Người bạn của học sinh
13 học sinh nhanh chóng chạy vào chỗ ngồi quen thuộc của mình, rồi mở cặp sách ra. Đã thành thói quen, khi bà Nam mở cửa bước vào, cả lớp đứng dậy đồng thanh hô “Nghiêm, chúng con chào bà ạ”. Bà cười rất tươi và bảo các em ngồi xuống.
Đặt túi xách lên bàn làm việc, bà đi xuống từng bàn, hỏi thăm từng học sinh mấy ngày cuối tuần thế nào? Bà xoa đầu Nguyễn Phương Anh xem còn sốt không? Hỏi em có mệt lắm không? Phương Anh lắc đầu rồi cười, ôm lấy bà. Rồi bà lại hỏi thăm Nguyễn Tuấn Anh (30 tuổi) ai đưa đi học? Đào Duy Linh đã viết xong bài tập về nhà chưa?...
Bà giáo U80 tận tình dạy em Mỹ Linh tập đọc
Mất chừng 15 phút giao lưu, hỏi han, lớp học được bắt đầu. Bà Nam cho biết, lớp học của bà áp dụng cách dạy khác nhau cho 5 đối tượng: câm điếc, tự kỷ, khuyết tật, đao, khuyết tật vận động. Bà sắp xếp cho các em ngồi theo khu vực để dễ dàng cho việc dạy. Vào buổi học hôm đó, học sinh câm điếc tập tô màu; tự kỷ tập viết chính tả; đao tập làm toán; khuyết tật tập viết và tập đọc.
18 năm qua, lớp học tình thương miễn phí của bà giáo Nam vẫn đều đặn sáng đèn từ thứ hai đến thứ sáu. Trải qua nhiều lần thay đổi địa điểm, đến nay lớp học của bà đã có một phòng học cố định đặt tại trường THCS An Dương với tên gọi rất thân mật “Lớp học tình thương quận Tây Hồ”.
Theo bà Nam, những năm đầu tiên là giai đoạn khó khăn nhất. Vì thương các cháu khuyết tật không được đến trường, bà cất công đi đến từng nhà, vận động từng phụ huynh cho con mình đến lớp. Không ít gia đình không ủng hộ và lo sợ mất tiền. Nhưng với tấm lòng và sự kiên trì của bà, lớp học được thí điểm 1 tháng với 2 cháu. Sau tháng đầu tiên, học sinh tiến bộ, lớp học của bà được tiếp tục triển khai. 2 năm tiếp theo, số lượng học sinh trong lớp tăng lên 6 em. Tính đến nay, sau 17 năm, lớp học miễn phí vẫn được duy trì và số lượt học sinh đến lớp của bà giáo cao niên lên tới con số hơn 30.
Lớp học của bà Nam không có bảng đen, phấn trắng như những lớp học khác. Với mỗi học sinh, bà có cách dạy khác nhau. Bà đến từng bàn, chỉ bảo tận tình từng ly từng tí một. Bà ngồi lại gần Mỹ Linh (16 tuổi, mắc bệnh tự kỷ) bảo Linh đọc to phần tập viết của mình. Bà chỉ từng từ yêu cầu Linh đánh vần. Dạy đi dạy lại 4 lần, Linh mới đánh vần đúng những từ mình viết: “mờ e me nặng mẹ, a nhờ anh, e mờ em”. Trong 5 phút bà ngồi bên cạnh, Linh nói liên tục và nói rất to, có lúc gằn giọng nhưng bà vẫn tỏ ra rất vui vẻ, kiên trì.
Gần 9 giờ, Lê Ngọc Trâm (15 tuổi, bị đao) mới bước vào lớp. Trâm khoanh tay chào bà và ngồi vào bàn học của mình. Bà hỏi: “Sao hôm nay Trâm đi học muộn thế? Sách vở đâu?”. Nghe bà hỏi, Trâm liền trả lời, con bị ốm nhưng khỏi rồi nên đến lớp. Con quên vở ở nhà rồi. Thế là bà lại đi lên bàn, lấy một cuốn vở mới, viết mấy chữ cho Trâm tập viết.
