Từ nhiều năm nay, xã Quỳnh Hoa, Quỳnh Phụ,Thái Bình duy trì tổ chức cắm trại cho các cháu thiếu nhi vào dịp Trung thu. Anh Vũ Mạnh Tưởng, thôn Bồ Trang cho hay, từ đầu tháng 7, các cháu thiếu nhi đã tập múa, hát để chuẩn bị cho dịp Trung thu này.
Ngày 14 – 15/8 Âm lịch xã sẽ tổ chức cắm trại với các hoạt động như thi hoa phượng đỏ, thi múa tập thể, các trò chơi dân gian... Mỗi thôn sẽ chuẩn bị 1 trại Trung thu. Buổi chiều 15/8 sau khi kết thúc hội trại của xã, mọi người trong thôn sẽ tề tựu về trại của thôn mình, tổ chức ăn uống, phát quà cho các cháu và tổ chức rước đèn, ngắm trăng.
Nhiều khu vực ở tỉnh Nam Định, Thái Bình có tục cắm trại vào dịp Trung thu. (Ảnh minh họa)
“Như trở thành một phong tục, nếp sống nên cứ hễ đến dịp Trung thu, dù bận mấy, thanh niên, người đi làm ăn xa của thôn Bồ Trang lại sắp xếp công việc để về quê, cùng bà con dựng trại cho các cháu”, anh Tưởng cho biết.
Có lẽ vì những hoạt động như vậy nên người dân Quỳnh Hoa có sự gắn kết mật thiết với nhau. Hội đồng hương xã Quỳnh Hoa đã được thành lập ở Hà Nội và có nhiều hoạt động hỗ trợ quê hương.
Chị Nguyễn Hải Hà (Bảo hiểm Bảo Việt Việt Nam) cho biết ngày Trung thu năm nào cũng là gặp mặt của họ nội nhà chị ở Trai Trang, Yên Mỹ, Hưng Yên.
Chị Hà kể, ông bà nội chị có 7 người con. Bà nội mất sớm, 1 mình ông ở vậy nuôi các con ăn học. Tính đến hàng cháu nội của ông, hiện nay có khoảng 30 gia đình. Vào ngày Trung thu hàng năm, các con cháu nội ngoại đều cố gắng dành thời gian về đoàn tụ cùng gia đình. Nhân dịp này các con cháu học giỏi, đỗ đại học, đạt thành tích... đều được ông tặng quà và được mọi người trong họ chúc mừng.
“Mỗi dịp Trung thu là họ nhà mình lại tấp nập, vui nhộn như Tết. Phải chuẩn bị đến 20 mâm cỗ mới đủ cho các con cháu. Trong ngày này, ông nội thường kể lại chuyện gia đình, rồi nhắc, động viên con cháu chăm chỉ làm việc, học hành. Bữa cơm đoàn viên Trung thu rất vui vẻ, là dịp mọi người có thể gặp nhau, chia sẻ, hỏi han công việc cũng như cuộc sống. Vì thế, 30 gia đình nhỏ trong họ mình rất đoàn kết, gắn bó với nhau. Các con cháu ông đều đỗ đạt, thành công và nhiều người có chức vụ cao”, chị Hà tâm sự.
Như đã thành thông lệ, cứ đến dịp Trung thu, gia đình anh Nguyễn Xuân Phán (Ban Tổ chức Trung ương) chuẩn bị đồ đạc lên đường về quê ngoại ở Thị trấn Cao Thượng, Tân Yên, Bắc Giang.
Trung thu là dịp sum họp gia đình. (Ảnh minh họa)
“Ông bà nội đã mất từ lâu rồi. Mười mấy năm nay, Tết Trung thu nào vợ chồng, con cái cũng khăn gói lên đường về quê ngoại. Ở quê ngoại, ngày Trung thu được trang hoàng rất lộng lẫy như ngày Tết Âm lịch. Ông bà ngoại, gia đình anh vợ và gia đình mình sẽ có 1 bữa cơm ấm cúng sau đó cả nhà cùng nhau bày mâm phá cỗ, tổ chức đón Trung thu”, anh Phán cho biết.
Cũng theo anh Phán, 2 người con của anh luôn hào hứng với hoạt động này. Con lớn dù đã học lớp 8 nhưng cũng rất thích được về quê phá cỗ, trông trăng. Theo anh Phán, Trung thu không chỉ là cơ hội đoàn tụ gia đình mà còn là dịp anh chị khơi gợi trong các con tình yêu quê hương, đất nước, giữ gìn truyền thống tốt đẹp của cha ông.
Mặc dù là giám đốc 1 cơ sở sản xuất gỗ lớn, bận rộn nhưng chưa năm nào anh Đoàn Văn Trường lại không đưa con cái về quê đón Tết Trung thu. Không tổ chức thi hoành tráng như ở xã Quỳnh Hoa, Thái Bình, nhưng ở quê anh Trường vẫn duy trì tục cắm trại dịp Trung thu.
Anh Trường kể, cứ đến ngày 14 âm lịch là 5–6 gia đình gần nhau sẽ cắm 1 trại. Trại nào cũng được trang trí lộng lẫy, có ti vi, có loa đài. Cả khu phố mới Tân Giang, Nam Thanh, Nam Trực, Nam Định có đến chục trại như vậy. Tối 14 các gia đình sẽ tổ chức ăn mặn. Sau đó chuẩn bị mâm cỗ cho các cháu nhỏ.
“Mỗi cháu bé đều chuẩn bị 1 chiếc đèn thật đẹp. Có thể là đèn cù, đèn ông sao hay đèn lồng. Sau đó trẻ em ở các trại tập trung tại 1 khu và bắt đầu rước đèn quanh khu phố. Các con tôi rất thích những hoạt động này. Năm nào các cháu cũng háo hức được về đón Trung thu ở quê. Đây cũng là ngày anh chị em trong gia đình tôi sum họp, chúc sức khỏe bố mẹ”, anh Trường nói.
Linh Giang
Nguồn bài viết : CMD Thể Thao