Giải quyết các điểm nghẽn, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

2025-01-21 17:39:51

Kỳ họp thứ 10, Hội đồng nhân dân tỉnh Tây Ninh khóa X, nhiệm kỳ 2021 - 2026 đã thông qua 28 Nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội cho năm 2024 và những năm tiếp theo, trong đó có Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024.

Đối với Nghị quyết này, tỉnh xác định tập trung ưu tiên, thúc đẩy phát triển kinh tế, phấn đấu đạt mức tăng trưởng cao hơn mức bình quân chung của cả nước, cơ cấu lại nền kinh tế thực chất, hiệu quả hơn...

Quang cảnh Kỳ họp. Ảnh: Giang Phương/TTXVN

Để đạt được mục tiêu các Nghị quyết đã đề ra, Tây Ninh xác định sẽ tăng cường liên kết vùng, triển khai các chương trình hợp tác đã ký kết với các đơn vị, địa phương, nhất là hợp tác phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng giao thông, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội giữa các địa phương; hoàn thành đồ án quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài, tỉnh Tây Ninh đến năm 2045 và điều chỉnh đồ án Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Xa Mát, huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh đến năm 2045. Tỉnh tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh; nỗ lực giải quyết các điểm nghẽn, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế...

Nhận định triển khai thực hiện nhiệm vụ năm 2023 còn những tồn tại, hạn chế cần khắc phục để năm 2024 thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh tốt hơn, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Tây Ninh Nguyễn Thành Tâm đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh, các cấp, các ngành, đặc biệt là người đứng đầu, tập trung khắc phục những hạn chế, yếu kém, nâng cao hiệu quả công tác, lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý điều hành, xác định rõ trách nhiệm, sớm cụ thể hóa, triển khai đồng bộ, linh hoạt, sáng tạo Nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; tập trung chỉ đạo, nhanh chóng cụ thể hóa, triển khai thực hiện các Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh, đảm bảo tính kịp thời, đồng bộ và hiệu quả, sớm đưa Nghị quyết đi vào cuộc sống.

Chiều 8/12, Kỳ họp thứ 20 Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Ngãi khóa XIII nhiệm kỳ 2021-2026 hoàn thành nội dung chương trình đề ra.

Quang cảnh kỳ họp. Ảnh: Đinh Hương/TTXVN

Theo báo cáo của UBND tỉnh Quảng Ngãi, việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 gặp nhiều khó khăn, thách thức. Song với quyết tâm, nỗ lực lớn, Quảng Ngãi đã đạt được kết quả tích cực, hoàn thành đạt và vượt kế hoạch 24/25 chỉ tiêu chủ yếu.

Năm 2024, tỉnh đề ra 25 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội như: tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) từ 2,5 - 3%; GRDP bình quân đầu người khoảng 4.460 USD; vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn đạt khoảng 38 - 39 nghìn tỷ đồng; tỷ lệ đô thị hóa đạt 38,5%; phấn đấu thu ngân sách vượt mức chỉ tiêu Trung ương giao trên 5%; tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm 1,58 - 1,6%...

Để đảm bảo hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, tạo bứt phá để hoàn thành Kế hoạch 5 năm 2021 - 2025, UBND tỉnh tiếp tục tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện 4 nhiệm vụ trọng tâm và 3 nhiệm vụ đột phá  theo Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX...

Tại kỳ họp, các đại biểu thảo luận, thống nhất thông qua 30 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội, về kế hoạch đầu tư phát triển và phân bổ vốn, về cơ chế, chính sách, về chủ trương đầu tư các dự án, về nhóm nghị quyết thường niên và các nội dung quan trọng khác. Đặc biệt, kỳ họp đã dành thời gian để thực hiện hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn với 2 nhóm vấn đề được nhiều cán bộ, cử tri địa phương quan tâm là tài nguyên khoáng sản và dự án chậm tiến độ.

Kỳ họp thứ 17, Hội đồng nhân dân tỉnh Hòa Bình khóa XVII, nhiệm kỳ 2021-2026 đã bế mạc vào chiều 8/12.

Toàn cảnh phiên họp bế mạc chiều 8/12/2023. Ảnh: Trọng Đạt/TTXVN

Kỳ họp đã thông qua 49 Nghị quyết quan trọng có tác động lớn đến phát triển kinh tế-xã hội và đời sống nhân dân trong tỉnh. Hội đồng nhân dân tỉnh Hòa Bình cũng đã biểu quyết miễn nhiệm với một Ủy viên Ủy ban nhân dân tỉnh theo luật định.

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hòa Bình Bùi Đức Hinh nhấn mạnh, năm 2024 là năm bản lề, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ của cả nhiệm kỳ theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021 - 2025, đòi hỏi tỉnh phải tập trung huy động các nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội, đặc biệt là các dự án trọng điểm của tỉnh; chú trọng cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh và hoạt động xúc tiến đầu tư; triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp và nhà đầu tư....

