai Châu

Top