Chính phủ và người dân Việt Nam nỗ lực phòng chống mua bán người |
Tiếp tục hoàn thiện pháp luật về phòng, chống mua bán người |
Những con số biết nói
Tại Việt Nam, theo báo cáo của các đơn vị, địa phương, từ năm 2010 đến tháng 6/2021, đã phát hiện xảy ra gần 3.500 vụ, với 5.000 đối tượng, lừa bán gần 7.500 nạn nhân. Riêng từ năm 2019 đến nay, đã phát hiện xảy ra hơn 370 vụ, với gần 500 đối tượng, lừa bán hơn 550 nạn nhân.
Lực lượng chức năng Việt Nam tiếp nhận em bé bị bán sang Trung Quốc. (Nguồn: TTXVN) |
Tội phạm mua bán người đã xuất hiện trên phạm vi 63 tỉnh, thành phố. Nạn nhân không chỉ là phụ nữ, trẻ em, mà đã xuất hiện tình trạng mua bán nam giới, mua bán trẻ sơ sinh, bào thai, mua bán nội tạng, đẻ thuê.... Đặc biệt, tình hình tội phạm mua bán người, mua bán người dưới 16 tuổi, trong đó, có nhiều vụ mua bán trẻ sơ sinh, bào thai sang Trung Quốc; mua bán nội tạng; mua bán, đánh tráo, chiếm đoạt trẻ em... trong những năm qua tại Việt Nam ngày càng có nhiều diễn biến phức tạp.
Thủ đoạn mua bán người ngày càng tinh vi, phức tạp, chủ yếu là lợi dụng tình trạng khó khăn về kinh tế, thất nghiệp, thiếu việc làm, trình độ học vấn thấp, nhẹ dạ cả tin của người bị hại để lừa bán nạn nhân từ nông thôn ra thành thị, các khu công nghiệp, hoặc ra nước ngoài…
Lợi dụng chính sách mở của Việt Nam, các đối tượng tổ chức thành những đường dây đưa người ra nước ngoài dưới dạng du lịch, thăm thân, lao động trái phép. Sau đó thu giữ giấy tờ, hộ chiếu, không làm các thủ tục cư trú, bắt lao động cưỡng bức và lạm dụng tình dục.
Phát triển hợp tác quốc tế nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng chống mua bán người
Mua bán người là tội phạm có nguồn thu lợi bất chính cao chỉ sau ma túy và mua bán vũ khí. Mua bán người được Liên hợp quốc xác định là một trong bốn loại tội phạm nguy hiểm nhất, được đưa vào “Chương trình phòng, chống tội phạm toàn cầu”. |
Để nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng và chống tội phạm mua bán người, mua bán người dưới 16 tuổi mà đặc biệt là những trường hợp có tính chất xuyên quốc gia đòi hỏi phải phát triển hợp tác quốc tế song phương cũng như đa phương. Tầm quan trọng của hợp tác quốc tế trong việc giải quyết tội phạm mua bán người đã được ghi nhận và thể hiện trong Chương trình hành động phòng, chống tội phạm mua bán người giai đoạn 2016 - 2020 và trong Luật phòng, chống mua bán người của Việt Nam, đặc biệt là bổ sung, sửa đổi tội mua bán người, mua bán người dưới 16 tuổi quy định tại Điều 150, 151 Bộ luật hình sự 2015.
Bên cạnh những biện pháp về kinh tế, xã hội, các biện pháp tuyên truyền, giáo dục trong hệ thống nhà trường và trong cộng đồng, biện pháp phục hồi, tái hòa nhập cộng đồng cho nạn nhân, các Chương trình quốc gia về xóa đói giảm nghèo, tạo việc làm, phòng chống tội phạm, Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm đến vấn đề lập pháp và hợp tác quốc tế, nhằm tạo ra những công cụ pháp lý hữu hiệu trong đấu tranh và hợp tác đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người.