Ngày 8/12, Kỳ họp thứ 14 Hội đồng nhân dân tỉnh Đồng Nai khóa X, nhiệm kỳ 2021 - 2026 đã hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình đề ra.

Bế mạc Kỳ họp, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Đồng Nai Thái Bảo cho biết, tại kỳ họp này, Hội đồng nhân dân tỉnh đã thông qua 33 nghị quyết; tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với 23 người giữ chức vụ do HĐND tỉnh bầu. Công tác lấy phiếu tín nhiệm được chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng và thực hiện chặt chẽ theo đúng quy trình, quy định của Đảng, pháp luật Nhà nước, bảo đảm dân chủ, minh bạch, công tâm và khách quan.

Thực hiện chức năng xây dựng tổ chức bộ máy, Hội đồng nhân dân tỉnh tỉnh đã miễn nhiệm 2 ủy viên và bầu bổ sung 2 ủy viên UBND tỉnh.

Chủ tịch HĐND tỉnh Đồng Nai Thái Bảo nêu 6 nhiệm vụ trọng tâm đề nghị UBND tỉnh, các sở, ngành, địa phương tập trung thực hiện nhằm hoàn thành tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2024.

Theo ông Võ Tấn Đức, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, năm 2023, trong số các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, có 9 chỉ tiêu vượt Nghị quyết, 14 chỉ tiêu đạt Nghị quyết và có 8 chỉ tiêu không đạt mục tiêu Nghị quyết. Các chỉ tiêu không đạt gồm: tăng trưởng kinh tế (GRDP) đạt 5,3% (mục tiêu 7,5 - 8,5%); GRDP bình quân đầu người; kim ngạch xuất khẩu; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội; tổng thu ngân sách; tỷ lệ lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội; tỷ lệ lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm thất nghiệp và tỷ lệ hệ thống thông tin trong cơ quan Nhà nước được phê duyệt theo cấp độ an toàn. Công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư của Đồng Nai chưa đáp ứng được yêu cầu về tiến độ thực hiện lập quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050.

Kết quả lấy phiếu tín nhiệm đối với 23 người giữ chức vụ do Hội đồng nhân dân tỉnh bầu đã được công bố. Người có số phiếu tín nhiệm cao nhiều nhất là Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Thái Bảo với 67 phiếu, đạt 95,7%. Người có số phiếu tín nhiệm cao thấp nhất là Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Lại Thế Thông với 49 phiếu, đạt 70%.

Ngày 8/12, Kỳ họp lần thứ 17, Hội đồng nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu khóa VII (nhiệm kỳ 2021 - 2026) đã kết thúc sau hai ngày làm việc, thông qua 31 Nghị quyết quan trọng, làm cơ sở, nền tảng quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 của tỉnh.

Quang cảnh kỳ họp. Ảnh: Đoàn Mạnh Dương/TTXVN

Kỳ họp đã đề ra những phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp lớn, công việc trọng tâm nhằm đạt mục tiêu năm 2024 là: Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 8,5%; thu nhập bình quân đầu người đạt 8.904 USD/người (không tính dầu) với cơ cấu kinh tế tiếp tục theo hướng bền vững. Tỉnh tiếp tục giảm tỉ lệ chi thường xuyên và giành trên 60% chi ngân sách cho đầu tư phát triển, nhằm tạo động lực cho phát triển kinh tế gắn với nâng cao chất lượng cuộc sống người dân...

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Phạm Viết Thanh đánh giá, năm 2023, tình hình kinh tế thế giới phức tạp, “sức khỏe” doanh nghiệp giảm sút nhưng tỉnh đã nỗ lực, quyết liệt tháo gỡ khó khăn, kịp thời ban hành nhiều chính sách và giành nguồn lực lớn phục vụ an sinh xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Bên cạnh đó, công tác cải cách thủ tục hành chính, kỷ luật, kỷ cương hành chính, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã được tăng cường rõ nét. Ông Phạm Viết Thanh yêu cầu UBND các cấp, các Sở ngành, địa phương phát huy những bài học kinh nghiệm tốt của năm 2023 và đặc biệt khắc phục tình trạng “quyết sách đúng - trúng - kịp thời, nhưng triển khai chậm - kém hiệu quả”.

Trước mắt, tỉnh khẩn trương giao chỉ tiêu, kế hoạch với lộ trình, giải pháp cụ thể, trong đó kế hoạch, tiến độ thực hiện nhiệm vụ của năm 2024 phải được ban hành trong tháng 12/2023; hoàn thành việc trình HĐND tỉnh trước 20/2/2024 để quyết định, phân bổ số vốn hơn 5.400 tỷ đồng chưa phân bổ trong Kế hoạch đầu tư công năm 2024; trình HĐND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư các dự án vào tháng 7/2024 làm cơ sở đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026 - 2030.

