Bài viết dưới đây của Ron Emmons – nhiếp ảnh gia, cây viết tài ba người Anh từng đi khắp các nước Đông Nam Á – sẽ góp phần giúp chúng ta hiểu thêm về “Di sản UNESCO kỳ lạ nhất thế giới”:
"Từ năm 1993, 8 địa điểm ở Việt Nam đã được công nhận là Di sản thế giới, và 7 di sản đang chờ đợi được xét duyệt. Nhiều địa điểm có ý nghĩa to lớn về tự nhiên (vịnh Hạ Long) hay lịch sử (cố đô Huế) được nhiều khách trong và ngoài nước biết đến. Tuy nhiên, di sản mới đây nhất được công nhận – vào năm 2011, hầu như còn khá mới mẻ đối với nhiều người.
Thành nhà Hồ nằm tại tỉnh Thanh Hóa, cách Thủ đô Hà Nội 150km về phía Nam. Việc tòa thành này được lựa chọn là Di sản thế giới từng gây nhiều bất ngờ. Thứ nhất, nhà Hồ chỉ kéo dài 7 năm (1400 – 1407) – triều đại cực ngắn trong hàng nghìn năm lịch sử của Việt Nam. Thứ 2, đây là tòa thành trống, không có cung điện, đền thờ, di tích mà chỉ là 4 bức tường xung quanh một vùng nông nghiệp.
Tuy nhiên, theo Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO), Thành nhà Hồ là “một biểu tượng nổi bật, đại diện cho phong cách mới của cung đình Đông Nam Á”.
Bị hấp dẫn bởi ý tưởng khám phá một thành phố thời Trung cổ ở vùng nông thôn Việt Nam, tôi quyết định lên đường tới tòa thành “trống rỗng”.
Thành nhà Hồ – Những gì còn lại
Những bức tường kỳ vĩ được xây dựng chỉ trong 3 tháng, không sử dụng bất kỳ chất kết dính nào
Tôi liên lạc với anh bạn tên Xuân, hiện sống ở Ninh Bình, cách di tích này khoảng 60km về phía Đông. Chúng tôi đến cửa phía Bắc của Thành nhà Hồ, tốn 10.000 đồng để mua vé tham quan, và sau đó cố leo lên thật cao để có được hình ảnh toàn cảnh của di tích này.
Theo lời của Xuân, tòa thành được đặt ở đây nhờ vào địa thế phong thủy xung quanh. Trong khi sông Mã và sông Bưởi chảy ở 2 bên tòa thành thì núi Đốn Sơn và Tượng Sơn bảo vệ thung lũng. Đây là một địa thế khá hiểm trở, có lợi về phòng ngự quân sự hơn là trung tâm chính trị, kinh tế và văn hoá.
Mặc dù vậy, tôi lại chú ý tới những khối đá đồ sộ hình thành nên những bức tường vĩ đại của Thành nhà Hồ. Có thể quan sát rõ ràng, chúng ghép lại với nhau rất khít, dù không sử dụng bất cứ chất kết dính nào.
Những bức tường 600 năm tuổi, mỗi bên kéo dài gần một cây số và hầu như còn nguyên vẹn. 4 cổng thành đứng sừng sững, trông mạnh mẽ hơn bao giờ hết.
Sau từng ấy thời gian, những kẽ tường đã hơi lung lay và mọc đầy cây cỏ. Nhưng bằng cách nào đó, di tích này càng thêm phần huyền bí. Bao quanh các bức tường là một khung cảnh thôn quê trù phú, với những cánh đồng ngô và ruộng lúa, ao hồ, đường đất.
Lịch sử ngắn ngủi của nhà Hồ
Cổng phía Nam – lối vào chính Thành nhà Hồ
“Vậy tại sao triều đại nhà Hồ lại ngắn ngủi đến vậy?”, tôi hỏi người bạn đồng hành về giai đoạn ít được biết đến trong lịch sử Việt Nam.
Xuân giải thích cặn kẽ: trong những năm cuối thế kỷ 14, triều đại nhà Trần khi ấy thật sự hỗn loạn, và Hồ Quý Ly (tên gọi khác là Lê Quý Ly) – một vị quan nhiếp chính trong triều đình của Hoàng đế Trần Thuận Tông ở kinh đô Thăng Long (Hà Nội) – đã lên kế hoạch chiếm đoạt ngai vàng .
Năm 1397, Hồ Quý Ly chỉ đạo xây dựng tòa thành này. Khối lượng công việc khổng lồ đã được hoàn tất chỉ trong khoảng 3 tháng – một thành tích đáng kinh ngạc đối với kỹ thuật thời kỳ đó.
