Camera quay lén được lắp trong ổ cắm điện (trái) và chỗ để máy sấy tóc (phải). Ảnh: CNN |
Theo các bài báo trên CNN, BBC và Korea Herald, hai nghi phạm bị buộc tội livestream khách hàng tại gần 50 phòng của ít nhất 30 khách sạn trong 6 tháng qua, bắt đầu từ ngày 24/11/2018 đến ngày 2/3/2019. CNN và Korea Herald đưa tin cả hai bị điều tra nhưng chưa bị bắt giữ.
Bộ Điều tra Không gian mạng thuộc Cảnh sát Quốc gia Hàn Quốc cho biết nghi phạm theo dõi khách bằng camera 1mm giấu trong tivi, máy sấy tóc, ổ cắm điện. Kích cỡ camera không lớn hơn một cái đinh ốc nhỏ. Cảnh sát không nêu tên khách sạn bị ảnh hưởng và không có bằng chứng cho thấy họ có liên quan đến vụ việc.
Nghi phạm bị cáo buộc mở website dùng máy chủ nước ngoài, thu hút hơn 4.000 thành viên, trong đó 97 người trả 44,95 USD/tháng để xem video theo yêu cầu. Nó mang về khoảng 6.000 USD trước khi bị đóng cửa đầu tháng này. Theo Cảnh sát Quốc gia Hàn Quốc, trong quá khứ từng có vụ việc tương tự khi camera phi pháp được lắp trong khách sạn và bí mật quay phim khách nhưng đây là lần đầu tiên cảnh sát phát hiện video được chiếu trực tiếp trên mạng.
Nếu bị kết tội phát tán video trái phép, nghi phạm có thể bị phạt tù và nộp phạt khoảng 27.000 USD, theo Korea Herald. Việc sử dụng máy quay gián điệp để ghi hình phụ nữ trong các nhà tắm công cộng và địa điểm khác là vấn đề ngày càng nhức nhối tại Hàn Quốc vài năm trở lại đây. Theo BBC, hơn 6.000 vụ đã được báo cáo trong năm 2017, tăng gần gấp ba so với năm 2012. Tuy nhiên, chỉ 2% thủ phạm phải ngồi tù.
Tháng 6/2018, hàng ngàn phụ nữ đã biểu tình tại thủ đô Seoul trong chiến dịch có tên “Đời tôi không phải phim khiêu dâm của bạn”, yêu cầu hình phạt nghiêm khắc hơn đối với những kẻ quay lén họ. Đáp lại, Seoul đã mở một đội điều tra đặc biệt để tiến hành điều tra thường xuyên 20.000 nhà vệ sinh công cộng, tìm kiếm camera gián điệp.
Lee Ji Soo, chuyên gia máy tính, người giúp đỡ phụ nữ xóa các tấm ảnh chụp họ mà không được sự cho phép, trả lời CNN năm 2018 rằng công ty của cô chứng kiến nhu cầu tăng vọt kể từ khi có các cuộc biểu tình. “Điều khách hàng thường nói nhất – chúng vô cùng đau lòng – là “Tôi muốn chết” hay “Tôi không thể ra khỏi nhà”. Đặc biệt, nạn nhân của máy quay gián điệp hay bị quay lén video đều nói khi gặp người khác trên đường, họ cảm thấy như họ đã bị nhận ra”.
Tháng 1/2019, chủ sở hữu một website trả thù tình Hàn Quốc bị phạt 4 năm tù giam và nộp phạt 1,26 triệu USD.
Nguồn bài viết : Tin xổ số