Chính sách bảo hiểm xã hội đóng vai trò quan trọng đảm bảo an sinh xã hội trong bối cảnh COVID-19

2025-01-17 19:21:27
Chính sách bảo hiểm xã hội đóng vai trò quan trọng đảm bảo an sinh xã hội trước Covid -19
Hơn 1,3 triệu người lao động hưởng hỗ trợ từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp

Ngày 09/4/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 42/NQ-CP và Nghị quyết số 154/NQ-CP ngày 19/10/2020 về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19. Kết quả đã thực hiện được hơn 33 ngàn tỷ đồng cho gần 14,5 triệu đối tượng bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19.

Nhiều chính sách hỗ trợ người lao động, đặc biệt là phụ nữ, trẻ em bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 (Ảnh minh hoạ)

Trước tác động nặng nề của đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ 4 (kể từ 27/4/2021), Chính phủ tiếp tục ban hành Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19. Nghị quyết số 68/NQ-CP đã đưa ra 12 chính sách hỗ trợ.

Đáng chú ý là chính sách giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Cụ thể, người sử dụng lao động được áp dụng mức đóng bằng 0% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trong 12 tháng (thời gian từ ngày 1/7/2021 đến hết ngày 30/6/2022) cho người lao động thuộc đối tượng áp dụng chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Người sử dụng lao động hỗ trợ toàn bộ số tiền có được từ việc giảm đóng Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho người lao động phòng chống đại dịch COVID-19.

Chính sách tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất được quy định tại Nghị quyết số 68/NQ-CP nêu rõ: người sử dụng lao động đã đóng đủ bảo hiểm xã hội hoặc đang tạm dừng đóng vào Quỹ hưu trí và tử tuất đến hết tháng 4/2021 mà bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 dẫn đến phải giảm từ 15% lao động tham gia bảo hiểm xã hội trở lên so với thời điểm tháng 4/2021 thì người lao động và người sử dụng lao động được tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất 6 tháng kể từ thời điểm nộp hồ sơ đề nghị.

Nghị quyết số 68/NQ-CP cũng đưa ra chính sách hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động. Cụ thể, người sử dụng lao động được hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp khi đóng đủ bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động từ đủ 12 tháng trở lên tính đến thời điểm đề nghị hỗ trợ... Mức hỗ trợ tối đa là 1.500.000 đồng/người lao động/tháng và thời gian hỗ trợ tối đa 6 tháng. Hồ sơ đề nghị hỗ trợ được nộp trong thời gian từ ngày 1/7/2021 đến hết ngày 30/6/2022.

Kết quả triển khai đến nay, nhóm chính sách bảo hiểm có tổng kinh phí hỗ trợ là gần 5,1 nghìn tỷ đồng (chiếm 30,6% kinh phí dự kiến chính sách về bảo hiểm của Nghị quyết 68), hỗ trợ cho 378.690 đơn vị sử dụng lao động và trên 11,57 triệu người lao động. Cơ quan bảo hiểm xã hội đã rà soát và thông báo cho 378.060 đơn vị sử dụng lao động với gần 11,46 triệu người lao động được giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp từ tháng 7/2021 đến hết tháng 6/2022 với tổng số tiền (tạm tính) khoảng 4.322 tỷ đồng.

Chính sách tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất cũng đã được thực hiện tại 54/63 tỉnh, thành phố trong cả nước với tổng số 630 đơn vị sử dụng lao động và 113.444 người lao động, tổng kinh phí 777 tỷ đồng (chiếm 9,2% kinh phí dự kiến ban đầu của chính sách này).

Gần đây nhất, ngày 24/9/2021, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 116/NQ-CP về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp. Người lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 được hỗ trợ bằng tiền từ kết dư Quỹ bảo hiểm thất nghiệp. Nghị quyết số 116/NQ-CP cũng quy định giảm mức đóng vào Quỹ bảo hiểm thất nghiệp cho người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19. Dự kiến khoảng hơn 13 triệu lao động và khoảng 386 nghìn đơn vị sử dụng lao động được thụ hưởng chính sách hỗ trợ từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp.

Bên cạnh đó, với việc tổ chức thực hiện các chính sách kịp thời, giảm tối thiểu các thủ tục hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, do vậy các gói hỗ trợ nêu trên đã kịp thời đến với người dân, người lao động và doanh nghiệp để có thể vượt qua những khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch.

Các tổ chức xã hội đóng góp nhiều ý kiến cho dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình sửa đổi
Toàn cảnh bức tranh kinh tế - xã hội trong 10 tháng năm 2021

Nguồn bài viết : Thống kê XSMT

Top