Đồng thời, tập trung thực hiện các dự án giao thông trọng điểm như: Đường nối vào cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (từ Quốc lộ 56 đến đường ven biển ĐT994), Dự án nâng cấp, mở rộng đường Hội Bài - Phước Tân (ĐT992), Dự án Tỉnh lộ 991 nối dài (từ Quốc lộ 51 đến đường liên cảng Cái Mép - Thị Vải); Dự án chỉnh trang trục đường Thùy Vân (Bãi sau)… bảo đảm khởi công theo kế hoạch đề ra của năm 2024.

Năm 2023, trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước có nhiều khó khăn nhưng các ngành kinh tế của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu vẫn giữ vững đà tăng trưởng ổn định. Một số ngành đạt kết quả nổi bật, vượt chỉ tiêu Nghị quyết đề ra. Tăng trưởng kinh tế trên địa bàn tỉnh (GRDP trừ dầu khí) đạt 5,75%; sản xuất công nghiệp cả năm tăng trưởng dương 4,68%; doanh thu dịch vụ lưu trú tăng gần 14%; doanh thu dịch vụ lữ hành tăng hơn 72%)...

Tổng vốn đầu tư trong và ngoài nước thu hút mới và tăng thêm trong năm quy đổi đạt khoảng 61.628 tỷ đồng, tương đương 2,52 tỷ USD, tăng 26,2% so với cùng kỳ. Hơn 2.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới (tăng 5,58%); 342 doanh nghiệp đăng ký giải thể (giảm 6,3%); có 1.098 doanh nghiệp hoạt động trở lại. Đặc biệt, tính đến hết năm, giá trị giải ngân vốn trên địa bàn tỉnh ước đạt hơn 16.000 tỷ đồng, đạt 95,8%. Tổng thu ngân sách trên địa bàn ước đạt hơn 95.000 tỷ đồng, đạt hơn 107% Nghị quyết đề ra.

Chiều 8/12, tại Kỳ họp thứ 13, HĐND thành phố Cần Thơ khóa X, nhiệm kỳ 2021 - 2026, các đại biểu HĐND thành phố đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc hỗ trợ học phí năm học 2023 - 2024 cho trẻ em, học sinh đang học tại các cơ sở mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông công lập (trừ học sinh Tiểu học), học viên đang học tại các cơ sở giáo dục thường xuyên theo chương trình giáo dục phổ thông thuộc thẩm quyền quản lý của thành phố.

Theo đó, các đối tượng trên được hỗ trợ học phí một lần trong các tháng 9, 10, 11, 12 năm 2023 (bằng 50% mức thu học phí đối với trẻ em, học sinh tại các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập trong niên học 2023 - 2024). Ước tính, tổng kinh phí hỗ trợ khoảng hơn 159 tỉ đồng được lấy từ kinh phí sự nghiệp giáo dục năm 2023 và 2024.

Mục đích của chính sách nhằm kịp thời chia sẻ, giảm bớt khó khăn về tài chính đối với cha mẹ trẻ em, học sinh, học viên trước những khó khăn trong giai đoạn phục hồi kinh tế sau COVID-19; tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho trẻ em, học sinh, học viên đi học, đảm bảo phù hợp bằng khả năng cân đối của ngân sách thành phố.

Năm học 2023 - 2024, thành phố Cần Thơ có khoảng 152.683 trẻ em, học sinh, học viên tại cơ sở giáo dục công lập (không tính học sinh Tiểu học và học sinh thuộc đối tượng được miễn, giảm học phí), trong đó có 93.197 em đang học trên địa bàn các phường, thị trấn; 48.986 em đang học ở địa bàn xã; 9.117 em đang học trên địa bàn phường, thị trấn vùng dân tộc thiểu số và 1.383 em đang học trên địa bàn xã vùng dân tộc thiểu số.

Trong 2 năm học trước, HĐND thành phố Cần Thơ cũng đã ban hành các nghị quyết về việc miễn giảm học phí 100% cho trẻ em, học sinh, học viên tất cả các cấp học. Đây được xem là một trong những chính sách nhân văn của lãnh đạo thành phố Cần Thơ thể hiện sự quan tâm, chia sẻ đối với người dân và ngành Giáo dục bởi nguồn thu ngân sách của thành phố hiện còn gặp nhiều khó khăn, thách thức.

Phóng viên TTXVN tại các địa phương
HĐND Thành phố Hồ Chí Minh thông qua nhiều chính sách mới về giáo dục

Tại phiên bế mạc Kỳ họp thứ 13, Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh khóa X diễn ra chiều 8/12, các đại biểu đã thông qua nhiều Nghị quyết với các chính sách mới trong lĩnh vực giáo dục, trong đó có Nghị quyết về chính sách đặc thù hỗ trợ học phí cho trẻ em mầm non, học sinh phổ thông công lập, ngoài công lập và học viên giáo dục thường xuyên trên địa bàn thành phố, năm học 2023 - 2024.

Nguồn bài viết : Loto miền Bắc

Top