Sự kiên trì của bà đã được đền đáp. 2 học sinh của bà đã đi lấy chồng. 1 học sinh làm tạp vụ ở bệnh viện Phụ sản Trung ương. 1 học sinh đi bán hoa ở bên khu vực phố Lê Hồng Phong, Ba Đình. Còn lại tất cả các em trong lớp đã biết viết, biết mặt chữ, biết các con số.
Bài tập thể dục giữa giờ của học sinh trong lớp
“Bác sĩ của trẻ”
Ngoài việc dạy cho trẻ khuyết tật con chữ, công việc của bà giáo già còn chữa bệnh cho trẻ nhỏ. Bà Nguyễn Thị Dung, bà ngoại của Phương Anh tâm sự: Phương Anh bị câm từ lúc 2 tuổi. Mẹ đi lấy chồng, bố mất sớm nên em ở cùng ông bà ngoại đã ngoài 70 tuổi. Gia đình nghèo nên Phương Anh không được đến lớp. Khi biết có lớp học tình thương, bà Dung đã đến xin cho Phương Anh đi học. Sau 4 năm cần cù theo học, đến nay Phương Anh đã biết viết, tập tô, đọc hiểu được văn bản. Và đặc biệt em biết bập bẹ nói: ông, bà, bác, ạ...
“Học bà Nam sướng lắm, bà dạy rất tận tụy. Trước đây Phương Anh còn không biết nói, nhưng đến lớp bà dạy cho giờ cháu đã biết nói một số từ rồi”, bà Dung vui mừng kể. Hôm nay, nhà có việc nên Phương Anh được bà ngoại đón sớm. Vừa thấy bà, Phương Anh nở nụ cười tươi. Sau khi được bà xin phép bà Nam cho nghỉ, Phương Anh dọn sách vở gọn gàng, khoanh tay ạ và ôm lấy bà Nam trước khi ra về.
Theo bà Nam, để dạy được học sinh câm điếc, bà đã vào trường dạy trẻ câm điếc ở quận Thanh Xuân để học 15 ngày. “Với các cháu này, tôi bẻ que để tạo thành các chữ cái O, A... để các cháu biết mặt chữ. Sau đó tôi còn dạy các cháu tập phát âm”, bà Nam nói.
Trong lớp của bà, không ai biết rằng có cả học sinh bị bệnh thần kinh, hiếu động. 3 năm theo học bà, ngoài việc có thể viết theo bà, Đỗ Văn Long (12 tuổi, nhà ở Ngô Sỹ Liên) đã trở thành học sinh rất ngoan. “Những ngày đầu tiên đến lớp, Long nhảy lên bàn, hét lên, rồi có lúc đập đầu vào ghế, tường; đái dầm trong lớp. Tôi tưởng như bất lực trước học sinh này. Thế nhưng nhìn Long thương quá, tôi nghĩ rằng không chữa bệnh không thể dạy học được và còn ảnh hưởng tới các học sinh trong lớp. Tôi theo dõi Long một tuần xem sự tăng động của cháu như thế nào. Để Long bình tĩnh, trong tuần đầu tiên, buổi lên lớp nào tôi cũng cho Long 1 chiếc kẹo, ngồi bên cạnh vuốt ve, dỗ dành. Sau đó Long lăn ra ngủ, một lúc sau tỉnh dậy bắt đầu tập viết. Việc này kéo dài hơn 1 tuần thì Long bắt đầu bình tĩnh hơn, không hò hét, đập đầu nữa. Bây giờ Long biết viết theo tôi và biết ra nhà vệ sinh. Đối với trường hợp của Long phải nhẹ nhàng, chỉ được khen không được chê”, bà Nam kể lại.
