Tục thờ cá ông ở vùng biển Cửa Hội, Nghệ An

2025-01-17 19:21:32

Theo tư liệu sắc phong thì đền Làng Hiếu được xây dựng từ triều Lê. Đền là nơi hợp tự thờ các vị thần, phật, ngoài ra, đây còn là nơi chôn cất hài cốt thần cá. Bên phải đền, ở phía ngoài có một khoảng đất rộng dành riêng làm khu lăng mộ của thần cá. Ở phía chính giữa là hài cốt thần cá. Trên lăng là nhà có 2 tầng chồng diêm, mái ngói đỏ tươi uốn đầu đao 4 góc. Trong lăng có đặt bệ thờ, chính giữa là bài vị thần Ngư; phía sát mái có đề 3 chữ Hán "Lăng Thần Ngư". Ngoài ra, ở đây còn có một hệ thống gồm 89 ngôi mộ thờ “thần cô, thần cậu” tức là các con của thần cá.

“Cá ông” (cá Voi) được người dân ở đây tôn thờ như đấng linh thiêng đã cứu ngư dân thoát chết ngoài biển khơi. Nhiều câu chuyện kỳ bí về “cá ông” cứu nạn được các bậc tiền nhân kể lại.

Chuyện kể rằng, ngày trước có một nhà giàu ở trấn Nghệ An, làm nghề lái buôn, hay làm việc thiện. Ông thường cho thuyền từ Cửa Hội đi vào trong Nam, ngoài Bắc chở hàng về bán lấy tiền cứu người nghèo. Một hôm, thuyền đang giương buồm quay về Cửa Hội thì tên vừa được thuê chèo thuyền mới lộ bộ mặt thật là tay trộm cướp, nhân đêm tối đã đẩy ông chủ xuống biển. Người lái buôn chìm nổi trong làn sóng dữ thì đụng một con cá lớn, liền bám vào. Cá liền giương vây bơi nhanh như tên bắn. Đến nửa đêm, cá nghiêng mình thả người lái buôn xuống biển Cửa Hội. Người lái buôn cúi đầu tạ ơn cá, rồi tìm đường về... Sau đó, người lái buôn dựng nhà nơi Cửa Hội và thường vớt xác “cá ông” trôi dạt vào bờ để chôn cất, thờ cúng cẩn thận.

Đền làng Hiếu (phường Nghi Hải, thị xã Cửa Lò, Nghệ An) có lịch sử hơn 300 năm.

Ông Trần Bạch Mai (82 tuổi, Trưởng Ban quản lý đền Làng Hiếu) kể, vùng Cửa Hội thường xuất hiện một “cá ông” to như chiếc tàu, đã cứu vớt được rất nhiều ngư dân gặp nạn. Khi “cá ông” này mất, xác trôi vào bờ, phải dùng tới 30 đôi chiếu mới đắp mà vẫn không hết. Lễ an táng “cá ông” được dân làng tổ chức rất to. Bộ xương được cất táng vào lăng chính của khu nghĩa trang ngư ông cạnh đền Làng Hiếu và gọi là ngọc cốt, được tôn thờ như thần của dân Làng Hiếu.

Hồn của thần cá theo lễ rước hàng năm của dân vạn chài ra biển Cửa Hội để hóa vào đàn cá voi hậu duệ chuyên cứu giúp người dân gặp nạn trên Biển Đông. Về sau hồn của Ngài quy tụ hóa thành phiến đá lớn trôi nổi ngoài Lạch Hội. Một chủ thuyền đi đánh cá trông thấy phiến đá như hình dáng một con cá voi dạt vào mạn thuyền, bèn vớt lên đưa vào bờ, dân làng làm lễ rước Ngài vào dựng trước khu lăng mộ thần Ngư Ông và các thần cô, thần cậu. Dân biển thường thắp hương cầu xin đều được phù hộ yên ổn, làm ăn phát đạt.

Ngư dân coi cá voi là linh ngư ở Biển Đông và tôn kính gọi là Cá Ông, Ngư Ông, hay thần Nam Hải. Bởi vì cá voi thường giúp đỡ các ngư dân gặp nạn ngoài khơi. Ngư dân ở đây quan niệm, tuyệt đối không săn bắt và ăn thịt cá voi. Mỗi lần gặp cá voi mắc cạn đều ra sức cứu giúp và đưa cá ra biển. Khi cá đã ra biển, ngư dân còn tung gạo, muối xuống để cá voi có lương thực trở về biển an toàn. Khi gặp cá voi chết và dạt vào bờ, người dân nơi đây xem đó là điềm lành, là phúc đến, bởi mảnh đất này được thần cá chọn làm nơi yên nghỉ, được thần cá tin tưởng phó thác việc an táng.

Lễ hội của đền được tổ chức hai năm một lần vào rằm tháng ba âm lịch. Gắn liền với lễ hội là lễ rước kiệu thần từ đền ra biển và lễ cầu ngư để cầu xin 1 năm mưa thuận, gió hoà, được mùa đánh bắt hải sản.

Linh Giang

Tổng hợp

Nguồn bài viết : Lô đề

Top