Về lĩnh vực ký kết và gia nhập các văn kiện quốc tế, Việt Nam đã tham gia ký kết và là thành viên của nhiều công ước, văn kiện pháp luật quốc tế liên quan trực tiếp đến công tác phòng, chống tội phạm mua bán người như: Công ước về xóa bỏ tất cả các hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (phê chuẩn 17/02/1982), Công ước về quyền trẻ em (phê chuẩn 28/9/1990), Nghị định thư không bắt buộc bổ sung cho Công ước về quyền trẻ em về mua bán trẻ em, mại dâm trẻ em và văn hoá phẩm khiêu dâm trẻ em (phê chuẩn 20/12/2001), Nghị định thư không bắt buộc bổ sung cho Công ước về quyền trẻ em về sự tham gia của trẻ em trong xung đột vũ trang (phê chuẩn 20/12/2001), Công ước số 182 về cấm và hành động ngay lập tức để xoá bỏ các hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất (Phê chuẩn 19/12/2000), Công ước Asean về phòng, chống buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em. Chúng ta cũng đã ký Hiệp định tương trợ tư pháp với nhiều nước trên thế giới, tạo ra cơ sở pháp lý quan trọng cho hợp tác quốc tế trong đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm, bao gồm cả vấn đề mua bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em.
Ngoài ra, Việt Nam đã ký nhiều hiệp định song phương, hiệp định tương trợ tư pháp về phòng, chống tội phạm với các nước, trong đó đều có nội dung phòng, chống tội phạm mua bán người.
Tuyên truyền phòng, chống mua bán người tại cộng đồng. (Nguồn: Congannghean.vn) |
Nhiều điểm mới liên quan đến các tội danh về mua bán người trong Bộ Luật hình sự Việt Nam
Để phù hợp với yêu cầu của thực tế và đáp ứng yêu cầu của các văn bản pháp luật quốc tế mà Việt Nam đã ký kết, Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 đã sửa đổi, bổ sung tương đối, cơ bản, toàn diện 02 tội danh gồm tội mua bán người và mua bán người dưới 16 tuổi so với quy định của BLHS năm 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009 nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn đấu tranh phòng chống loại tội phạm này, đồng thời đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, xử lý triệt để loại tội phạm này.
Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 đổi cơ bản cấu thành của tội mua bán người và tội mua bán người dưới 16 tuổi theo hướng quy định cụ thể hơn các dấu hiệu cấu thành tội phạm trên tinh thần khái niệm buôn bán người của Nghị định thư về phòng chống mua bán người mà Việt Nam là thành viên. Tách tội ghép “mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em” được quy định tại Điều 120 BLHS năm 1999 thành 03 tội danh độc lập là tội mua bán người dưới 16 tuổi (Điều 151), tội đánh tráo người dưới 01 tuổi (Điều 152) và tội chiếm đoạt người dưới 16 tuổi (Điều 153) nhằm phân hóa trách nhiệm hình sự đối với từng tội phạm trên cơ sở tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội. Khung tăng nặng của Điều 150, 151 BLHS 2015, so với điều luật tương ứng của BLHS 1999, được tách thành 2 khung tăng nặng khác và sắp xếp lại cho hợp lý, đồng thời, có sự phân hóa trong chính sách xử lý; Bổ sung các tình tiết tăng nặng mới, đồng thời bỏ một số tình tiết tăng nặng của BLHS năm 1999 không còn phù hợp; Chính sách xử lý hình sự đối với 02 tội danh này được điều chỉnh theo hướng nghiêm khắc hơn.
Tội danh mua bán người tại Bộ luật Hình sự năm 2015 có nhiều điểm mới cơ bản so với quy định của BLHS năm 1999, nhằm nội luật hóa các quy định có liên quan của điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, góp phần tăng cường hợp tác quốc tế trong đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người. Điều luật đã cụ thể hóa khái niệm mua bán người là việc dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, lừa gạt hoặc bằng thủ đoạn khác thực hiện một trong các hành vi sau đây: Chuyển giao người để nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác; Tiếp nhận người để giao tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác; Chuyển giao người để người khác bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác; Tiếp nhận người để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác; Tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp người khác để thực hiện hành vi chuyển giao người để nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác hoặc để người khác hoặc để người khác bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác…
Khoản 7 Điều 2 Nghị Quyết số 02/2019/NQ-HĐTP hướng dẫn vì mục đích vô nhân đạo khác là sử dụng nạn nhân để làm thí nghiệm, buộc nạn nhân phải đi ăn xin hoặc sử dụng nạn nhân vào các mục đích tàn ác khác.