Sau đó, khi hoàng đế tới kiểm tra việc thành mới được xây dựng – ban đầu được gọi là Tây Đô – ông bỏ tù, sau đó phế truất Trần Thuận Tông. Năm 1400, Hồ Quý Ly tự lập ngôi vua, và được coi là hoàng đế đầu tiên của triều đại nhà Hồ.
Hồ Quý Ly chỉ nắm quyền đúng 1 năm, sau đó ông nhường ngôi cho người con trai thứ 2 của mình là Hồ Hán Thương. Vị vua thứ 2 của nhà Hồ trị vì được 6 năm, trước khi quân đội nhà Minh từ Trung Quốc kéo sang xâm lược.
Mặc dù chỉ làm vua một thời gian ngắn, Hồ Quý Ly đã đóng góp không nhỏ cho lịch sử Việt Nam, với những quyết sách táo bạo và đi trước thời đại. Ông phát hành những tờ tiền giấy đầu tiên, giới hạn sở hữu đất đai, cũng như mở cửa giao thương với nước ngoài. Ngoài ra, dưới triều đại Hồ Quý Ly, các chương trình giáo dục cũng được triển khai tới đông đảo quần chúng nhân dân, bao gồm các nội dung như toán học và nông nghiệp.
Chúng tôi lái xe dọc theo con đường đất dẫn tới cổng phía Nam – cũng là lối vào chính của tòa thành. Tại đây, có tới 3 cổng vòm, so với chỉ 1 cổng ở các bức tường phía Bắc, Đông và Tây.
Tiếp đó, tôi bước vào một túp lều tre bên ngoài cánh cổng phía Nam. Những bức tường nơi đây được trang trí bằng hình ảnh minh họa voi, ngựa đang kéo các khối đá lớn, bè tre chở những khối nhỏ hơn và khung cảnh di chuyển những viên đá đã được cắt gọt vào vị trí xây thành.
Phát triển nông nghiệp song song với du lịch
Phát triển du lịch là điều cần thiết bên cạnh việc đẩy mạnh nông nghiệp địa phương
Tạm xa anh bạn đồng hành, tôi trò chuyện với người phụ trách rồi leo lên tường thành ở cửa ngõ phía Nam. Đứng ở đây, tôi tưởng tượng ra khung cảnh nhộn nhịp của những cư dân thế kỷ 15, khi họ tụ tập tại các khu chợ, cung điện hay đền thờ đằng sau bức tường không gì có thể xuyên thủng.
Phóng tầm mắt ra đằng xa, tất cả hình ảnh tôi chụp được là các em học sinh nhỏ tuổi đang đạp xe qua những cánh đồng lúa trên đường về nhà.
Là một phần của thỏa thuận với UNESCO, Việt Nam cam kết bảo vệ di sản Thành nhà Hồ. Điều này đồng nghĩa với việc ngăn chặn bất cứ hoạt động xây dựng nào làm hỏng cảnh quan, đồng thời chấm dứt sản xuất nông nghiệp như trồng lúa bên trong di tích này.
Ông Nguyễn Xuân Toàn – Phó giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di sản thế giới Thành nhà Hồ cho biết: “Vì các hộ dân có quyền sử dụng đất, họ vẫn tiếp tục xây dựng nhà ở và các công trình khác, gây khó khăn trong việc bảo tồn di sản”.
Ông cũng giải thích rằng: hoạt động cày, bừa, đào mương thủy lợi trong tòa thành đã động chạm tới các di chỉ khảo cổ học, và có một tác động tiêu cực đến các kiến trúc dưới lòng đất tại khu vực này.
Hiện nay, có vẻ như người dân địa phương sẽ phải hy sinh quyền lợi đất đai, nếu các nhà lãnh đạo quyết tâm phát triển Thành nhà Hồ như một điểm du lịch hút khách.
VIỆT NAM – VẺ ĐẸP BẤT TẬN Với nét độc đáo, giàu bản sắc truyền thống trong sự đa dạng nhưng thống nhất, đất nước – con người cùng nền văn hóa Việt khiến không ít bạn bè quốc tế phải trầm trồ, thán phục. Qua chuyên đề "Vẻ đẹp hình chữ S trong con mắt truyền thông quốc tế", Thời Đại muốn gửi đến bạn đọc những góc nhìn thú vị – sáng tạo – mới lạ – đa chiều của các kênh truyền thông nổi tiếng thế giới khi đưa tin/ghi hình và tôn vinh vẻ đẹp Việt Nam trên nhiều phương diện: văn hóa, nghệ thuật, du lịch, ẩm thực, thiên nhiên, di sản, sự phát triển năng động của nền kinh tế – xã hội... |
Hồng Anh
Nguồn bài viết : so ket qua