Chuyển đổi số để bảo tồn, phát huy bền vững giá trị di sản Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, số hóa tiến tới chuyển đổi số di sản được coi là xu hướng tất yếu. Ðây cũng là giải pháp căn cốt để tối ưu hóa khả năng lưu trữ, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa theo hướng bền vững. Song, để thực hiện công tác này một cách đồng bộ nhằm tạo thuận lợi trong khai thác, chia sẻ, sử dụng dữ liệu số về di sản, các bộ, ngành liên quan cần vào cuộc quyết liệt. |
Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của đồng bào dân tộc Chăm Tỉnh Bình Thuận hiện có 4 di sản văn hóa được đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Hai trong số đó là di sản văn hóa của đồng bào Chăm. |
Hội thảo nằm trong chuỗi các sự kiện thuộc Liên hoan trình diễn trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số Việt Nam khu vực phía Bắc lần thứ I, năm 2022.
Toàn cảnh Hội thảo (Ảnh: Hoàng Tâm). |
Phát biểu tại Hội thảo, Vụ trưởng Vụ Văn hóa dân tộc (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Nguyễn Thị Hải Nhung cho biết, các dân tộc thiểu số có truyền thống văn hóa phong phú, độc đáo, đa dạng đã góp phần tạo nên bản sắc văn hóa Việt Nam. Trong đó, trang phục là thành tố văn hóa chứa đựng nhiều giá trị, bản sắc; là một trong những dấu hiệu quan trọng để phân biệt dân tộc này với dân tộc khác. Thông qua trang phục truyền thống, các dân tộc thiểu số không chỉ thể hiện được “gu” thẩm mỹ mà còn phản ánh được nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo, nhân sinh quan, thế giới quan, thậm chí là cả cội nguồn hình thành, phát triển của dân tộc mình.
Theo bà Nguyễn Thị Hải Nhung, Hội thảo nhằm thống nhất quan điểm, đánh giá thực trạng về bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam, trong đó có bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống. Thông qua đó nhằm nâng cao nhận thức về ý nghĩa, giá trị của việc bảo tồn, phát huy văn hóa trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số; tạo sự thống nhất về mục đích, yêu cầu của việc bảo tồn, phát huy trang phục dân tộc; đề xuất các giải pháp có tính khả thi.
Trải qua các thời kỳ lịch sử, các dân tộc thiểu số đã tạo dựng được bản sắc riêng qua trang phục. Mỗi dân tộc đều có những bộ y phục riêng, đẹp, độc đáo, thấm nhuần các giá trị truyền thống mỗi tộc người. Người phụ nữ Mông, Dao, Pà Thẻn, La Hủ... với bộ y phục màu sắc rực rỡ kết hợp với các hình thức trang trí đã tạo ra hiệu quả màu sắc, âm thanh. Trong khi đó, trang phục của phụ nữ Thái, Mường với những gam màu có sự tương phản về màu váy, áo hay trang trí, tạo sự duyên dáng, uyển chuyển; còn trang phục Tày - Nùng với gam màu chàm thể hiện sự kín đáo, dịu dàng...
Cần tăng cường vận động đồng bào dân tộc thiểu số mặc trang phục truyền thống thường xuyên (Ảnh minh họa). |
Tuy nhiên, trong bối cảnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế, cùng với đó sự giao thoa văn hoá, đồng bào dân tộc thiểu số phần nào được tiếp cận các nền văn hoá khác nhau dẫn đến sự thay đổi thị hiếu, thẩm mỹ. Hiện nay, trang phục các dân tộc thiểu số đang có sự biến đổi nhanh chóng. Nhiều dân tộc không còn giữ được bản sắc văn hóa của trang phục truyền thống, nhất là những tộc người có dân số rất ít, tộc người sinh sống ở địa bàn có sự giao thoa, ảnh hưởng văn hóa cao... Bên cạnh đó, mức độ sử dụng trang phục truyền thống của dân tộc, nhất là thế hệ trẻ ngày càng ít dần.
Các đại biểu cũng cho thấy thực trạng là nhận thức, tâm lý của chính đồng bào. Nhiều người, thậm chí có không ít cộng đồng dân tộc không nhận thấy cái hay, cái đẹp trong trang phục truyền thống dân tộc mình, có người còn e ngại khi mặc. Có thực tế không thể phủ nhận là một bộ phận người dân, nhất là thanh, thiếu niên các dân tộc thiểu số có tâm lý tự ti, mặc cảm khi sử dụng trang phục dân tộc khi giao tiếp xã hội, nhiều người “ngại” mặc trang phục dân tộc...
Để giải quyết thực trạng trên, tại Hội thảo, nhiều chuyên gia đã đưa ra giải pháp để tăng cường công tác bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các dân tộc Việt Nam trong giai đoạn hiện nay. Trong đó, các chuyên gia nhận định phải chú trọng truyền thông, giáo dục nâng cao nhận thức cho mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ về giá trị và tầm quan trọng của bảo bảo tồn trang phục truyền thống. Các địa phương cần tăng cường vận động đồng bào dân tộc thiểu số mặc trang phục truyền thống thường xuyên, góp phần giữ gìn và phát huy giá trị của trang phục truyền thống trong cộng đồng các dân tộc thiểu số.
Theo Tiến sỹ Trần Hữu Sơn, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lào Cai, mỗi người dân cần lưu giữ một bộ trang phục truyền thống sử dụng trong các ngày lễ, ngày khai giảng, ngày hội. Bên cạnh đó, cần khuyến khích vùng đồng bào dân tộc thiểu số phát triển du lịch cần mặc trang phục dân tộc, vừa bảo tồn được di sản nhưng quan trọng hơn là tạo ra vẻ đẹp mang sắc thái riêng về điểm đến du lịch, từ đó nghiên cứu xây dựng các sản phẩm đặc thù.
Học sinh Kon Tum thi trình diễn trang phục dân tộc thiểu số |
Bảo tồn, phát huy giá trị thổ cẩm của dân tộc Bahnar |