TP.HCM đề xuất ban hành quy định bắt buộc triển khai IPv6 trong cơ quan nhà nước

2025-01-17 19:23:13
ictnews Sở TT&TT TPHCM đề xuất Bộ TT&TT cần ban hành quy định bắt buộc triển khai IPv6 cho các hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung, hệ thống liên thông, các Cổng thông tin, cơ quan nhà nước. Đồng thời, xây dựng lộ trình hạn chế nhập khẩu thiết bị sử dụng công nghệ IPv4.

Khai trương chính thức cung cấp dịch vụ IPv6 vào sáng 6/5/2019.

Tại Hội thảo Ngày IPv6 Việt Nam 2019 tổ chức ở Hà Nội vào ngày 6/5/2019, ông Nguyễn Trịnh Đình Hòa, Phó phòng, phụ trách PhòngThông tin điện tử, Sở TT&TT TPHCM đã đề xuất Bộ TT&TT cần ban hành quy định bắt buộc triển khai IPv6 cho các hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung, các hệ thống liên thông, các Cổng thông tin,  cơ quan nhà nước. Đồng thời xây dựng lộ trình hạn chế nhập khẩu thiết bị sử dụng công nghệ IPv4

Ông Đình Hòa cũng đưa ra kiến nghị đối với UBND TP.HCM, theo đó, sắp tới Sở TT&TT sẽ trình UBND TP.HCM ban hành Đề án chuyển đổi công nghệ IPv6 tại TP.HCM giai đoạn đến 2025, nghiên cứu xây dựng lộ trình ngừng IPv4 đối với hệ thống của các cơ quan nhà nước tại TP.

Ông Hòa cho biết thêm, hiện tại TP.HCM đã có kế hoạch chuyển đổi sang công nghệ IPv6 đối với các Cổng thông tin, hệ thống ứng dụng và phần mềm quan trọng của TP.HCM trước năm 2020. Sở TT&TT cũng yêu cầu chủ đầu tư sử dụng công nghệ IPv6 trong các dự án CNTT sử dụng ngân sách tại TP. Từ mấy năm nay các dự án đã thực hiện nhưng vẫn chưa có văn bản yêu cầu các chủ đầu tư bắt buộc sử dụng IPv6 nên rất cần Nhà nước có văn bản để các địa phương thi hành.

Đại diện Sở TT&TT TP.HCM đưa ra kiến nghị để thúc đẩy triển khai IPv6 trong cơ quan nhà nước và các tổ chức doanh nghiệp.

Theo ông Đình Hòa, lợi ích của ứng dụng công nghệ IPv6 rất rõ ràng, việc chuyển đổi sang IPv6 phù hợp với lộ trình kế hoạch trong nước và quốc tế, giải quyết bài toán khan hiếm tài nguyên IP. IPv6 có vai trò quan trọng trong triển khai, ứng dụng các công nghệ mới như 5G, IoT. Đồng thời có cơ hội để rà soát, tối ưu và tăng cường an toàn, bảo mật cho hệ thống IPv4 hiện tại.

Theo Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Hồng Hải, tính đến tháng 4/2019, khối cơ quan nhà nước có tổng 61 website hoạt động với IPv6, chiếm 2,2% trên tổng số wesite của các cơ quan nhà nước. Đối với lĩnh vực nội dung số, ngoài công ty FPT Online đã chuyển đổi thành công IPv6 cho báo điện tử VnEpress từ năm 2017 thì đến thời điểm này chưa có thêm doanh nghiệp nội dung số nào chuyển đổi IPv6 cho các trang tin điện tử có lượng truy cập lớn.

Trong thời gian qua, Ban công tác thúc đẩy IPv6 quốc gia đã tập trung đẩy mạnh triển khai IPv6 trong khối cơ quan nhà nước, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nội dung số, tổ chức tuyên truyền phổ biến, đào tạo, tập huấn, tư vấn trực tiếp về việc triển khai IPv6 cho toàn bộ các sở TT&TT, các cục, trung tâm CNTT của Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chính phủ và các bộ, ngành. Với sự nỗ lực của Ban công tác, sự quyết liệt vào cuộc của các cơ quan nhà nước, sự phối hợp của các doanh nghiệp Internet, nhiều cơ quan Trung ương, tỉnh, thành phố đã chuyển đổi thành công sang IPv6 cho hệ thống CNTT, Cổng thông tin điện tử, dịch vụ công trực tuyến, điển hình là Bộ TT&TT, Bộ Tài nguyên và Môi trường, TP.HCM, Đà Nẵng, Lâm Đồng, Long An, Đồng Nai…

Do đó, việc đẩy mạnh triển khai IPv6 trong khối cơ quan nhà nước và doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nội dung số trong thời gian tới không chỉ nhằm hoàn thành một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Kế hoạch triển khai IPv6 trong năm 2019 mà còn góp phần phát triển bền vững mạng Internet Việt Nam nói chung cũng như phát triển hạ tầng cho cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.

Nguồn bài viết : Seaside Club

Top