59 năm hạnh phúc bên nhau, gắn bó ngành giáo dục
Đó là quãng thời gian đáng nể phục của gia đình PGS.TS Trần Tuấn Lộ và NGƯT Lê Minh Nga.
NGƯT Lê Minh Nga là một trong những suất “con em cán bộ” được Bác Hồ cho sang Trung Quốc học ngành sư phạm. Sau đó cô trở về giảng dạy ở Trường Nữ tiểu học Hải Dương. Tiếp sau đó, cô là Hiệu phó Trường Sư phạm mẫu giáo TP.HCM, Phó phòng Giáo dục mầm non của Sở Giáo dục & Đào tạo TP.HCM, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Sư phạm mẫu giáo Trung ương tại TP.HCM. Sau khi về nghỉ hưu, cô công tác tại Trung tâm Tư vấn tâm lý giáo dục tình yêu, hôn nhân, gia đình ngay từ những ngày đầu thành lập.
Trong khi đó, PGS. TS Trần Tuấn Lộ cũng là người kỳ cựu trong ngành giáo dục. Ông từng là Viện phó Viện Khoa học giáo dục phía Nam; Ban Khoa giáo Thành ủy TP.HCM. Sau khi về nghỉ hưu, ông giữ chức Trưởng khoa Tâm lý giáo dục của Trường ĐH Văn Hiến, tham gia viết bài hoặc các hội thảo chuyên ngành.
Đại gia đình của PGS.TS Trần Tuấn Lộ và NGƯT Lê Minh Nga
Có thể nói, nền tảng giáo dục đã gắn kết 2 con người với nhau. Như chính lời cô Nga tâm sự: “Gia đình chúng tôi luôn gắn kết với nhau. Tính đến nay đã cưới nhau được 59 năm, 2 vợ chồng vẫn hứa trọn đời bên nhau và yêu thương nhau đến cùng”. Niềm trung tín sắt son ấy của đôi vợ chồng tròn 50 năm tuổi Đảng, đã cho ra đời 4 người con trai thanh, gái tú, ngoan hiền và giỏi giang.
Ngoài ra, cũng theo cô Nga “nền tảng gia phong và cuộc sống hạnh phúc của gia tộc 2 bên cũng là những yếu tố quyết định”. Thân sinh của PGS.TS Trần Tuấn Lộ là nhà văn nổi tiếng Trần Thanh Mại, người đã được đặt tên đường ở cả 3 nơi là Huế, TP.HCM và Đà Nẵng. Thân sinh của NGƯT Lê Minh Nga là một vị lão thành cách mạng, sống gương mẫu, đạo đức và rất mực chu đáo trong việc giáo dục con cái, cháu chắt.
Thống nhất trong việc dạy dỗ con cái
Đối với Nhà giáo Ưu tú Lưu Hải An, Hiệu trưởng Trường THPT Ngô Sĩ Liên (TP Bắc Giang), bên cạnh nhiệm vụ chuyên môn, gia đình hạnh phúc luôn có ý nghĩa đặc biệt. Thầy có người vợ làm viên chức, con gái lớn đang theo học Học viện An ninh Nhân dân, con trai đang học THCS.
Chia sẻ về việc giáo dục con cái, thầy Hải cho rằng con chăm ngoan, học giỏi phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: Truyền thống dòng họ, nề nếp gia phong, môi trường sống và học tập, sự quan tâm của cha mẹ, tố chất của bản thân các cháu…
“Với gia đình tôi, không có bí quyết đặc biệt nào khi nuôi dạy các con, chỉ là sự quan tâm, động viên hàng ngày, chia sẻ với chúng nhiều điều như những người bạn với nhau trong cuộc sống. Các con của tôi đều có cá tính khác nhau, điều kiện sống cùng tuổi cũng khác nhau và khác giới nên không thể có cách “rèn” giống nhau”, thầy Hải tâm sự.
Dù bận việc nhưng thầy Hải luôn quan tâm, dạy dỗ con cái
Trong việc dạy dỗ con cái có những lúc 2 vợ chồng không đồng nhất, mỗi người có cách xử lý khác nhau. Nhưng 2 vợ chồng thầy vẫn có những cách giải quyết phù hợp. “Những lúc đó, thường là “nhà” tôi yên lặng giữ hòa khí trong gia đình, đến lúc thích hợp mới góp ý để thống nhất trong cách ứng xử sao cho phù hợp. Chúng tôi kỵ nhất là tranh luận trước mặt các con”, thầy Hải chia sẻ.
Mặc dù công việc bận rộn, ít có thời gian cho gia đình nhưng với thầy Hải bữa cơm gia đình thường xuyên phải đầy đủ các thành viên, nhất là bữa tối. Bữa cơm gia đình đầm ấm, đầy ắp yêu thương ngày càng gắn kết mọi người, làm cho tinh thần thoải mái để tiếp tục làm công việc xã hội tốt hơn.
Chia sẻ niềm vui, nỗi buồn
Là gia đình nhà giáo tiêu biểu của huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang, vợ chồng thầy Lê Văn Nhiều, giáo viên Trường Trung học cơ sở (THCS) Phan Văn Cẩm và cô Võ Thị Thúy, giáo viên Trường Tiểu học Nguyễn Chí Liêm luôn là tấm gương sáng cho mọi người học tập.
Trong 25 năm cùng nhau chia sẻ ngọt bùi, niềm hạnh phúc của 2 vợ chồng thầy Nhiều, cô Thúy là những tấm bằng khen, giấy khen về thành tích dạy tốt, học tốt và 2 cô con gái ngoan ngoãn.
Vợ chồng thầy Nhiều, cô Thúy luôn chia sẻ niềm vui, nỗi buồn với nhau
Mặc dù điều kiện kinh tế khó khăn nhưng thầy Nhiều cho biết, trong 25 năm sống chung, vợ chồng chưa lần nào to tiếng với nhau. Tình yêu nghề giáo là mối duyên đưa họ đến với nhau, là chất keo gắn kết họ suốt 25 năm cùng nhau chia ngọt sẻ bùi.
Cùng dạy môn Văn - môn học bồi đắp tâm hồn, hướng học sinh đến những giá trị chuẩn mực, bài học đạo đức thông qua các tác phẩm văn học, thầy Nhiều và cô Thúy dễ dàng tìm tiếng nói chung trong công việc. Với thầy Nhiều, cô Thúy là người vợ đảm đang, vén khéo và là hậu phương vững chắc để thầy chuyên tâm với công tác. Để làm gương cho các con, vợ chồng thầy luôn sống hòa thuận, bình đẳng, chia sẻ những khó khăn, vất vả trong cuộc sống và quan tâm, giáo dục các con tính tự lập.
Thầy Nhiều nhớ lại, năm 1990, vợ chồng kết hôn, đồng lương giáo viên có lúc không trang trải nổi chi phí sinh hoạt, nhưng vợ chồng vẫn động viên nhau gắn bó với nghề bằng tất cả tâm huyết. Bên cạnh việc giảng dạy ở trường, vợ chồng cải tạo 4 công ruộng lên liếp chuyên canh sầu riêng. Thành quả lao động của hai vợ chồng đã giúp họ có cuộc sống ổn định hơn sau những ngày gian khó.
“Thuận vợ, thuận chồng”. Yêu nghề, chăm lo phát triển kinh tế ổn định và xây dựng gia đình đầm ấm, hạnh phúc là bí quyết của 2 vợ chồng thầy giáo Nhiều và cô Thúy.
Linh Giang
Nguồn bài viết : Thống kê 2 số cuối giải đặc biệt theo năm