Bà Tân Vlog trở thành hiện tượng YouTube thời gian qua.
Trong vài tuần qua, cộng đồng mạng cũng như những người làm YouTube ở Việt Nam xôn xao bàn tán về sự thành công chớp nhoáng và đầy bất ngờ của kênh YouTube có tên Bà Tân Vlog.
Được lập ra vào ngày 8/2/2019, nhưng mãi đến đầu tháng 5 mới chính thức đăng tải nội dung nhưng chỉ với 17 video, kênh YouTube này đã có được hơn 734.000 lượt theo dõi và tổng số lượt xem các video là hơn 33 triệu. Trung bình mỗi video trên kênh nhận được gần 2 triệu lượt xem.
Các nội dung được dàn dựng đều khá đơn giản, chủ yếu xoay quanh chủ đề ẩm thực và gây chú ý bởi các món ăn theo quy mô khổng lồ. Ví dụ như nướng 200 cái xúc xích, cốc trà sữa 60 lít, thau hoa quả dầm… Nhiều video nhanh chóng đạt được hàng triệu lượt xem chỉ trong vài ngày. Đây là quãng thời gian rất ngắn, thậm chí vượt trội so với nhiều MV ca nhạc được đầu tư cả tỉ đồng.
Tuy chưa bật tính năng kiếm tiền nhưng theo ước tính của SocialBlade, dựa trên các số liệu về lượng người xem và theo dõi, channel Bà Tân Vlog có thể kiếm được từ 13.000 USD đến 208.200 USD mỗi tháng.
Có nhiều lý do kênh YouTube này chưa bật kiếm tiền. Ví dụ như chưa đạt đủ điều kiện để được YouTube xem xét làm đối tác, nội dung chưa phù hợp với các nhãn hàng đặt quảng cáo, hoặc đơn giản là chủ nhân của nó chưa muốn bật kiếm tiền để tiếp tục có thể thu hút thêm nhiều người theo dõi hơn nữa ở thời điểm hiện tại.
Ước tính thu nhập của kênh YouTube Bà Tân Vlog dựa trên các chỉ số hiện tại.
Nhân vật chính của kênh YouTube này là một người phụ nữ đã 58 tuổi, đang sống ở tỉnh Bắc Giang. Trong mỗi video, bà Tân đều xưng bà và gọi người xem là "các cháu". Nhiều người xem cho biết lý do chính khiến họ thích thú theo dõi kênh YouTube này chính là các món ăn khổng lồ được chế biến hấp dẫn, bên cạnh sự chân chất, thật thà trong cách nói chuyện của người phụ nữ lớn tuổi.
Tuy nhiên, ẩn sau thành công bất ngờ và chóng vánh của kênh Bà Tân Vlog là sự hỗ trợ đặc biệt từ con trai của người phụ nữ này, cũng là một YouTuber nổi tiếng với kênh có hơn 1 triệu người theo dõi, Hưng Vlog. Trước đó, trong các video của Hưng, anh đã đưa mẹ mình vào tham gia như một diễn viên chính, khiến người xem quen thuộc. Thông qua những lần hợp tác cùng con trai, bà Tân cũng phần nào tự trau chuốt được kỹ năng nói và khả năng diễn xuất của chính mình. Cùng với sự giới thiệu, chia sẻ và kêu gọi trên kênh YouTube triệu người theo dõi của con trai, tốc độ lan tỏa và thu hút người xem trên kênh của Bà Tân Vlog cũng bứt phá mạnh mẽ.
Trên thực tế trong 1-2 năm trở lại đây, cộng đồng YouTuber Việt Nam đã phát triển một cách mạnh mẽ. Khi mạng xã hội Facebook dần không còn nhận được sự chú ý nhiều như trước đây, nhiều người dùng Internet bắt đầu chuyển hướng quan tâm sang các nội dung video và YouTube là nền tảng để trải nghiệm tốt nhất. Cùng với chính sách chi trả khá hậu hĩnh từ YouTube, các nhà sáng tạo có thể nhận được mức thu nhập nghìn USD. Không ít người đã từ bỏ các công việc truyền thống để trở thành YouTuber, thu hút sự chú ý và dẫn dắt cộng đồng này phát triển và mở rộng.
