Hội nhập quốc tế

Người dân Phùng Xá gìn giữ nghề dệt lụa truyền thống

2024-12-21 13:21:20
Đắk Lắk tổ chức truyền thông, tư vấn pháp luật tại các xã biên giới, vùng sâu
Người giữ gìn chiếc cổng Maroc "độc nhất vô nhị"
Các công đoạn xe tơ, guồng tơ.

Không chuyên dệt như làng dệt lụa Vạn Phúc (quận Hà Đông), người dân tại xã Phùng Xá thực hiện tất cả các công đoạn của nghề truyền thống: Từ trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ đến dệt, nhuộm vải... Từ cuối những năm 60 đến đầu những năm 80 của thế kỷ trước, làng Phùng Xá được mệnh danh là “Thủ phủ dâu tằm” khi Xí nghiệp Tơ tằm Mỹ Đức phát triển thịnh vượng. Tuy nhiên, thời kỳ hoàng kim ấy không kéo dài được lâu.

Với lòng yêu nghề, muốn giữ nghề cho con cháu, một số người dân xã Phùng Xá, trong đó có Nghệ nhân ưu tú Phan Thị Thuận, luôn cố gắng tìm tòi, nghiên cứu nhằm hồi sinh nghề trồng dâu nuôi tằm của quê hương. Bà Phan Thị Thuận cho biết: "Gắn bó với lá dâu, con tằm từ thuở nhỏ giúp tôi hiểu rất rõ vẻ đẹp của nghề, nên khi thấy các hộ gia đình lần lượt bỏ nghề khiến tôi rất buồn.

Công đoạn chăn tằm.

Quyết tâm giữ nghề truyền thống, bà đã đi xin lá của những vạt dâu còn sót lại để nuôi tằm. Sau này, tìm được nguồn cung cấp lá dâu ở huyện Kim Bôi (Hòa Bình) cách nhà 20km, từ đó, ngày nào cũng đi lấy lá về chăn tằm. Dần dần, một số gia đình tâm huyết cũng giữ nghề nuôi tằm, ươm tơ và được chính quyền tạo điều kiện gìn giữ, phát triển nghề. Nghề dệt lụa truyền thống quê hương Phùng Xá cứ thế hồi phục....

Trong tiết trời gió lạnh những ngày đầu năm 2022, bãi dâu bên dòng sông Đáy vẫn xanh ngút ngàn. Tay thoăn thoắt hái từng nắm lá, bà Đỗ Thị Sơn, một hộ dân ở xã Phùng Xá cho biết: Đây là thức ăn chính của tằm. Tôi thường hái dâu vào sáng sớm. Dâu để chăn tằm phải là những lá non, tươi và sạch.

Tơ tằm được dệt thành những tấm lụa.

Chăn tằm là nghề bận rộn, bởi thế mới có câu "nuôi tằm ăn cơm đứng". Theo bà Sơn, mỗi ngày tằm ăn 7 bữa, mỗi bữa cách nhau 3 giờ. Khi tằm nhỏ, lá dâu cũng được thái nhỏ để tằm dễ ăn. Thông thường, một lứa tằm nuôi 20 ngày sẽ chín và nhả tơ, là nguyên liệu để dệt thành vải.

Tơ tằm tiếp tục trải qua rất nhiều công đoạn, cần nhiều công sức, thời gian cũng như tâm huyết của người thợ như kéo sợi, xe tơ, guồng tơ. Tùy chất lượng tơ và cách xoắn sẽ có các loại tơ với chất lượng khác nhau... Tiếp đó là công đoạn dệt vải. Người thợ dệt pha trộn các loại sợi dọc và ngang để tạo ra nhiều loại vải với hoa văn và độ dày - mỏng khác nhau... Đây là những thước vải quý có đặc tính khi mặc thì cho cảm giác mát mẻ vào mùa hè, ấm vào mùa đông, lại vẫn đủ mềm mại, sang trọng... Sau khi dệt, lụa được nhuộm màu. Với bí quyết pha trộn màu tự nhiên, người Phùng Xá tạo ra những tấm lụa có màu sắc bắt mắt.

Nhiều du khách thích thú với sản phẩm của làng nghề dệt lụa Phùng Xá.

Hiện, Công ty TNHH Dâu tằm tơ Mỹ Đức do bà Phan Thị Thuận làm “thuyền trưởng” đang tạo việc làm cho hàng chục lao động. Đặc biệt, nghệ nhân Phan Thị Thuận năm 2010 còn sáng chế ra cách để con tằm tự dệt tấm chăn. Theo đó, tạo đúng khuôn theo kích thước mình cần, để lứa tằm lên đó, kê khuôn lên cao để tằm “đủ sợ’’, không bò ra khỏi khuôn và cứ thế mải miết nhả tơ, tự dệt nên những tấm chăn bông tơ tằm độc đáo.

Những sản phẩm lụa tơ tằm tinh xảo được hình thành qua rất nhiều công đoạn và trí tuệ của thợ dệt lụa Phùng Xá.

Trưởng Phòng Kinh tế huyện Mỹ Đức Trương Anh Tuấn khẳng định, nhờ có sự nỗ lực vực dậy nghề truyền thống, các hộ dân ở xã Phùng Xá bước đầu đã thực sự thành công với những sản phẩm lụa tơ tằm chất lượng cao. Nhờ đó, vừa làm giàu cho cá nhân, vừa góp phần giữ nét đẹp đặc trưng của vùng quê ven dòng sông Đáy, thúc đẩy phát triền kinh tế - xã hội cho địa phương, nâng cao đời sống của Nhân dân.

Làng nghề nước mắm truyền thống nguy cơ "treo lều"
Nhiều hoạt động trong hội trại truyền thống “Tuổi trẻ giữ biển”
Top