Đối tượng tác động của tội phạm mua bán người là người đủ 16 tuổi trở lên. Hành vi mua bán người chưa đủ 16 tuổi không cấu thành tội phạm này mà cấu thành tội phạm mua bán người dưới 16 tuổi được quy định tại Điều 151 BLHS.
Người sử dụng thủ đoạn môi giới hôn nhân với người nước ngoài bị truy cứu TNHS về tội mua bán người theo quy định tại Điều 150 BLHS nếu hành vi thuộc một trong các trường hợp sau đây: Cưỡng bức, đe dọa hoặc lừa gạt để buộc người khác kết hôn với người nước ngoài và chuyển giao người đó cho người nước ngoài để nhận tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác; Cưỡng bức, đe dọa hoặc lừa gạt để buộc người khác kết hôn với người nước ngoài và chuyển giao người đó cho người nước ngoài bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác;Lợi dụng thủ đoạn môi giới hôn nhân với người nước ngoài để tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp người khác để chuyển giao cho người nước ngoài bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác.
Trường hợp người môi giới biết mục đích của người nước ngoài là thông qua hoạt động xem mặt, chọn vợ (hoặc chồng) hoặc kết hôn để đưa người được chọn ra nước ngoài bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân, bán cho người khác hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác nhưng vẫn thực hiện hành vi môi giới để nhận tiền hoặc lợi ích vật chất khác của người nước ngoài thì bị truy cứu TNHS về tội mua bán người theo quy định tại Điều 150 BLHS.
Khoản 3 Điều 5 Nghị Quyết số 02/2019/NQ-HĐTP hướng dẫn người tổ chức, cưỡng ép người khác ở lại nước ngoài không nhằm mục đích bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể hoặc không vì mục đích vô nhân đạo khác thì không bị truy cứu TNHS về tội mua bán người nhưng tùy từng trường hợp cụ thể mà bị truy cứu TNHS về tội tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép hoặc tội cưỡng ép người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép.
Lực lượng chức năng diễn tập xử trí tình huống mua, bán người tại thôn Giang Nam, xã Thanh Thủy (Vị Xuyên, Hà Giang). |
Đối với tội mua bán người dưới 16 tuổi đây là tội danh được tách từ tội mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em (Điều 120 của BLHS năm 1999). Điều luật này đã nội luật hóa các quy định của Nghị định thư về phòng, chống buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em. So với BLHS năm 1999, điều luật đã có sự thay đổi cơ bản trong việc xác định tội phạm; theo quy định của điều luật, cấu thành cơ bản của tội mua bán người dưới 16 tuổi gồm có 02 yếu tố bắt buộc là hành vi phạm tội và mục đích phạm tội, điều luật không quy định thủ đoạn là yếu tố bắt buộc trong cấu thành cơ bản của tội phạm này, cụ thể:
Khoản 1 Điều luật quy định cụ thể hóa các hành vi mua bán người dưới 16 tuổi, bao gồm: Chuyển giao người dưới 16 tuổi để nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác, trừ trường hợp vì mục đích nhân đạo; Tiếp nhận người dưới 16 tuổi để giao tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác, trừ trường hợp vì mục đích nhân đạoChuyển giao người dưới 16 tuổi để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác; Tiếp nhận người dưới 16 tuổi để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác; Tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp người dưới 16 tuổi để thực hiện hành vi chuyển giao người dưới 16 tuổi để nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác, (trừ trường hợp vì mục đích nhân đạo) hoặc để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác.
Khoản 3 Điều 7 Nghị Quyết số 02/2019/NQ-HĐTP hướng dẫn trường hợp vì mục đích nhân đạo có thể là trường hợp người biết người khác thực sự có nhu cầu nuôi con nhỏ (do hiếm muộn hoặc có lòng yêu trẻ) đã môi giới cho người này xin con nuôi của người vì hoàn cảnh gia đình khó khăn không có điều kiện nuôi con muốn cho con đẻ của mình đi làm con nuôi và có nhận một khoản tiền từ việc cho con và việc môi giới. Đây là trường hợp vì mục đích nhân đạo nên người môi giới, người cho con mình đi làm con nuôi và người nhận con nuôi không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội mua bán người dưới 16 tuổi.
