Sự thật về chất làm chín trái cây Ethephon

2025-01-17 19:21:31

Hoạt chất Ethephon trong trái cây sẽ bốc hơi

Tại buổi tọa đàm đàm khoa học về Ethephon do Hiệp hội DN Nông nghiệp Trang trại Nông thôn VN và Hội DN Hàng Việt Nam Chất lượng cao tổ chức sáng 28/12, TS Nguyễn Đăng Nghĩa, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Tư vấn nông nghiệp nhiệt đới khẳng định: “Hoạt chất này không độc như mọi người nghĩ”.

Theo TS Nghĩa, cách đây 20 năm từng có một Hội đồng khoa học đánh giá chất Ethephon, và thống nhất đưa nó vào nhóm chất điều hòa sinh trưởng, có dinh dưỡng chứ hoàn toàn không phải là thuốc bảo vệ thực vật.

Bản thân chất này được thế giới sử dụng phổ biến trong trồng trọt, có tác dụng điều hòa sinh trưởng cây trồng, thúc hoa quả chín nhanh, chín đều chứ không phải độc hại. Chỉ có cách dùng không đúng liều lượng, hoặc sử dụng Ethephon không rõ nguồn gốc mới gây nguy hại sức khỏe.

GS.TS Nguyễn Quang Thạch, Chủ tịch Hội đồng Khoa học của Viện Sinh học Nông nghiệp cũng cho biết, từ lâu các nước trên thế giới đã sử dụng rộng rãi Ethephon trong ngành trồng trọt cả trong và sau thu hoạch để kích thích sự chín đều.

Ông Nguyễn Lâm Viên, Chủ tịch Vinamit đồng ý với quan điểm này, ông nói: “Phát triển nông nghiệp hiện đại không thể thiếu những ứng dụng của công nghệ sinh học. Trong ngành chế biến nông sản, không ai có thể chờ từng trái cây chín rồi mới đưa vào sản xuất, nhất là các loại trái rất khó chín đều như mít, sầu riêng, chuối.”

Cho dù các nhà khoa học khẳng định Ethephon không độc hại, nhưng vấn đề được người dùng quan tâm là ai sẽ hướng dẫn nông dân sử dụng đúng liều lượng như khuyến cáo. TS Nguyễn Đăng Nghĩa cho rằng, không nên dùng Ethephon ép chín trái cây một cách quá nhanh. Thay vì ép chín một ngày thì nông dân nên sử dụng liều lượng cho quá trình chín kéo dài ba bốn ngày.

“Trong quá trình bảo quản, lưu thông, hoạt chất Ethephon trong trái cây sẽ bốc hơi chứ không còn tồn dư như người dùng lo ngại”, ông Nghĩa khẳng định. Tuy nhiên, trước câu hỏi nếu để trái cây chín tự nhiên có tốt hơn sử dụng Ethephon, ông Nghĩa thừa nhận “chất lượng trái cây chín tự nhiên tốt” hơn nhưng Ethephon cũng không làm giảm chất lượng trái cây.

Ethephon được cấp nghiệm thu từ năm 2006

Cách đây 20 năm, để thúc đẩy sự phát triển của nền nông nghiệp Việt Nam, với 80% dân số sống bằng nghề nông, Nhà nước đã cho tiến hành dự án “Chuyển giao sản xuất thử nghiệm và ứng dụng chế phẩm Ethephon từ Cộng Hòa Liên Bang Nga vào Việt Nam”.

Khi đó, Bộ trưởng Khoa học Công nghệ & Môi trường đã có quyết định số 1647, ngày 26/9/1995, giao cho Viện Sinh học Nhiệt đới thuộc Trung tâm Khoa học Tự nhiên Và Công nghệ Quốc gia thực hiện dự án. Sau đó, dự án đã hoàn thành và được nghiệm thu cấp cơ sở ngày 21/8/2001, được Hội đồng Nghiệm thu cấp Nhà nước nghiệm thu ngày 13/11/2006.

Kết quả nghiên cứu của Dự án đã được các Hội đồng nghiệm thu đánh giá cao và cho phép triển khai ứng dụng với các ứng dụng chính:

Sử dụng Ethephon để điều khiển quá trình ra hoa kết trái của cây trồng theo ý muốn của nhà nông nhằm rải vụ và nghịch vụ các loại cây trái để tránh trái cây chín tập trung trong một thời gian quá ngắn, gây thất thoát, rớt giá. Từ đó phục vụ cho việc xuất khẩu quanh năm các loại trái như: xoài, nhãn, thanh long…

Sử dụng hiệu quả cho công nghệ sau thu hoạch, tạo ra sản phẩm đẹp, đồng đều, chống thất thoát, chất lượng tốt đạt tiêu chuẩn xuất khẩu và trái cây Việt có khả năng cạnh tranh được với trái cây của các nước trong khu vực .

