Phong tục giỗ Bác Hồ ngày 2/9

2025-01-17 19:21:32

Tại tỉnh Trà Vinh, 45 năm nay, gia đình cụ Cao Văn Đằng (khóm 9, thị trấn Càng Long) vẫn thầm lặng tự tổ chức lễ giỗ cho Bác. Sau khi cụ Đằng mất, mỗi năm đến ngày 2/9, các con của cụ vẫn đều đặn thắp nén nhang và nấu một ít món ăn dâng lên Bác để bày tỏ lòng thành kính.

Đã thành truyền thống hàng năm, lễ kỷ niệm ngày Quốc khánh 2/9 được chính quyền và nhân dân Càng Long tổ chức trang trọng gắn với ngày giỗ Bác Hồ.

Ông Kim Phước Hiền ở ấp Long Hội xã Tân An, Càng Long tâm sự: “Từ sau ngày Bác mất, hàng năm đến ngày Quốc khánh 2/9, gia đình đều tổ chức ngày lễ giỗ Bác Hồ như cách thể hiện lòng tôn kính với vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc. Cũng nhờ Bác soi đường dẫn lối để cho đồng bào được sinh sống dễ dàng, cha tôi cũng nói rằng tất cả chúng ta đứng trong đất nước Việt Nam phải kính thờ Bác, công ơn của Bác không thể nào kể hết. Vì thế, hàng năm chúng tôi làm mâm cơm cúng để ghi nhớ công ơn Bác Hồ”.

Tại ngôi nhà số 6B đường Đinh Bộ Lĩnh, phường Phú Cường, Thị xã Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương, chính quyền địa phương cùng gia đình ông Nguyễn Hậu Tài và người dân trang trọng tổ chức lễ giỗ Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ thiên tài của dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới vào mỗi dịp 2/9. Đây là lễ giỗ do ông Nguyễn Hậu Tài tổ chức nhiều năm nay.

Ông cho biết sẽ gìn giữ lễ giỗ này hàng năm và con cháu ông sẽ tiếp tục thay ông gìn giữ lễ giỗ khi ông không còn điều kiện sức khỏe. Ngoài ra, trong nhiều năm tổ chức lễ giỗ Bác, ông Hậu còn kết hợp tổ chức tọa đàm Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

Ông Phạm Văn Sinh, thôn 3, xã Ngọc Liên (Ngọc Lặc) dọn dẹp chuẩn bị cho ngày Tết Độc lập. (Ảnh: Xuân Cường)

Trong khi đó, ngày 2/9, hàng trăm người dân cù lao Tân Phong (Tiền Giang) mang gà, vịt, thịt, cá… đến nhà ông Trần Thanh Bình tổ chức nấu, nướng dâng lễ vật cúng giỗ Bác Hồ.

Năm 1998 ông Bình bắt đầu làm giỗ Bác vào dịp 2/9. Đến năm 2014, được sự hỗ trợ của người thân và con cháu, ông đã xây dựng khu nhà để thờ Bác Hồ. Ngôi nhà được xây dựng với diện tích 45m2, mái lợp ngói, nền lát gạch men. Phía giữa nhà ông Bình cho xây dựng một bậc thờ tam cấp, cao hơn 1,6m, rộng 1,5m. Phía trong bậc tam cấp là bức tường được thiết kế hình ngôi sao năm cánh, trong đó có nhiều hoa văn, văn hóa tượng trưng cho 54 dân tộc anh em và bản đồ Việt Nam.

Ông Tám Bình giải thích về bậc tam cấp: “Phía trên để thờ thân sinh của Bác Hồ, cụ Nguyễn Sinh Sắc; cấp thứ hai để thờ Bác Hồ và cấp thứ ba thờ Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng các anh hùng liệt sĩ...”

Ông hy vọng, đây sẽ là nơi giáo dục truyền thống cho các em thiếu nhi, học sinh. Ông mong muốn, các cấp chính quyền địa phương cũng như người dân luôn luôn ghi nhớ công lao của Bác và là động lực để giúp quê hương, đất nước phát triển.

Từ nhiều năm nay, cứ đến chiều ngày 1/9, bà Nguyễn Thị Lan (Hồng Châu, TP Hưng Yên, Hưng Yên) lại đi chợ sắm sửa hoa quả, đồ cúng để chuẩn bị cho ngày giỗ Bác vào sáng 2/9. Bà Lan cho hay, mỗi năm vào ngày 2/9, nhà bà lại sắm sửa mâm cơm thắp hương Bác Hồ, để tưởng nhớ công lao to lớn của "Người cha già dân tộc" đối với nhân dân Việt Nam. Đây cũng là dịp cả gia đình sum họp, đoàn viên.

Có thể nói, từ đỉnh Lũng Cú, cho tới đất mũi Cà Mau, từ đất liền ra tới hải đảo, phong tục làm giỗ Bác vào ngày 2/9 của nhiều gia đình đã trở thành nét văn hóa truyền thống không thể phai mờ. Trong nhiều gia đình Việt, bàn thờ tổ tiên cũng là bàn thờ Bác để thể hiện tấm lòng thành kính, biết ơn và yêu thương vô bờ bến đối với Bác vì Bác đã sống trọn đời vì nước vì dân, vì Bác “đã làm rạng rỡ dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước ta”.

Nam Yên

Tổng hợp

Nguồn bài viết : ON Trực Tuyến

Top