Thăm chợ đầu mối lớn nhất ở Bắc Bangladesh

2025-01-17 19:21:32

Mãi sau mới biết hôm đó đã lạc bước đến khu chợ đầu mối rau củ lớn nhất miền Bắc Bangladesh.

Chợ đầu mối hiền hậu

Trong làng, những chiếc xe trĩu rau củ, những chiếc gánh võng theo bước thoăn thoắt saree mềm mại… làm tôi nôn nao. Thế là bám gót, để gặp, tan vào ngôi chợ đầu mối ngồn ngộn những cây trái và tình thân. Cũng có vài nhà lồng bé bé, phần lớn hàng hoá tênh hênh phơi mình giữa đồng không.

Nhiều tài liệu của Bangladesh ghi rõ Mahasthangarh có từ thế kỷ thứ 5 trCN, thành cổ nhất nước này. Là kinh đô của nhiều vương triều, được cao tăng Huyền Trang ghé trên đường sang Tây Trúc thỉnh kinh, ghi lại trong sử sách mà nhờ đó các nhà khoa học đã lần theo, khai quật, tìm ra thành cổ… giờ không còn nhiều lưu dấu lắm của ngôi thành hơn hai thiên niên kỷ tuổi tác bằng gạch và đất. Nhưng không hoang phế, vì miền đất này giờ xanh mượt mà bởi những nương đồng. Cũng chẳng khác gì xứ mình, rau củ ở đây nhiều nhất là súp lơ, rồi bầu bí, cà chua, củ cải trắng, khoai tây… kèm theo một số rau cỏ là lạ nào đó mà chủ thì cứ nói tiếng địa phương nên khách cũng chẳng biết là gì để tra internet.

Có điều dù chỉ hoa chân múa tay với nhau nhưng chủ thì sẵn sàng sắp xếp hàng cho gọn đẹp để khách chụp hình, cũng như vui vẻ tạo dáng, rủ bạn bè, người làm toe toét cười để khách bấm máy. Thỉnh thoảng còn kéo vô, ép tặng ly trà ngọt lịm không chỉ bởi đường, dù đang rất bận bịu khuân vác sắp dỡ… Điều lạ là cả khu chợ đầu mối to lớn vậy nhưng rất ít tiếng ồn ào, cãi tranh chao chát như người ta vẫn thường nói về một cái chợ. Có ồn ào chăng là các chú bé kêu réo khách lạ ghé ngang vạt hàng mình chơi, sẵn tiện chụp hình cho các chú.

Những chuyến xe trên đường trĩu nặng hoa quả

Nhờ mấy ngón tay xoè ra hay xỉa xấp Taka (tiền Bangladesh) mà chỉ, nên tôi biết, người dân xứ này còn khổ hơn dân mình, khi giá rau củ chỉ hai ba ngàn đồng một ký. Những ngày đầu năm 2015 tìm đọc về chốn cũ, càng thương sao, khi biết súp lơ, bắp cải tại chợ Mahasthangarh chỉ còn 1 Taka/kg (khoảng 280 đồng)! Lẩn quẩn nghĩ về thời huy hoàng 2.500 năm trước và biển dâu bây giờ!

Bên con sông Karatoya

Ngôi thành cổ xây ở vị trí cao nhất trong vùng để tránh những cơn lũ lụt không hiếm ở xứ lắm mưa, bên con sông Karatoya. Thế kỷ 12 – 13, nó hùng vĩ gấp ba lần Hằng Hà giờ chỉ còn bé xíu. Khi nhánh chi lưu chính chuyển dòng đổ sang Hằng Hà, con sông ngày cũ giờ không gây những cơn lũ lụt tàn phá mà là nguồn nước quý giá cho những cánh đồng, điểm nhấn mềm mại thêm nét cho làng quê thanh bình. Nguồn phù sa ngày nào giờ làm nền cho những ruộng lúa, đồng hoa màu xanh mượt.

Ngôi chợ đầu mối ngồn ngộn trái cây và tình nhân

Trong nắng mai thu nhè nhẹ, con đường quê dưới hai hàng cây râm mát chạy giữa những cánh đồng miệt mài những người quê chăm, những trâu hiền cần mẫn, những em bé tí xíu vừa giúp cha mẹ việc đồng áng, vừa vui đùa bắng nhắng, loáng thoáng điểm tô những tà saree sắc màu rực rỡ… làm khách du mải lặng ngắm chẳng muốn dời đi, để mặc di tích 2.500 tuổi đợi chờ. Mà đã đợi 2.500 năm rồi, thêm vài khắc nữa thì có làm sao!

Di tích Mahasthangarh nằm trong ngôi làng Mahasthan, cách thành phố Bogra 11km, có thể đến bằng xe buýt hay xe ba bánh. Bogra là miền di tích, nằm ở miền bắc Bangladesh, cách thủ đô Dhaka khoảng 205km, đi xe đò khoảng 100.000 – 200.000 đồng tuỳ xe cọc cạch hay máy lạnh.

Bogra có những khu lữ điếm cho khách balô tiêu chuẩn rất thấp, các khách sạn bậc trung cũng khá nhiều, giá chỉ vài trăm ngàn. Dân tận tình hướng đạo, dù xe công cộng chật chội. Ăn uống ở miền quê chưa giao hoà nhiều, đậm gia vị Nam Á sẽ là thử thách hoặc cuốn hút – tuỳ theo khả năng của từng khách.

Bài và ảnh Thái Hoãn - TGTT

Nguồn bài viết : TK Loto

Top