Gìn giữ và phát huy giá trị di sản then

2024-12-21 13:19:12
Bảo vệ và phát huy giá trị đờn ca tài tử
Pháp hỗ trợ gìn giữ các di sản của Việt Nam
Đồng bào Tày, Nùng ở ấp 8, xã Thanh Sơn (H.Định Quán) biểu diễn hát then, đàn tính.

Tại Đồng Nai, thực hành then đã và đang được đồng bào Tày, Nùng từ các tỉnh phía Bắc vào lập nghiệp khôi phục, gìn giữ và phát huy trong đời sống. Đặc biệt ở các huyện Định Quán, Tân Phú…, các CLB hát then đã kết hợp vào phát triển du lịch địa phương.

Duy trì nhiều đội then của đồng bào

Là một trong số những đội hát then thành lập sớm trên địa bàn H.Tân Phú, đội hát then ấp 3 (xã Tà Lài) đã trở thành “ngôi nhà” chung của những người yêu then, đàn tính trên địa bàn. Không chỉ mang đến không khí vui tươi, giúp các thành viên trong đội giải trí sau những ngày làm việc vất vả, mà đội hát then còn góp phần lan tỏa các làn điệu then trong cộng đồng.

Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái được UNESCO ghi danh vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại năm 2019. Ngày 3-9-2022, tỉnh Tuyên Quang đã tổ chức lễ đón bằng ghi danh Thực hành then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam.

Bà Nông Thị Tuyền, đội trưởng đội hát then ấp 3, xã Tà Lài kể, phong trào hát then và biểu diễn phục vụ các hoạt động của ấp, của xã được người Tày, Nùng tổ chức chức từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, phải đến năm 2015, đội hát then mới kiện toàn và chính thức đươc thành lập. Từ hơn 10 thành viên, đến nay đội có gần 20 người tham gia, không phân biệt tuổi tác, giới tính, miễn là có lòng đam mê và tình yêu với văn hóa truyền thống.

Tuy các thành viên thuộc nhiều thành phần khác nhau nhưng đội vẫn duy trì ổn định các buổi tập hằng tuần. “Tại các buổi sinh hoạt, ngoài việc truyền dạy các điệu then cổ, chúng tôi còn tìm tòi, sáng tạo lời mới cho then để then gần và phù hợp hơn với đời sống hiện tại. Hát then có hai dòng chính: then hát và then cúng. Trong khi then hát tập trung vào hát giao duyên những dịp về nhà mới, đám cưới, lễ tết, thì then cúng thường hát vào lễ cầu mùa, giải hạn hoặc mừng thọ. Lời then mộc mạc cất lên cùng tiếng đàn tính giúp người Tày, Nùng thể hiện tình yêu quê hương, niềm tin và hy vọng về một cuộc sống ấm no, hạnh phúc” - bà Tuyền nói.

Theo ông Hoàng Minh Râng, người uy tín dân tộc Tày ấp 3, xã Tà Lài, hơn 30 năm trước, người Tày từ Cao Bằng và một số tỉnh miền núi phía Bắc di cư vào H.Tân Phú sinh sống. Tuy xa quê hương đã lâu nhưng người Tày vẫn giữ nhiều phong tục, sinh hoạt văn hóa truyền thống, trong đó có hát then, đàn tính và múa nhảy sạp.

Việc luyện tập và biểu diễn hát then trên vùng đất mới Tân Phú, Đồng Nai đã và đang mang lại “luồng sinh khí mới”, giúp bà con có thêm động lực để tiếp tục cùng nhau phát triển kinh tế, nâng cao đời sống văn hóa.

Để bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, đồng bào Tày ở ấp 8, xã Thanh Sơn (H.Định Quán) cũng thành lập đội hát then. Bà Hoàng Thị Huyên, đội trưởng đội hát then cho hay, thời gian đầu mới thành lập, đội hát then chỉ có 5 người tham gia. Đến nay, số thành viên tham gia sinh hoạt thường xuyên của đội hơn 15 người và có gần 30 người mới đây đã đăng ký tham gia học hát then cùng với đội.

“Chúng tôi sử dụng nhà văn hóa ở ấp 8 làm điểm luyện tập và biểu diễn. Một trong những điều phấn khởi nhất đó là đội then có sự tham gia của rất nhiều người trẻ, từ học sinh tiểu học, đến đoàn viên thanh niên trên địa bàn ấp. Cũng bởi hoạt động nền nếp, tạo được uy tín nên trong các hoạt động của xã, của huyện, đội hát then ấp 8 thường xuyên đi giao lưu, biểu diễn. Nhờ đó, người Tày mang lời then, tiếng đàn tính của dân tộc của mình giới thiệu đến với cộng đồng” - bà Huyên chia sẻ.

Phát huy nghệ thuật hát then

Ngoài biểu diễn trong các hoạt động phong trào, đội hát then của các huyện: Tân Phú, Định Quán những năm qua được địa phương mời tham gia phục vụ hoạt động phát triển du lịch. Trong đó, đội hát then của ấp 3, xã Tà Lài thường xuyên biểu diễn khi có đoàn khách đến tham quan, trải nghiệm ở Vườn quốc gia Cát Tiên.

Đồng bào Tày, Nùng ở xã Tà Lài (H.Tân Phú) biểu diễn hát then trong dịp đầu xuân.

Đặc biệt, để bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể thực hành then, phòng văn hóa - thông tin các địa phương đã tổ chức tuyên truyền, vận động bà con, những nghệ nhân và người trẻ tham gia vào học hát then và biểu diễn. Đồng thời, phát huy di sản này thông qua các hội diễn, liên hoan và trong phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư. Ngoài ra, Bảo tàng Đồng Nai đã tổ chức nhiều hoạt động sưu tầm, nghiên cứu, kiểm kê các tư liệu, tài liệu, hiện vật liên quan đến đồng bào Tày, Nùng và di sản hát then.

Phó trưởng phòng Văn hóa - thông tin H.Định Quán Thiều Quang Tân cho hay, phong trào văn nghệ hát then của của đồng bào Tày, Nùng tại xã Thanh Sơn đang phát triển. Địa phương luôn khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho đội hát then hoạt động, nhất là trong các dịp lễ, Tết. Trong thời gian tới, địa phương sẽ tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp để vận động người dân tiếp tục gìn giữ và phát huy di sản văn hóa phi vật thể hát then trong cộng đồng. Bên cạnh đó, đẩy mạnh quảng bá giá trị di sản văn hóa hát then đặc trưng của địa phương gắn với phát triển du lịch.

Tọa đàm “Tết Trung thu cổ truyền-Gìn giữ, phát huy và lan tỏa”
Tọa đàm “Tết Trung thu cổ truyền – Gìn giữ, phát huy và lan tỏa” vừa được tổ chức nhằm mục đích góp phần gìn giữ, bảo tồn nét văn hóa độc đáo là Tết Trung thu cổ truyền của dân tộc.
Học tiếng Việt để gìn giữ truyền thống dân tộc
Bà con gốc Việt tại Campuchia dù gặp nhiều khó khăn trong đời sống vẫn luôn cố gắng vươn lên hòa nhập với xã hội sở tại, đồng thời giữ gìn các giá trị truyền thống của dân tộc, trong đó có tiếng Việt. Hiện nay, với sự trợ giúp từ nhiều nguồn lực, việc học tập của con em người gốc Việt tại đây đang có bước chuyển biến mạnh mẽ.
Top