Vang tiếng trống K'thu

2024-12-21 13:21:30
Tiếng trống khát vọng và sự hiếu thảo của chàng trai khiếm thị
Âm vang tiếng tù và của người Dao

Người Cơ Tu bảo tồn trống K’thu. Ảnh: A.N

Sau hàng chục năm “vắng bóng”, nghề làm trống của người Cơ Tu đang vực dậy trở lại, bằng công sức và sự tâm huyết của các già làng vùng cao.

Những người giữ nghề

Già Ating Đhân ở thôn Prao, thị trấn P’rao, Đông Giang (Quảng Nam) đang thả hồn theo nhịp gõ của những chiếc trống vừa làm ra. Khoảng chục chiếc khác đang được phơi nắng, là công sức sau nhiều năm miệt mài chế tác của già làng gần 70 tuổi này. Vừa làm, ông vừa truyền dạy nghề cho con cháu. Nhiều năm nay, căn nhà sàn ở cuối làng Prao trở thành điểm đến lý tưởng, thu hút người trẻ tham quan, trải nghiệm.

Già Đhân kể, công việc làm trống được ông nghiên cứu, phục hồi hơn chục năm trở lại đây, sau những lần trăn trở chuyện thiếu trống trong các lễ hội truyền thống.

Và hơn cả, ông lo lắng với nguy cơ thất truyền nghề làm trống của cộng đồng Cơ Tu. Sau tháng năm miệt mài, cho đến bây giờ, số lượng trống mà già Đhân chế tác lên đến 200 cái, góp mặt tại rất nhiều sự kiện hội làng địa phương.

Nhưng, già Đhân nói, làm trống mất rất nhiều công sức và thời gian. Ngoài tìm kiếm nguồn da bò chất lượng, mỗi chiếc trống hoàn thành còn trải qua nhiều công đoạn chế tác, từ chọn cây, đục thân gỗ cho đến dùng mây rừng hoặc sợi cước để đan chặt hai mặt trống, đảm bảo tính thẩm mỹ cao. Dây cước càng căng âm thanh càng trong, vang và thanh thoát.

“Người Cơ Tu thường chọn gỗ trâu để làm trống, vì loại này có thân nhẹ và bền, hạn chế được mối mọt. Thân gỗ được chọn làm trống đều đục bỏ phần lõi bên trong, sau đó mang phơi khô nhằm tăng độ bền và chắc chắn” - già Đhân chia sẻ.


Để làm được trống K’thu, ngoài việc chọn gỗ, người Cơ Tu còn chú trọng đến chất lượng da bò - chất liệu làm nên mặt trống.

Vài năm trở lại đây, ngoài làm trống, già Đhân còn chế tác các mẫu trang trí gươl, tạc tượng hình người, đan các loại gùi truyền thống… Cứ sau mỗi đợt “ra lò”, các sản phẩm của già Đhân đều được du khách tìm mua.

Một cán bộ của Phòng Văn hóa - thông tin huyện Đông Giang nói, ngoài già Đhân, nhiều nghệ nhân khác có khả năng chế tác trống như Alăng Đợi, Alăng Blêu, Bh’riu Nga… giúp mở ra cơ hội vực dậy nghề truyền thống cha ông vốn đã gần như thất truyền.

Điểm hẹn cho du khách

Sau nhiều năm chế tác trống và các vật dụng truyền thống Cơ Tu, không gian bảo tàng văn hóa gia đình già Y Kông (xã Ba, Đông Giang) trở thành điểm đến lý tưởng cho du khách.

Thời điểm trước dịch Covid-19, gần như tuần nào, già Y Kông cũng đón khách. Đa số là khách nước ngoài, tìm đến tham quan trải nghiệm, khám phá nét văn hóa đặc sắc của cộng đồng Cơ Tu dọc tuyến quốc lộ 14G.

Già Y Kông nói, khi dịch Covid-19 bùng phát, không gian văn hóa của gia đình đã vắng bóng người ghé thăm. Nhiều sản phẩm tượng gỗ, trống được làm ra cũng không thể bán, đành trưng bày ở một góc nhà. Già Y Kông hy vọng sau đợt mở cửa du lịch này, không gian điểm hẹn văn hóa Cơ Tu của gia đình sẽ đón khách trở lại, giúp quảng bá bản sắc của đồng bào vùng cao.

“Trước đây, mình làm sản phẩm là để phục hồi nét văn hóa của cha ông. Sau này, khi không gian văn hóa được nhiều người biết đến đã mở hướng vừa quảng bá nghề truyền thống, vừa làm du lịch cộng đồng. Hồi du khách đến rất đông, nhiều sản phẩm được bán làm quà lưu niệm theo đơn hàng” - già Y Kông bộc bạch.

Mở hướng du lịch gắn với bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, những năm qua, nhiều địa phương miền núi khuyến khích người dân, đặc biệt là các già làng sưu tầm, truyền dạy nghề làm trống, đan lát cho cộng đồng. Sau nhiều năm triển khai, đã xuất hiện các nhân tố điển hình với các mô hình làng nghề độc đáo, thu hút du khách.

Ông Đỗ Hữu Tùng - Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Giang cho biết, trong định hướng của huyện, ngoài thành lập các câu lạc bộ nói lý - hát lý còn xây dựng các đội trống chiêng, nhằm bảo tồn và phát triển bản sắc truyền thống. Trong đó, những già làng, các nghệ nhân có vai trò rất lớn trong việc truyền dạy, khôi phục làng nghề truyền thống, nhất là nghề làm trống, đan lát, dệt may…

“Người Cơ Tu rất coi trọng nghề làm trống, do vậy, cùng với bảo tồn di sản vốn có, chúng tôi khuyến khích các nghệ nhân truyền dạy lại cho người trẻ để bảo lưu ngón nghề quý của cha ông” - ông Tùng nói.

Linh hồn sống của cộng đồng

Ông Pơloong Plênh - cán bộ Phòng Văn hóa - thông tin huyện Tây Giang cho biết, với người Cơ Tu, trống như linh hồn của sự sống và nguồn cội. Không chỉ được sử dụng trong các lễ hội truyền thống, trống còn là “tín hiệu” riêng trong các cuộc họp làng hay sự kiện trọng đại của cộng đồng. Trống có thể dùng trong cả lễ hội, cưới hỏi hay tang ma bằng các thanh âm phù hợp với ngữ cảnh thực tế.

Người Cơ Tu làm du lịch từ những cánh rừng
Người giữ hồn rừng núi Cơ tu

Nguồn bài viết : Sòng bạc trực tuyến

Top