Các gia đình tam, tứ đại đồng đường của người Việt thể hiện sự gắn bó tình cảm theo huyết thống, rất đáng trân trọng và gìn giữ. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại, con người thường chạy theo lối sống thực dụng, ích kỷ nên các thành viên có xu hướng xa rời nhau. Muốn duy trì được nếp sống theo mô hình đa thế hệ thì mỗi nhà đều có những bí quyết riêng để giữ sự hòa thuận, công bằng.
Ăn cùng 1 mâm, tiêu tiền 1 túi
Gia đình ông Nguyễn Văn Giáo ở Yên Phú, Yên Mỹ, Hưng Yên có 4 thế hệ với 24 người. Trong đó, 5 trai, 1 gái, 1 anh con nuôi, 13 cháu nội ngoại và 3 chắt. Hàng ngày, họ làm chung, ăn cùng mâm nhưng vẫn giữ được sự hòa thuận, trong ấm ngoài êm. Ngoài ra, mọi khoản thu nhập của các thành viên đều thu về một túi.
Ảnh chụp đại gia đình ông Nguyễn Văn Giáo
24 người nhà ông Giáo cùng sinh sống tập trung tại khu đất gồm 5 biệt thự liền kề. Điều đặc biệt là tất cả được thiết kế giống nhau từ ngoài tới trong. Ông cho biết, gia đình xây nhà tại một chỗ vì không muốn các con có sự xa cách. Trong đó, vợ chồng ông sống cùng anh con trưởng ở nhà chính giữa, 4 người em 2 bên, cùng bao bọc, che chở lẫn nhau.
Ông Giáo xây 5 biệt thự liền kề, chung vách cho các con
Ông Giáo năm nay đã 77 tuổi nhưng vẫn nhanh nhẹn. Mọi nguồn thu chi trong gia đình do ông quản lý. Tất cả các thành viên đều làm chung việc, số tiền kinh doanh, buôn bán được sẽ thu về 1 túi. Hàng tháng, ông chi cho mỗi nhà vài triệu để lo chuyện hiếu hỷ, học hành của con cháu. Còn lại là dùng vào những công việc lớn như làm nhà, đầu tư sản xuất.
Ông Giáo cùng con trai út làm ở xưởng mộc của gia đình
Là người “cầm cân nảy mực” trong gia đình nên ông Giáo luôn đảm bảo nguyên tắc công bằng. Vì vậy mà 4 thế hệ cùng chung sống mấy chục năm chưa ai phàn nàn về chuyện phân chia tài sản.
Bên cạnh việc tiêu tiền chung, ông Giáo còn gây dựng việc ăn cùng mâm trở thành nếp nhà. Mỗi ngày, các thành viên trong gia đình nếu không bận đi làm hay đi học xa đều có mặt ở bếp ăn tập thể để dùng bữa. Ai cũng tự giác tham gia, hỗ trợ cơm nước, nếu anh chị nấu cơm thì em rửa bát.
Bữa cơm đông dủ của gia đình ông Giáo
Không chỉ nhà ông Giáo duy trì việc ăn chung mâm, mà nhiều gia đình đa thế hệ khác cũng coi đó như nếp nhà. Gia đình ông Từ, bà Cạnh ở Dương Xá, Gia Lâm, Hà Nội còn cùng ăn và sống chung 1 mái nhà.
Ông Từ, bà Cạnh trong ngày lễ tôn vinh các gia đình tứ đại đồng đường
Ông bà Từ đều qua tuổi 80 nhưng vẫn khỏe mạnh. Hàng ngày, ông Từ đưa đón cháu đi học. Còn bà Cạnh thường dậy sớm đi chợ để bữa ăn tươi ngon, đảm bảo sức khỏe cho các thành viên trong gia đình. Mọi chi phí sinh hoạt, ăn uống các con sẽ đưa cho bà quán xuyến. Ban ngày con cháu đều bận đi làm và đi học nên bữa ăn tối là thời điểm cả nhà quây quần, trò chuyện vui vẻ.
Sống cởi mở, sai đâu bảo đó
Để giữ cho “trong ấm ngoài êm”, người quản lý trong gia đình đa thế hệ phải biết cách đảm bảo sự công bằng, phân minh để giữ sự hòa thuận giữa các thành viên. Bên cạnh đó là sự ý thức, trách nhiệm của con cháu.
Ông bà Giáo luôn cởi mở, thẳng thắn với các con. Đối với con dâu cũng coi như con ruột, chia sẻ mọi điều để các thành viên thoải mái bày tỏ ý kiến về những việc trong gia đình. Theo ông bà, có như vậy mới tránh được sự ghen ghét, đố kỵ lẫn nhau.
Mọi công việc từ nhỏ đến lớn, tiền bạc, tài sản, ông bà đều phân chia đảm bảo sự công bằng. Ông Giáo chia sẻ: “Nhà con trưởng có ti vi, xe máy thì nhà các chú, các cô cũng phải có đủ những thứ ấy. Bọn trẻ thì tùy theo cấp học mà được chu cấp số tiền khác nhau”.
Còn theo bà Cạnh, để “giữ lửa” trong gia đình đa thế hệ thì “điều quan trọng là phải biết giữ sự công bằng giữa các thành viên với nhau. Tuyệt đối không được thiên vị. Phải biết cách làm gương cho các con cháu, phán đoán được tâm lý phát triển của con trẻ mà lựa lời bảo ban riêng, tránh trách móc con cháu ở chỗ đông người”.
Gia đình ông Nguyễn Cảnh Sợi (82 tuổi) và bà Trần Thị Xuân (81 tuổi) ở đường Phạm Đình Hổ, Hà Nội cũng có 3 thế hệ cùng chung sống. Các thành viên rất đoàn kết, hòa thuận, học hành thành đạt. Chia sẻ về điều này, ông Sợi cho biết: “Sống chung nhiều thế hệ dưới một mái nhà sẽ có những va chạm về quan niệm sống. Nhưng tôi luôn cố gắng giữ cân bằng qua cách sống cởi mở, trách nhiệm và đảm bảo công bằng”.
Con cháu lên chúc mừng ông bà Sợi trong ngày lễ tôn vinh các gia đình tam, tứ đại đồng đường
Theo ông Sợi, bí quyết để các con sống hòa thuận là sai đâu bảo đó. Trong gia đình, ai làm sai điều gì thì sẽ thẳng thắn chỉ ra, còn ông bà làm chưa đúng thì con cháu phải trao đổi lại. Điều này giúp cho cuộc sống trong nhà dù nhiều thế hệ nhưng vẫn đầm ấm, mọi người luôn biết cách điều chỉnh mối quan hệ. Tất cả sống chan hòa, yêu thương nhau thì chuyện to hóa nhỏ.
Mô hình gia đình tam, tứ đại đồng đường mang lại rất nhiều lợi ích, trong đó điều đáng quý nhất là tình cảm. Chính nếp sống của ông cha trao truyền qua các thế hệ tạo nên gia phong trong mỗi nhà. Từ đó, tinh thần đoàn kết, yêu thương, đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau giữa những thành viên cũng ngày càng được phát huy. Ngoài ra, việc chăm sóc người già và giáo dưỡng thế hệ trẻ cũng thuận lợi hơn. Đó cũng là lý do họ chung sống hạnh phúc, hòa thuận, con cháu thảo hiền và thành đạt.
Minh Châu
Nguồn bài viết : XS Max 3D Pro