Giữa năm 2019 ngành y tế sẽ đồng loạt triển khai hồ sơ bệnh án điện tử. ảnh minh họa Internet. |
Tại Hội thảo về ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong y tế tại Việt Nam tổ chức tại Hà Nội mới đây, ông Trần Quý Tường, Cục trưởng Cục CNTT, Bộ Y tế cho biết, Bộ Y tế đã triển khai xong phần mềm bệnh án điện tử, dự kiến giữa năm 2019 sẽ tổ chức hội nghị hướng dẫn triển khai trên toàn quốc. Về cơ sở pháp lý Bộ Y tế cũng đã ban hành được hai thông tư về ứng dụng CNTT trong ngành y tế, Thông tư 54 về tiêu chí phần mềm bệnh viện và thông tư 46 về hồ sơ bệnh án điện tử. Đặc biệt, trong thông tư 46 có quy định rất quan trọng đó là “bệnh án điện tử có cơ sở pháp lý tương tự như bệnh án giấy”, đây là cơ sở pháp lý rất quan trọng để triển khai hồ sơ bệnh án điện tử trên các bệnh viện và cơ sở y tế trên toàn quốc.
Trả lời câu hỏi của ICTnews về việc khi triển khai hồ sơ bệnh án điện tử thì có liên thông được kết quả xét nghiệm, kết quả khám chữa bệnh từ tuyến dưới lên tuyến trên hay không? Ông Trần Quý Tường cho hay, Bộ Y tế hiện đang xây dựng để ban hành quy định về chuẩn liên thông, khi các cơ sở y tế kết nối liên thông vào phần mềm hồ sơ bệnh án điện tử thì các cơ sở y tế sẽ xem được kết quả khám chữa bệnh của bệnh nhân từ tuyến dưới lên tuyến trên. Và hiện giờ dù chưa ban hành chuẩn liên thông thì những cơ sở y tế đã triển khai hồ sơ bệnh án điện tử vẫn xem được kết quả của nhau.
Ông Trần Quý Tường, Cục trưởng Cục CNTT Bộ Y tế. |
Hiện nay nhiều bệnh nhân phàn nàn khi đến mỗi một cơ sở y tế để khám bệnh thì phải làm xét nghiệm lại toàn bộ, vì các bệnh viện chưa công nhận kết quả xét nghiệm của nhau, nhất là khi người dân ở các tuyến dưới chuyển lên tuyến trên khám chữa bệnh, có khi hôm trước vừa xét nghiệm ở bệnh viện này, hôm sau đến bệnh viện khác lại phải xét nghiệm lại. Vậy câu hỏi đặt ra cho ngành y tế là khi đã áp dụng hồ sơ bệnh án điện tử thì các kết quả xét nghiệm của bệnh viện này có được công nhận ở bệnh viện khác hay không? Ông Trần Quý Tường cho hay, khi áp dụng hồ sơ bệnh án điện tử Bộ Y tế sẽ ban hành một là chuẩn liên thông giữa các cơ sở y tế, hai là ban hành quy định về chuẩn của các phòng xét nghiệm. Khi các phòng xét nghiệm đã đạt chuẩn quy định rồi, thì kết quả của phòng xét nghiệm này trong một thời gian bao lâu đó khi đi khám chữa bệnh ở cơ sở y tế khác người bệnh sẽ không phải xét nghiệm lại nữa.
Hiện nay, nhiều bác sỹ ở các bệnh viện tuyến trung ương cho biết, việc áp dụng hồ sơ bệnh án điện tử khiến các bác sỹ bận rộn hơn vì vừa phải nhập dữ liệu vào máy, vừa ghi chép bệnh án như trước đây, khiến cho các bác sỹ bị quá tải. Ông Trần Quý Tường công nhận hiện tại trong giai đoạn đầu đúng là các bác sĩ có bận hơn thật, vì họ vừa phải ghi chép bệnh án giấy, vừa phải nhập dữ liệu vào bệnh án điện tử. Nhưng sau này, khi đã loại bỏ hoàn toàn hồ sơ bệnh án giấy rồi, chỉ dùng mỗi hồ sơ bệnh án điện tử thì sẽ rất nhanh và thuận tiện hơn trước đây.
Cũng theo ông Trần Quý Tường, thông tư 54 và Thông tư 46 của Bộ Y tế là đủ cơ sở pháp lý để số hóa toàn bộ văn bản giấy tờ trong ngành y tế. Bộ Y tế cơ bản có khung pháp lý để xây dựng bệnh viện không sử dụng bệnh án giấy, không sử dụng tiền mặt. Về nhiệm vụ này, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã có chỉ đạo rất ngắn gọn: “không giấy tờ và không tiền mặt”. Ngành y tế phấn đấu tiến tới 90% là không sử dụng bệnh án giấy, hiện nay đã có đầy đủ cơ sở pháp lý coi bệnh án điện tử có giá trị đầy đủ, tương đương như bệnh án giấy.
Bộ Y tế là một trong số ít bộ ngành đã ban hành những văn bản pháp lý làm cơ sở tăng cường công tác QLNN và CNTT trong y tế, từng bước hoàn thành khung pháp lý về CNTT trong ngành y tế. Cụ thể, Bộ Y tế đã ban hành thông tư ban hành thông tư 54 về tiêu chí phần mềm bệnh viện và thông tư 46 về hồ sơ bệnh án điện tử. Bộ Y tế đã triển khai hệ thống V.office, hệ thống thư điện tử bộ y tế, kết nối với các bộ ngành địa phương, 37 dịch vụ công mức trực tuyến độ 3,4.
Nguồn bài viết : Video thể thao