Bà Nam đến từng bàn, chỉ dạy cho từng học sinh khuyết tật
Một điều rất đặc biệt, trong lớp học của bà Nam luôn có một chiếc đài cassette và lúc nào cũng bật những bài hát cách mạng. Bà Nam cho hay, nó là đài chống bệnh tự kỷ, thiểu năng. Trước đây, lớp học rất im lặng, các em thì thụ động. "Tôi nghĩ ngay là nên có cách nào đó để lớp học vui vẻ hơn. Khi có chiếc đài, không khí học khác hẳn. Lúc đầu tiên vào lớp, tôi bật đài thật to để đón các em. Trong giờ học đài bật nhỏ hơn, có tiếng hát, học sinh tự kỷ, thiểu năng sẽ thấy sảng khoái đầu óc, không nghĩ ngợi linh tinh" – bà Nam chia sẻ.
Đúng 9 giờ, bà Nam cất cao giọng “Đến giờ rồi, tất cả lớp đứng dậy”. Nghe hiệu lệnh của bà giáo, tất cả học sinh đặt bút xuống bàn và đứng dậy, tập thể dục theo nhịp bài hát “Cô dạy em, tập thể dục buổi sáng. Một hai ba bốn hít thở hít thở...”. Theo bà, bên cạnh việc tập viết, tập đọc, các em phải rèn luyện sức khỏe, rèn luyện thói quen. Việc tập thể dục giữa giờ vừa giúp các em rèn luyện sức khỏe, vừa giúp các em thư giãn sau 1 tiếng học bài. Và nhiều năm nay, bà đã hình thành được thói quen tốt cho học sinh.
Đến đón con gái, cô Phan Thanh Vân, mẹ của Hoàng Minh Huyền (18 tuổi, ở Đông Ngạc, Từ Liêm) cho biết, “Cháu Huyền bị thiểu năng, chậm phát triển từ nhỏ. Tôi đã cho cháu đi học ở trường tiểu học Bình Minh nhưng vì cháu lớn hơn so với các em nên không thể theo học được nữa. Về nhà vài năm tôi được biết có lớp học của bà Nam nên đến xin cho con theo học. Từ khi học lớp bà về, Huyền cũng thay đổi hẳn, biết nghe lời bố mẹ, biết giúp mẹ việc nhà và không cãi mẹ nữa. Vì bà không chỉ dạy chữ mà bà còn dạy Huyền cách cư xử và giao tiếp”, cô Dung vừa kể tới thì Huyền chạy ra. Thấy người lạ, em nấp sau người mẹ. Nhưng khi được mẹ giới thiệu, Huyền tỏ ra vui vẻ và chào rất lễ phép.
Với bà Nam, hai tiếng dạy trên lớp khiến cho bà rất mệt. Bởi vì bà dạy theo phương pháp tự biên tự diễn, phụ thuộc vào tình hình học sinh ngày hôm đó. Tuy nhiên, bà nói rằng, với học sinh khuyết tật, dạy chữ một phần nhưng phải chữa được bệnh cho các cháu. Mỗi học sinh mới đến lớp, bà đều theo dõi diễn biến tâm lý để xem có vấn đề gì và đưa ra cách dạy riêng cho mỗi cháu. “Các cháu khuyết tật thật sự rất thèm được học. Vì vậy, dù có mệt nhưng những ngày trong tuần, tôi đều cố gắng đến lớp đầy đủ. Tôi chỉ sợ, khi mình không còn sức khỏe, không ai dạy thay thì các cháu không có lớp học”, bà Nam lo lắng giãi bày.
Bà giáo Hồ Hương Nam – công dân Thủ đô ưu tú Trong dịp kỷ niệm 60 năm Giải phóng Thủ đô (10/10/2014), bà Hồ Hương Nam là 1 trong 10 người được UBND TP Hà Nội vinh danh Công dân Thủ đô ưu tú vì những đóng góp của bà đối với sự nghiệp giáo dục Thủ đô. Bà Nam sinh ra và lớn lên tại thành phố Huế, sau đó ra Bắc dạy học tại trường tiểu học Hoàng Hoa Thám (Hà Nội). Khi nghỉ hưu, bà tự mở lớp dạy trẻ em khuyết tật từ năm 1997 tại trường THCS An Dương. |
Bài & ảnh: Thanh Phương
Nguồn bài viết : Thống kê giải đặc biệt