Mỗi năm Bộ Nông nghiệp chi ra khoảng 50 tỉ đồng cho “chương trình giống quốc gia”. Với quyết định của bộ trưởng bộ Nông nghiệp & PTNT, có thể hiểu năm nay, riêng ngân sách nhà nước sẽ chi ra khoảng 50 – 60 tỉ đồng nhập con giống heo. Ảnh TL (minh họa)
Công ty cổ phần chăn nuôi Duy Cường (Đồng Nai) vừa nhập về 80 con heo giống cụ kỵ từ Đan Mạch. Số heo này được vận chuyển bằng máy bay, giá mỗi con về đến cảng hàng không Tân Sơn Nhất tròm trèm 4.000 USD. Ngay sau khi đàn heo hạ cánh an toàn, chúng được vận chuyển trên một chiếc xe tải chuyên dụng về thẳng Đồng Nai. Tại đây, một khu chuồng trại được đầu tư 2 triệu USD với đầy đủ trang thiết bị hiện đại, có máy lạnh chạy phà phà được chuẩn bị sẳn sàng đón đàn heo.
Cách làm của Duy Cường phù hợp với định hướng “đi tắt đón đầu” của bộ Nông nghiệp và PTNT. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng từ nhiều năm nay, Việt Nam phụ thuộc hoàn toàn vào con giống ngoại nhập. Cùng với việc phụ thuộc nguyên liệu thức ăn, thiết bị chuồng trại, thuốc thú y, kỹ thuật chăn nuôi, việc phải chi tiền nhập con giống càng làm cho ngành chăn nuôi yếu thế trong cạnh tranh…
Chi chục triệu đô la nhập con giống
Ở Việt Nam, ngoài công ty Duy Cường chỉ còn có thêm một doanh nghiệp nội địa (cũng ở Đồng Nai) có đủ tiềm lực tài chánh đứng ra nhập heo giống cụ kỵ từ nước ngoài. Với các doanh nghiệp nội địa khác và hàng triệu hộ chăn nuôi không có khả năng tài chánh, đành phải mua con giống của các doanh nghiệp FDI. Trên thực tế, bản thân các doanh nghiệp nước ngoài khi đầu tư vào Việt Nam cũng nhập con giống từ tập đoàn mẹ chứ họ không đầu tư trung tâm giống ở Việt Nam. Thành ra, dù là doanh nghiệp bản địa hay ngoại quốc, khi đầu tư vào chăn nuôi, tất cả đều đang phụ thuộc hoàn toàn vào con giống nhập khẩu.
Ông Âu Thành Long, giám đốc công ty Duy Cường cho biết, những năm trước công ty phải chi ra hàng tỉ đồng mỗi năm mua con giống bố mẹ của công ty C.P Việt Nam với giá 7,5 triệu đồng/con 100 kg. Trong đó có 2,5 triệu đồng tiền bản quyền con giống, còn lại là tiền heo hơi. Vòng đời khai thác con heo bố mẹ khá ngắn, chỉ được hai năm, sau đó phải bán thịt. Bên cạnh đó, năng suất heo sinh sản cũng thấp hơn các nước, một năm đẻ một lứa trung bình 22 – 25 con trong khi người ta làm được 30 – 35 con/lứa/năm.
“Tiền bỏ ra mua heo giống quá cao và thường xuyên bị động vì phải đặt trước mới có”, ông Long nói. Nay, với việc bỏ ra hơn 2 triệu USD đầu tư chuồng trại, nhập con giống cụ kỵ, Duy Cường tính toán có thể tạo ra khoảng 6.000 con heo bố mẹ trong hai năm tới. Từ số heo bố mẹ này, công ty còn tạo ra thêm hàng chục ngàn con heo thương phẩm trong tương lai. “Lúc đó chi phí heo giống trên giá thành chăn nuôi chỉ còn hơn 4.000 đồng/kg, điều này sẽ góp phần giảm tối đa tổng chi phí của mỗi ký heo thịt, đủ sức cạnh tranh với thịt ngoại nhập”, ông Long nhận định.
Trung bình mỗi năm Việt Nam bỏ ra hàng chục triệu USD nhập khẩu con giống phục vụ chăn nuôi. Năm 2014, số tiền mà chúng ta chi lên đến gần 10 triệu USD để nhập 2.282 con heo cụ kỵ (kim ngạch 2,5) và khoảng 1,7 triệu con gà bố mẹ (kim ngạch hơn 7 triệu USD). Chưa kể, hàng trăm triệu USD do các công ty sữa chi ra nhập khẩu con giống bò sữa, bò thịt.