Một trong những hướng làm video ít tốn kém và khá phổ biến hiện nay là các nội dung về ẩm thực hay trải nghiệm thực tế ở nông thôn, bởi với người xem chủ yếu sống ở thành phố thì các video này luôn mang tới sự lạ lẫm, mới mẻ và khác xa những gì họ được trải nghiệm hàng ngày.
Thậm chí, không ít người lớn tuổi đã bị cuốn vào trào lưu này. Trước khi Bà Tân Vlog trở thành "hiện tượng", một số kênh YouTube khác như "Bà già 61 tuổi" hay "Ẩm thực mẹ làm" cũng gây nhiều sự chú ý của cộng đồng. YouTuber của các kênh này đều là những phụ nữ lớn tuổi, sống ở nông thôn và các nội dung đều xoay quanh cuộc sống sinh hoạt hằng ngày của họ.
Thành công của bà Tân có sự đóng góp không nhỏ của cậu con trai tên Hưng.
Tuy nhiên, các kênh YouTube này cũng không chỉ nhận được những lời khen và ủng hộ mà còn cả những lời chỉ trích, phê phán nặng nề. Chính Bà Tân Vlog cũng phải gánh chịu không ít "gạch đá".
"Kịch bản vô giá trị, ăn nói không có duyên, video không có sự đầu tư, làm không vì đam mê mà mang mục đích muốn kiếm tiền" là một nhận xét trái chiều về Bà Tân Vlog của một người dùng trên mạng xã hội Facebook. Theo anh, kênh YouTube này chỉ có nội dung dựa trên các trào lưu được giới trẻ yêu thích mà không có tác dụng truyền tải các thông điệp có ý nghĩa.
Nếu thường xuyên theo dõi YouTube, người xem có thể nhận ra sự giống nhau hay thậm chí sao chép của Bà Tân Vlog với Granpa Kitchen, một kênh YouTube với gần 5 triệu lượt theo dõi ở Ấn Độ. Chủ nhân của Granpa Kitchen là một người đàn ông lớn tuổi, cùng với những người khác, ông thường xuyên làm các món ăn khổng lồ nhưng sau đó đem chúng tới cho các trẻ em nghèo khó trong khu vực. Toàn bộ số tiền kiếm được từ YouTube được ông sử dụng để làm từ thiện. Trong khi đó, các món ăn khổng lồ trong video của Bà Tân Vlog như cốc trà sữa 60 Kg hay 500 quả trứng cút… thường không được nhắc tới sẽ xử lý ra sao. Nhiều người cho rằng chúng sẽ bị vứt bỏ do không thể ăn hết, gây lãng phí.
Sự bức xúc của cộng đồng một phần được cho là phản ứng chung trước các nội dung không lành mạnh đang tràn lan trên nền tảng YouTube hiện nay. Nhiều kênh được tạo ra với mục đích câu lượt xem, với nội dung không được đầu tư, thậm chí nhảm nhí và được giật tít đã gây ra các ảnh hưởng không tốt tới giới trẻ. Trước đó, không ít video với nội dung giang hồ, bạo lực thậm chí cổ súy cho tệ nạn xã hội như ma túy, mại dâm… vẫn được chia sẻ rầm rộ trên mạng Internet.
YouTube đang vô tình khuyến khích mọi người làm mọi thứ, bất chấp nội dung để kiếm tiền.
Trên thực tế, các "hiện tượng" như Bà Tân Vlog cũng chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Nhiều người chỉ nhìn vào những YouTuber nổi bật như Bà Tân Vlog, mà quên đi hàng trăm, thậm chí cả ngàn con người đã thất bại khi bước chân vào lĩnh vực sáng tạo nội dung này. Khi mọi người đổ xô vào làm YouTube, sự cạnh tranh cũng tăng lên tương ứng. Chi phí đầu tư cho một video, dù nhìn trông đơn giản cũng tốn kém không ít thời gian, tiền bạc và công sức.