Khoản 4 Điều 2 Nghị Quyết số 02/2019/NQ-HĐTP hướng dẫn để bóc lột tình dục là trường hợp chuyển giao, tiếp nhận hoặc tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp nạn nhân nhằm chuyển giao cho người khác để thực hiện các hoạt động bóc lột tình dục (như tổ chức cho nhạn nhân bán dâm, đưa nạn nhân đến các cơ sở chứa mại dâm để bán dâm, sử dụng nạn nhân để sản xuất ấn phẩm khiêu dâm, trình diễn khiêu dâm, làm nô lệ tình dục...) hoặc tiếp nhận nạn nhân để phục vụ nhu cầu tình dục của chính mình. Để cưỡng bức lao động là trường hợp phạm tội nhằm buộc nạn nhân lao động trái ý muốn của họ.Để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân là trường hợp phạm tội nhằm lấy một phần của cơ thể được hình thành từ nhiều loại mô khác nhau để thực hiện các chức năng sinh lý nhất định của nạn nhân. Ví dụ: để lấy quả thận, giác mạc...
Tại khoản 2, cụ thể hóa các tình tiết định khung tăng nặng “Để đưa ra nước ngoài”, “Đối với nhiều trẻ em” thành các tình tiết “Đưa nạn nhân ra khỏi biên giới của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, “Đối với từ 02 đến 05 người”; Cụ thể hóa tình tiết “gây hậu quả nghiêm trọng” bằng các tình tiết: “Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%, nếu không thuộc trường hợp quy định tại điểm d khoản 3 Điều này”.
Tại khoản 3, bổ sung mới khoản 3 với 07 tình tiết định khung tăng nặng, trong đó, các tình tiết “có tổ chức”, “có tính chất chuyên nghiệp”, “tái phạm nguy hiểm” được tách ra từ khoản 2 Điều 120 của BLHS năm 1999 và bổ sung mới 04 tình tiết định khung tăng nặng gồm: Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; Đã lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân; Làm nạn nhân chết hoặc tự sát; Phạm tội đối với 06 người trở lên.
Khoản 1 Điều 151 BLHS 2015 đã nâng mức hình phạt tù lên thành “từ 07 năm đến 12 năm” (theo khoản 1 Điều 120 của BLHS năm 1999 là tù từ 03 năm đến 10 năm); Khoản 2 quy định hình phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, khi thuộc một trong các trường hợp sau: Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; Lợi dụng hoạt động cho, nhận con nuôi để phạm tội; Đối với từ 02 người đến 05 người; Đối với người mà mình có trách nhiệm chăm sóc, nuôi dưỡng; Đưa nạn nhân ra khỏi biên giới của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Phạm tội 02 lần trở lên; Vì động cơ đê hèn; Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%, nếu không thuộc trường hợp quy định tại điểm d khoản 3 Điều 151 BLHS.
Khoản 3 quy định hình phạt tù từ 18 năm đến 20 năm, khi thuộc một trong các trường hợp sau: Có tổ chức; Có tính chất chuyên nghiệp; Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; Đã lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân; Làm nạn nhân chết hoặc tự sát; Đối với 06 người trở lên; Tái phạm nguy hiểm.
Khoản 4 quy định hình phạt bổ sung theo hướng bổ sung hình phạt “tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản” và nâng mức phạt tiền bổ sung lên thành “từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng” (theo khoản 3 Điều 119 của BLHS năm 1999 là từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng), phạt quản chế, cấm cư trú, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm. Khoản 4 quy định hình phạt bổ sung theo hướng bổ sung hình phạt “tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản” và nâng mức phạt tiền bổ sung lên thành “từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng” (theo khoản 3 Điều 119 của BLHS năm 1999 là từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng), phạt quản chế, cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm.
Khoản 1 Điều luật quy định cụ thể hóa các hành vi mua bán người dưới 16 tuổi, bao gồm: Chuyển giao người dưới 16 tuổi để nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác, trừ trường hợp vì mục đích nhân đạo; Tiếp nhận người dưới 16 tuổi để giao tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác, trừ trường hợp vì mục đích nhân đạo; Chuyển giao người dưới 16 tuổi để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác; Tiếp nhận người dưới 16 tuổi để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác… |
Triển khai quyết liệt bằng nhiều giải pháp nhằm phòng, chống mua bán người ở Việt Nam |
IMO tập huấn nâng cao năng lực phòng chống mua bán người cho cán bộ Việt Nam |