Vừa qua, Lễ hội này đã được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa vật thể quốc gia cần được bảo tồn và phát triển.
Theo người Dao đỏ, Lễ hội Quỹa Hiéng đã có từ lâu đời, tồn tại với quá trình lịch sử phát triển của cộng đồng người Dao đỏ xã Hồ Thầu. Theo định kỳ thường niên, Lễ hội Quỹa Hiéng được tổ chức tại nhà các trưởng tộc trưởng họ như một dịp để củng cố tinh thần cố kết cộng đồng hướng về cội nguồn của người Dao đỏ. Ngoài ra, mỗi gia đình người Dao đỏ vào dịp cuối năm âm lịch cũng tổ chức lễ hội này.
Bà con trong thôn tới dự Lễ hội.
Lễ hội Quỹa Hiéng gồm 2 phần: lễ và hội. Phần lễ được tổ chức vào ngày cuối cùng của năm cũ tại gian giữa của gia đình. Khi đó, người ta tập hợp anh em, con cháu trong dòng họ và mời một số bạn bè thân thiết, các chức sắc của địa phương đến dự lễ.
Trước hết, người chủ tế và gia đình lập 3 đàn lễ gọi là: Bứa Hiéng (tức bàn thờ tổ tiên tông tộc); Sáng Chà Phin (tức đàn cúng thế giới thần linh và các ma là tổ tiên của nghề thầy cúng gọi là Sài Tía); Sám Háng (tức là mâm cúng các ma là linh hồn của những người khi sống không nhà không cửa). Lễ vật gồm gà luộc bỏ lòng, nước suối, rượu, hương, bát gạo được gói trong mảnh vải mộc trắng, vòng cổ bạc, đèn hoặc nến.
Sau khi cả 3 đàn lễ được sắp xong thì nghi lễ được tiến hành, phần này thường bắt đầu vào thời gian khoảng 9 giờ sáng. Nếu mời nhiều thầy cúng thì nghi lễ được tiến hành cùng một lúc, ngược lại nếu chỉ có một thầy cúng thì nghi lễ được bắt đầu từ đàn cúng Bứa Hiéng, sau đó là đàn cúng Sáng Chà Phin và cuối cùng là đàn cúng Sám Háng. Tuy nhiên, hầu hết các lễ hội Quỹa Hiéng đều có sự tham gia của ít nhất 2 thầy cúng trở lên.
Các thầy cúng thực hiện nghi lễ.
Trong tất cả lễ hội, phần nghi lễ này thường khá dài, nếu chỉ có một thầy cúng thì có khi dài tới 4 - 5 giờ đồng hồ. Sau đó, hai đàn lễ Sáng Chà Phin và Sám Háng được dọn đi, còn đàn lễ Bứa Hiéng được duy trì đến khi hết hội mới thôi. Những lễ vật có trên mâm cúng được bổ sung phục vụ cho việc ăn uống được tổ chức ngay sau đó.
Sau khi kết thúc các nghi thức cúng tế, mọi người tham gia vào các trò hội như ăn uống, tiệc tùng, hát giao duyên, thi tài sử dụng nhạc cụ và các trò chơi dân gian như: vật chày, nhảy lửa, bói lồng gà... Cuộc chơi của người Dao đỏ có thể kéo dài từ đêm tới sáng.
Trò chơi Vật chày trong Lễ hội.
Theo đại diện Sở Văn hóa thể thao và Du lịch Hà Giang, tính đến nay, tỉnh Hà Giang có 10 di sản được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Bao gồm Lễ hội Nhảy lửa của người Pà Thẻn; Lễ cúng tổ tiên của người Lô Lô; Lễ cúng thần rừng của người Pu Péo; Nghi lễ cấp sắc của người Dao; Lễ hội Gầu Tào người Mông; Lễ hội năm mới của dân tộc Giáy; Tết Khu Cù Tê của người La Chí và Tri thức canh tác hốc đá của cư dân cao nguyên đá Hà Giang; Lễ hội Quỹa Hiéng (Lễ hội qua năm) của người Dao đỏ, xã Hồ Thầu, huyện Hoàng Su Phì và Nghi lễ Then của dân tộc Tày.
Nam Yên
Tổng hợp
Nguồn bài viết : Thuật toán bắn cá