Ethephon có rất nhiều ứng dụng để điều khiển các quá trình sinh trưởng của cây và trái chứ không chỉ gói gọn trong việc kích thích ra mủ trên cây cao su như một số bài báo đã đưa tin. Ở nước ta, Ethephon được phép sử dụng trong phân bón và điều này được ghi rõ trong Danh mục các chất điều tiết sinh trưởng được phép sử dụng trong phân bón ban hành kèm theo Thông tư số 36, ngày 24/6/2010 của Bộ trưởng NN&PTNT.

Tác giả chất làm chín trái cây Ethephon lên tiếng

“Báo chí nên rút kinh nghiệm trong khi đưa tin về việc này vì đã làm hại cho nền nông nghiệp rất nhiều” – TSKH Trần Hạnh Phúc nhắn nhủ. Ảnh: Internet.

“Ethephon không độc” – đó là khẳng định của TSKH Trần Hạnh Phúc – Viện sinh học Nhiệt đới, tác giả Dự án cấp Nhà nước: “Sản xuất thử nghiệm ethephon – Dự án cấp Viện KH&CN Việt Nam”.

‘Ethephon không độc’

Bà Phúc kể, cách đây 20 năm, Bộ Khoa học Công nghệ quyết định thực hiện một dự án chuyển giao công nghệ sử dụng Ethephon từ Nga về Việt Nam với số tiền là 2,7 tỷ đồng.

“Năm 1995 đó là số tiền cực lớn để chuyển giao công nghệ” – bà Phúc cho biết, “năm 2006 thì việc này đã được nghiệm thu cấp Nhà nước”.

Sản phẩm Ethephon đã mang lại rất nhiều giá trị lớn cho ngành nông nghiệp Việt Nam, bà Phúc nói: “Tất cả những sản phẩm trái vụ, dài vụ hiện nay đều do Ethephon mang lại. Hay ngành cao su tăng từ 30 – 40% sản lượng mủ và rút ngắn thời gian khai thác xuống từ 40 năm xuống còn 25 năm để giải phóng một lượng gỗ lớn cũng đều từ Ethephon”

Cũng theo TS Phúc, trong chế biến, Ethephon được sử dụng ở tất cả các nước và người ta thấy đây là việc rất bình thường và nó có giá trị lớn cho nền công nghiệp hành hóa như hiện nay. Ngày nay Việt Nam xuất khẩu được hàng container mít, chuối… tất cả đều nhờ ethephon.

“Tôi khẳng định Ethephon không độc. Vì thế những người làm nông nghiệp có thể nhập những sản phẩm ethephon tinh khiết từ các nước về sử dụng” – TSKH Trần Hạnh Phúc nói.

Sai lầm của truyền thông

“Chuyện truyền thông phê phán chất làm chín trái cây kéo dài gần 20 năm nay và chúng tôi không muốn nói đến nữa và cũng không muốn giải thích thêm”, bà Phúc nói tiếp.

Truyền thông Việt Nam viết lên những bài dùng những từ nặng nề như: “cực độc”, “sự nhẫn tâm, bất lương của nhà sản xuất”, “tắm hóa chất”…

Bà Phúc băn khoăn, dù dự án của bà đã được nghiệm thu từ Nhà nước nhưng người ta không hiểu. Vì không hiểu nên họ nói đó là chất độc gây chết người, ung thư nên cấm…

Bà Phúc khẳng định: “Cái chính chúng ta phải khẳng định Ethephon là một tiến bộ khoa học kỹ thuật bắt buộc phải dùng, bởi không có nước nào là không dùng nó để đẩy mạnh nền công nghiệp hàng hóa của mình”.

“Báo chí có rất nhiều thành tích nhưng cũng đã từng làm hại biết bao nông dân, một câu nói bưởi ung thư đã làm những nông dân mất toi 200 tỷ đồng mà người viết không phải ra tòa. Tôi rất đau lòng vì chính tôi là người đầu tiên mà 20 năm về trước Bộ trưởng Đặng Hữu đã cho mang Ethephon về sử dụng và nghiên cứu, nhưng đến ngày hôm nay người ta vẫn nói nó độc, gây ung thư” – TSKH Trần Hạnh Phúc nói.

Phát biểu cuối cùng, bà Phúc nhắn nhủ: “Báo chí nên rút kinh nghiệm trong khi đưa tin về việc này vì đã làm hại cho nền nông nghiệp rất nhiều”.

Theo Dự án cấp Nhà nước: “Sản xuất thử nghiệm Ethephon – Dự án cấp Viện KH&CN Việt Nam” thì Ethephon là chất tổng hợp có tên 2 – Cloethylen phosphoric axit dạng lỏng không màu hoặc hổ phách nhẹ. Nó được ổn định dạng axit và được phá hủy ở pH lớn hơn 3,5. Hàm lượng hoạt chất: 400mg/l, tỷ trọng 1,2g/ml, pH=3. Nó dễ hòa tan trong nước, ít độc với người và gia súc. Khi gặp nước, ethephon chuyển thành Etylen – một hormon thực vật giữ vai trò chính trong quá trình chín của cây trồng và nông sản, nên khi phun vào cây, quả, Ethephon xâm nhập vào tế bào, bị nước có trong tế bào phân hủy thành Etylen.

Theo TGTT

Nguồn bài viết : GEM Điện Tử

Top