Nếu nghi lễ cúng “Xá tội vong nhân”, có nơi còn gọi là cúng cô hồn vào Rằm tháng Bảy gắn với lễ “Vu Lan bồn” của Phật giáo, diễn ra ở chùa mang tính định kỳ hàng năm, thì nghi lễ cầu siêu - cầu an mang tính chất tín ngưỡng dân gian, nó chỉ diễn ra khi nơi nào có nhiều người chết vì bệnh dịch, chiến tranh, hay bị xiêu mồ lạc mả…
Ở miền Tây Nam bộ, những năm cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, xảy ra đại dịch, dân chúng bỏ mạng khá nhiều, sau đó, người ta tổ chức lễ cầu siêu, cầu an. Lễ rước vong diễn ra trên đường sông. Hai chiếc ghe lớn chở các nhà sư. Trên ghe bày đầy đủ bàn Phật, bàn vong, tượng Tiêu diện đại sĩ bằng giấy. Ghe của bà con dân làng nối đuôi nhau tháp tùng đoàn rước.
Cúng Rằm tháng Bảy.
Buổi tối, người ta còn tổ chức nghi thức “phóng đăng” rất trang trọng. Trên ghe có đặt bàn hương án và đồ cúng cô hồn, sau đó ghe từ từ đi ra sông, thả đèn nến thắp sáng trên mặt nước. Đúng 12 giờ khuya, người ta thực hiện nghi thức xô giàn. Những chiếc rế nồi để tiền, khoai lang luộc, mía, chuối được đẩy xuống cho mọi người tranh giành... Tiếp theo, người ta phóng hoả tượng Tiêu diện đại sĩ, giữa đêm khuya, hình ảnh ông Tiêu cháy rực thành một đám lửa dữ dội.
Tấm lòng thương xót những “cô hồn”, được cư dân địa phương dành một ngày để đi gọi các vong linh vất vưởng về dưới mái ấm của chùa mà siêu thăng tịnh độ.
Ngày nay, ở các vùng nông thôn nghi thức cầu an - cầu siêu không còn diễn ra và dần dần biến mất khỏi tâm thức của người bình dân. Người ta chỉ còn cúng cô hồn vào ngày Rằm tháng Bảy mà thôi.
Lễ vật cúng cô hồn.
Khi cúng cô hồn vào Rằm tháng Bảy, người ta bày lễ vật được cúng ngoài hè chái, ngoài sân chứ không để trong nhà, vì người bình dân miệt đất này tin rằng trong nhà thờ tiên nhân, ông bà họ là ma chính chủ, nếu cúng trong nhà những oan hồn vất vơ vất vưởng sẽ không dám… vào.
Đồ cúng gồm một dĩa để chung nửa gạo nửa muối; 12 chén cháo trắng nấu loãng hay 3 vắt cơm cũng được; 12 cục đường thẻ (loại đường thắng từ nước mía), ít đồ mã là quần áo bằng giấy, giấy tiền vàng bạc, mấy cục kẹo, ba ly nước nhỏ, ba cây nhang và 2 ngọn đèn cầy nhỏ cỡ ngón tay út, nhất là không thể thiếu mấy trái bắp nấu, vài khúc mía để nguyên vỏ. Bởi dân gian tin rằng cô hồn rất thích hai món ăn này.
Cúng xong, người ta đem muối gạo rải ra xa ngoài đường ruộng... với ngụ ý để cho cô hồn hưởng. Theo đó, trẻ con giành lấy, tục đó gọi là giựt giàn. Bởi dân gian quan niệm rằng đồ cúng cô hồn thì người cúng không ăn bao giờ.
Theo Dân Việt
Nguồn bài viết : SABA Thể Thao