Tây Nguyên: đồng vọng từ rừng núi, thác ghềnh

2024-12-21 13:22:26
Ghềnh đá Nam Ô ngập trong rác
Cần có sự vào cuộc của cơ quan chức năng xử lý hành vi gây ô nhiễm rác thải, giữ gìn mỹ quan, bảo đảm vệ sinh môi trường tại ghềnh đá này để phục vụ người dân, du khách.
Người giữ hồn rừng núi Cơ tu
Hơn 56 tuổi, nhiều năm qua ông là “già làng” thường dẫn đầu các đoàn nghệ nhân Cơ tu trong mỗi lần lễn hội ở khắp nơi, ông thổi hồn cho tượng gỗ, nhặt nhạnh những gì còn lại cho văn hóa Cơ tu và mang đến với mọi người.

Mẹ rừng núi…

Tôi đã từng đặt chân đến nhiều danh thắng nổi tiếng ở Tây Nguyên - và nhận ra rằng, ở đó mỗi cộng đồng, dân tộc tại chỗ đã ký thác và chất chứa niềm tin của mình vào cuộc sống tươi đẹp bằng những câu chuyện kỳ vĩ, nhân văn truyền đời để cho con cháu họ hôm nay tự hào và kiêu hãnh, từ đó tạo nên tâm thế sống hướng thượng như mây trời, như rừng già thăm thẳm luôn lay động ký ức bao người.

Dọc dài từ Nam đến Bắc Tây Nguyên nhiều lần, tôi được nghe và nhận ra không ít huyền sử thật xúc động và giàu mơ tưởng được sinh ra trên vùng đất này. Này là ngọn núi Lang Bian (huyện Lạc Dương - Lâm Đồng) được con chim trắng của thần N’dur dẫn con cháu của ông K’Bùng, K’Kông đưa đến đây lập nghiệp. Tạ ơn thần, con người và muôn thú cùng vác đất, đội đá, đắp đàn để cúng thờ và tưởng nhớ.

Ngọn núi Lang Bian bây giờ chính là dấu tích tạ ơn trời đất thuở hồng hoang của người K’ho và người Mạ ngày nay. Đẹp hơn nữa, ngọn núi ấy đượm một mối tình chung thủy của chàng Lang và nàng H’Bian xinh đẹp. Họ yêu nhau, nhưng duyên không thành, nên đôi tình nhân kia đã hóa thành dáng núi và rặng núi Lang Bian là biểu tượng cho mối tình bi tráng ấy. Giờ đây, ai đến Đà Lạt, đứng bên bờ hồ Xuân Hương nhìn xuyên qua đồi Cù sẽ nhận ra hai ngọn núi (cao hơn 2.100 mét) tựa như bộ ngực căng đầy của nàng H’Bian nằm đó ngắm mây trời.


Thác Dray Nur. Ảnh: Hữu Hùng

Từ nhận thức này đã hình thành nên tín ngưỡng “vạn vật hữu linh” trong đời sống, sinh hoạt cổ truyền của cộng đồng các dân tộc thiểu số tại chỗ. Người ta cho rằng, bất kỳ cái gì và ở đâu đều có các vị thần trú ngụ để bảo vệ, che chở cho con người, nhờ thế mà cuộc sống trở nên cân bằng, hài hòa giữa hiện thực và siêu nhiên trong tâm thế sống biết ơn, nâng đỡ lẫn nhau thông qua những thực hành văn hóa (nghi lễ, lễ hội) giàu ý nghĩa nhân văn.

Tôi đọc cuốn chuyên khảo về đời sống, phong tục, tập quán của người J’rai, K’ho, Sê đăng, Stiêng của nhà dân tộc học Jacques Dournes (dưới tên gọi khác là Dambo) có nhan đề “Miền đất huyền thoại” vừa mới được Nhà xuất bản Tri thức in ấn và phát hành gần đây đã cho thấy vấn đề trên. Nhà “Tây Nguyên học” này đã tinh tế nhận ra điều cốt lõi và sâu sắc nhất trong thực hành văn hóa của người bản địa chính là đề cao thông điệp gìn giữ toàn vẹn và bền vững không gian sống của mình. Ở đây, họ đã biết vận dụng yếu tố tín ngưỡng, tâm linh để thực hiện một cách khôn khéo và nhuần nhuyễn thông điệp/mục đích mình mong ước.Cùng với Lang Bian (Lâm Đồng), Cư Yang Sin (Đắk Lắk) và Ngok Linh (Kon Tum) tạo nên ba dãy núi cao nhất ở khu vực Tây Nguyên - Nam Trung bộ với độ cao từ 2.100 đến hơn 2.500 mét so với mặt biển.

Những lần đến với địa danh này, nhiều người nói với tôi: Đây không những là nguồn sống truyền đời nuôi dưỡng cộng đồng người bản xứ, mà còn là “phổ màu” góp phần khắc họa đời sống văn hóa, lịch sử giàu bản sắc của nhiều sắc dân trên địa bàn như K’ho, Mạ, Lạch, Êđê, M’nông, Bana, Sê đăng, Stiêng, Cơtu và Hrê… Những ngọn núi ở đây được đặt tên theo nhận thức thế giới quan, hay nhân sinh quan của cư dân cổ xưa trong vùng. Nếu Lang Bian là ngọn núi của tình yêu, thì Cư Yang Sin và Ngok Linh là cổng trời đi vào cõi thiêng của các vị thần ngự trị, hay miền mơ tưởng nào đó không có thực ở đời.

