Người trồng dưa hấu Việt Nam - Ảnh minh hoạ từ Zing
Chiếm khoảng 85-90% tổng lượng xuất khẩu
Tại Hội nghị bàn các giải pháp đẩy mạnh tiêu thụ mặt hàng dưa hấu niên vụ 2015 – 2016 do Bộ Công Thương tổ chức ngày 28/12, bà Dương Thị Phương Thảo, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, dự kiến tổng sản lượng dưa hấu niên vụ 2015/2016 của nước ta không biến động nhiều so với mùa vụ 2014/2015, ước đạt khoảng 1,5 triệu tấn, trong đó sản lượng vụ Đông - Xuân ước khoảng 550.000 tấn.
Hiện nay, dưa hấu được tiêu thụ tại thị trường trong nước chiếm khoảng 80% tổng sản lượng của cả nước, 20% lượng dưa còn lại được dành cho xuất khẩu. Trong đó,thị trường xuất khẩu chủ yếu là các nước có chung đường biên giới với Việt Nam như Trung Quốc, Lào, Campuchia…
Riêng dưa hấu xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc đang chiếm khoảng 85-90% tổng lượng xuất khẩu. Tân Thanh (Lạng Sơn) là cửa khẩu duy nhất diễn ra hoạt động xuất khẩu dưa hấu, chủ yếu diễn ra vào thời điểm cận Tết Nguyên đán và chính vụ Hè – Thu diễn ra từ giữa tháng 3 và đến trung tuần tháng 4 hàng năm.
“Hiện nay dưa hấu ở các tỉnh ĐBSCL đang được tiêu thụ với giá khoảng 5.500 - 6.000 đồng/kg. Với giá bán này, người nông dân đang có lãi từ 50 – 60 triệu đồng/ha. Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, trong giai đoạn 2012 – 2014, thị trường Trung Quốc nhập khẩu khoảng 200.000 tấn dưa hấu. Tính đến hết tháng 11/2015, thị trường Trung Quốc đã nhập 170.000 tấn và dự kiến nhu cầu nhập khẩu mặt hàng này của Trung Quốc không có biến động lớn”, bà Thảo cho biết.
Tuy nhiên theo bà Thảo, mặc dù hiện nay Việt Nam là đối tác cung cấp dưa hấu lớn nhất cho thị trường Trung Quốc (chiếm khoảng 93% - 98% tổng lượng dưa nhập khẩu của Trung Quốc), nhưng Trung Quốc cũng đang có xu hướng thuê đất tại các quốc gia trong khu vực như Lào, Campuchia để trồng dưa hấu với diện tích lên đến hàng trăm ha. Dự kiến nếu Trung Quốc tiếp tục việc tăng thuê đất để trồng dưa hấu tại nước ngoài rất có thể sẽ giảm nhu cầu nhập khẩu dưa hấu tại Việt Nam.
Buôn bán tự phát gây ùn tắc tại cửa khẩu
Đại diện Cục Xuất nhập khẩu còn cho hay, tại những thời chính vụ thu hoạch dưa hấu vụ Đông – Xuân hay vụ Hè - Thu, sở dĩ có hiện tượng xuất khẩu dưa hấu bị ùn tắc cục bộ tại cửa khẩu Tân Thanh là do nhu cầu tiêu thụ dưa hấu của cư dân biên giới Việt Nam – Trung Quốc thường tăng đột biến vào dịp này. Trong khi khả năng thông quan tại cửa khẩu còn hạn chế đã dẫn đến năng lực tiếp nhận và thông quan tối đa chỉ đáp ứng được khoảng 300 xe/ngày.
Trong khi đó, do tập quán buôn bán giữa doanh nghiệp Việt Nam và Trung Quốc chủ yếu vẫn không có hợp đồng ký trước, buôn bán tự phát, doanh nghiệp Việt Nam thường làm thủ tục đưa hàng hóa sang biên giới rồi mới tìm đối tác để bán hàng nên không chủ động được trong quá trình tiêu thụ dẫn đến ùn tắc chậm lưu thông mặt hàng dưa hấu.
Mặt khác, doanh nghiệp hai nước cũng chưa thống nhất được phương pháp phân loại, đóng gói sản phẩm hàng hóa từ trước khiến thủ tục này mất khá nhiều thời gian tại khu vực cửa khẩu khiến hiện tượng ùn tắc diễn ra thường xuyên… điều này cần có những biện pháp thương mại từ phía hai nước, nhằm kịp thời tăng năng lực thông quan, tránh hiện tượng ùn tắc trong công tác xuất khẩu thời gian tới.
Theo VOV
Nguồn bài viết : GAME NHANH