Cả Bộ Nông nghiệp, các chuyên gia đầu ngành và doanh nghiệp đều đang có chung quan điểm Việt Nam nhập khẩu con giống là cách làm khôn ngoan, mang lại hiệu quả nhanh nhất cho ngành chăn nuôi bởi con giống bản địa không đáp ứng được năng suất, chất lượng và phòng vệ bệnh tật.
Trong cuộc họp mới đây với các doanh nghiệp chăn nuôi nhằm tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn, người đứng đầu ngành nông nghiệp, ông Cao Đức Phát cũng đồng ý với phương án nhập con giống như là một cách tiếp cận “đi tắt đón đầu” công nghệ lai tạo giống tiên tiến của thế giới. “Giao cho các viện, trường, các trung tâm giống của nhà nước làm rất chậm nên tôi quyết định sử dụng ngân sách hỗ trợ hàng năm cho những nơi này để nhập khẩu con giống về sử dụng”, ông Phát nói.
Khuyến khích lệ thuộc?
Cả Bộ Nông nghiệp, các chuyên gia đầu ngành và doanh nghiệp đều đang có chung quan điểm Việt Nam nhập khẩu con giống là cách làm khôn ngoan, mang lại hiệu quả nhanh nhất cho ngành chăn nuôi bởi con giống bản địa không đáp ứng được năng suất, chất lượng và phòng vệ bệnh tật. Ảnh TL (minh họa)
Mỗi năm Bộ Nông nghiệp chi ra khoảng 50 tỉ đồng cho “chương trình giống quốc gia”. Với quyết định của bộ trưởng bộ Nông nghiệp & PTNT, có thể hiểu năm nay, riêng ngân sách nhà nước sẽ chi ra khoảng 50 – 60 tỉ đồng nhập con giống heo.
Hiện nay ở cấp trung ương, Việt Nam có viện chăn nuôi, có các trường trực thuộc bộ Nông nghiệp & PTNT; các tỉnh có trung tâm giống, có viện nghiên cứu khu vực… cũng do bộ quản lý. Nơi đây được quy tụ đầy đủ các giáo sư, tiến sỹ đầu ngành về chăn nuôi. Hàng năm ngân sách nhà nước chi hàng trăm tỉ đồng trả lương, mua sắm thiết bị, phục vụ công trình nghiên cứu khoa học, nhưng, nhiệm vụ lai tạo con giống mang “bản sắc Việt” dường như là… quá sức với họ.
Theo các chuyên gia, một trong những lý do khiến giá thành chăn nuôi ở Việt Nam không thể cạnh tranh là do chúng ta đang phụ thuộc hoàn toàn vào con giống nhập khẩu. Điều này có lỗi một phần ở nhà làm chính sách cũng như các viện, trường, trung tâm lai tạo giống quá yếu kém, làm không hiệu quả.
T.S Kiều Minh Lực, chuyên gia di truyền giống heo từng có nhiều năm tu nghiệp ở Nhật, hiện đang làm việc tại một công ty chăn nuôi nước ngoài ở Việt Nam nói những năm gần đây các công ty nước ngoài đang cố gắng lai tạo giống heo “mang bản sắc Việt” chứ thực tế họ không còn bỏ tiền để nhập cả đàn heo cụ kỵ như cách mà một số công ty nội địa và bộ Nông nghiệp & PTNT đang khuyến khích làm. Ngay cả khi nhập con giống cụ kỵ thì thời gian khai thác tối đa cũng chỉ được ba bốn năm là thoái hóa chứ không thể kéo dài lâu hơn. Do đó, trên cơ sở nguồn gen nhập khẩu từ các quốc gia có ngành chăn nuôi heo phát triển như Mỹ, Đan Mạch, Đức…, T.S Lực tiết lộ các công ty sẽ lai tạo với giống heo lai bản địa để cho ra dòng heo phù hợp với điều kiện chăn nuôi ở Việt Nam.
“Chúng ta có can thiệp vào quá trình cấy gen lai tạo heo giống thì mới tạo ra được những con heo có chất lượng thịt tốt, phù hợp với nhu cầu tiêu thụ ở Việt Nam được”, ông Lực nói thêm. Với cách làm này, ông Lực còn cho biết có thể tiết kiệm chi phí gấp nhiều lần so với nhập heo cụ kỵ, trong khi năng suất, giá thành vẫn đảm bảo so với đồng vốn đầu tư.
Minh Hoa- TGTT
Nguồn bài viết : Bóng đá Việt Nam