Và đứa con thác ghềnh

Đồng vọng từ những thác ghềnh trên vùng đất này cũng giúp chúng ta hiểu thêm cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên trong dòng chảy lịch sử, văn hóa của mình từ buổi hồng hoang cho đến ngày nay. Người Tây Nguyên bảo rằng “sông suối, thác ghềnh là con của Mẹ rừng giàu ân sủng” quả thật không sai. Đi qua những dãy núi, cánh rừng trên, tôi đã thấy vô số ghềnh thác được sinh ra nhờ nguồn nước tích tụ từ rừng…

Dưới chân núi Lang Bian, TP. Đà Lạt hiện ra trong trập trùng lũng dốc và sương khói của Cao nguyên Lâm Viên. Ở đó có những ngọn thác tuyệt đẹp, gắn với từng chặng đường hình thành và phát triển của vùng đất này như Cam Ly, P’renn và xa hơn một chút là thác Liên Khương (hay còn gọi là Liêng Khàng) và thác Pongour (hay thác Bảy tầng) thuộc huyện Đức Trọng ngày nay. Những ngọn thác ấy, trong tâm thức người K’ho, Mạ đâu chỉ là những “cú vặn mình” của nền địa chất trên lớp vỏ trái đất hàng triệu năm tạo nên, mà còn là sự ký thác và khai thông dòng chảy ký ức của cộng đồng để cố kết cho thực tại những giá trị tinh thần và khát vọng muôn thuở.

Đó là tinh thần vì hạnh phúc, yên vui cho cộng đồng của chàng trai mồ côi Liêng Khàng khi chứng kiến cảnh cơ cực của người dân vì hạn hán kéo dài. Chàng đi tìm nguồn nước để giành giật lại sự sống cho buôn làng và trong giấc ngủ vùi vì kiệt sức, Liêng Khàng mơ thấy vị thần tối cao N’dur ban cho cây đàn cùng một điều ước. Tỉnh dậy chàng ngỡ ngàng khi thấy phiến đá mà mình đã gối đầu để ngủ bỗng lung linh sắc màu, chung quanh đó có muôn tia nắng như tơ, chiếu vào phiến đá và khẽ rung lên như tiếng đàn. Liêng Khàng đã nguyện điều mình ước và điều kỳ diệu đã đến: nguồn nước mát lành đã phun trào, cây cối xanh tươi trở lại. Dòng nước đổ xuống phiến đá, phát ra những âm thanh trầm bổng như tiếng đàn và ngọn thác Liêng Khàng được gọi tên từ đó. Hay như ngọn thác Pongour, là dấu tích của nàng K’Nai có sức mạnh hơn người, bắt những con tê giác trong rừng dùng sừng húc tung vách núi, dẫn nguồn nước về cho cộng đồng người K’ho gieo mùa, tra hạt. Tên gọi của thác là để chỉ bốn cái sừng tê giác để lại thuở nào.


Lễ hội ngày xuân bên thác Pongour. Ảnh: Uông Thái Biểu

Cũng từ những cánh rừng Cư Yang Sin hùng vĩ, nhiều dòng nước luồn lách qua dặm dài đất đá để sinh thành con sông Krông Na và Krông Nô. Trước khi cả hai hợp lưu với dòng Sêrêpốk cuồn cuộn tại ngã ba buôn Kuôp (Krông Ana) đã dũng mãnh tung bọt trắng xóa đổ xuống để tạo nên ngọn thác Dray Nur - Dray Sáp đẹp đến mê hồn. Người Êđê cảm thán về ngọn thác như mối tình son sắt, nhưng vô vàn cay đắng bởi yêu nhau mà không đến được với nhau. Chàng trai và cô gái trong mối tình ấy đã gieo mình xuống lòng sông Sêrêpốk để vẹn ước thề nguyền. Thác Dray Nur trên dòng Krông Ana (gọi là thác vợ) và thác Dray Sáp trên dòng Krông Nô (gọi là thác chồng) được cộng đồng người Êđê truyền tụng qua bao đời nay và đã làm lay động trái tim nhiều người.

Có thể nói không ở đâu như mảnh đất Tây Nguyên này, mỗi vùng đất đều gắn với một huyền sử lạ lùng và đẹp đẽ, khiến du khách phương xa đến đây đều có cảm nhận nhiều chiều - sinh động mà lắng sâu, âm vang mà dùng dằng không dứt. Đồng vọng từ rừng núi, thác ghềnh.

Lửa hồng ở làng cổ vùng biên giới Tây Nguyên
Trong ngôi làng bên dòng Đắk Bla huyền thoại ấy, người già người trẻ sống yên bình bên dòng sông và họ giữ lại những ngọn lửa hồng cho làng cổ mấy mươi đời qua.
Tượng gỗ nhà mồ của miền Thượng
Đây là tình cảm thiêng liêng, giản dị của những người đang sống đối với những linh hồn đã khuất về với thế giới bên kia.
Top