Người xem càng ngày càng khó tính khi yêu cầu các video phải có hình ảnh sắc nét, âm thanh rõ ràng, nội dung độc đáo và không trùng lặp. Để có thể tạo ra được một sản phẩm đáp ứng các tiêu chí này không phải chuyện dễ dàng. Rất nhiều người đã chán nản và từ bỏ tham vọng làm "YouTuber triệu view" khi chứng kiến các sản phẩm được đầu tư công phu của mình chỉ có vài trăm, thậm chí vài chục lượt xem sau nhiều ngày.
"Đầu tư để làm nội dung video hiện nay không hề rẻ. Ngoài nội dung và kịch bản hay, cần có sự chuẩn bị tốt về kỹ thuật và các thiết bị hỗ trợ. Tất cả đều quy thành tiền. Cái thời chỉ cần cầm điện thoại ra quay video để tải lên YouTube đã qua rồi", một thành viên trong cộng đồng YouTuber Việt Nam chia sẻ.
Nếu không có người nâng đỡ như trường hợp của Bà Tân Vlog, một công ty có kinh nghiệm và tiềm lực tài chính đứng sau quảng bá và truyền thông, hay một "may mắn bất ngờ" nào đó thì cần rất nhiều thời gian để một kênh YouTube đơn lẻ có thể gây dựng được cộng đồng người hâm mộ, dù chỉ là vài nghìn.
Trong phần bình luận của không ít video trên YouTube hiện nay, người xem có thể đọc được các nội dung tương tự nhau, thắc mắc về việc tại sao các video hay, có nội dung hấp dẫn, được đầu tư lại ít lượt xem trong khi các sản phẩm lố lăng, nhảm nhí lại thu hút được cả triệu lượt xem, được YouTube hỗ trợ quảng bá ở các vị trí bắt mắt.
YouTube đang chứa nhiều nội dung độc hại và nền tảng này cho thấy nó không thể kiểm soát được chính mình.
Rõ ràng trong câu chuyện này, vai trò và trách nhiệm của nền tảng này cũng đóng một vị trí quan trọng. Là công ty dựa vào việc bán quảng cáo để kiếm tiền, YouTube lâu nay đã bị chỉ trích về việc chỉ hướng tới số lượt xem mà xem nhẹ hay thậm chí không quản lý các nội dung trên nền tảng của mình. Điều này vô cùng nguy hiểm khi phần đông người dùng YouTube ở Việt Nam ở độ tuổi còn khá trẻ và các nội dung độc hại sẽ âm thầm ảnh hưởng tới nhân thức và lối sống của chúng.
"Tiêu chuẩn cộng đồng", một trong những tiêu chí thường được YouTube dựa vào để xử phạt cũng như giải quyết các khiếu nại, trên thực tế vẫn là một thứ gì đó mơ hồ, không rõ ràng và mang đầy cảm tính. Những nội dung gây sốc, phản cảm, hay thử thách và trò đùa nguy hiểm sẽ bị cấm lưu hành, nhưng việc đánh giá xem một video có thuộc danh sách này không vẫn không rõ ràng, hoàn toàn do hệ thống quyết định. Nhiều video thậm chí phải chờ tới khi bị cộng đồng mạng lên tiếng cùng nhiều cơ quan chức năng yêu cầu mới được YouTube gỡ bỏ, tạm khóa.
Có thể thấy, cần có một cơ chế quản lý gắt gao hơn nữa của các cơ quan chức năng để bắt buộc YouTube hoàn thiện hệ thống rà soát và quản lý nội dung của mình, tránh các trường hợp video phản cảm, độc hại lan truyền trong cộng đồng. Nếu làm được, đây cũng chính là liều thuốc kịp thời để khích lệ cho những người làm nội dung chân chính có thêm cơ hội để vươn lên và phát triển.
Nguồn bài viết : Gà chọi C1