Dấu ấn hành trình thúc đẩy trao quyền năng kinh tế cho phụ nữ Việt Nam |
Nghị lực vươn lên của người phụ nữ khuyết tật |
Diễn đàn do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và Cơ quan Liên hợp quốc về Bình đẳng giới và trao quyền cho Phụ nữ (UN Women) tại Việt Nam đồng tổ chức. Khoảng 300 đại biểu từ các đại sứ quán, cơ quan Liên hợp quốc, tổ chức quốc tế tại Việt Nam, các cơ quan, bộ ngành, Hội Liên hiệp Phụ nữ cấp Trung ương và tỉnh/thành, các doanh nghiệp và tổ chức xã hội Việt Nam tham gia sự kiện theo hình thức trực tiếp và trực tuyến.
Trao quyền hành động cho phụ nữ
Phát biểu khai mạc, bà Hà Thị Nga, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam khẳng định, vấn đề phụ nữ, hòa bình và phát triển có sự gắn kết chặt chẽ, trong đó người phụ nữ là nhân vật trung tâm, đóng góp quan trọng trong giữ gìn hòa bình, ổn định an ninh và phát triển đất nước. Mỗi quốc gia, dân tộc và phụ nữ không thể phát triển khi chiến tranh, xung đột, bạo lực và những thách thức về an ninh còn tồn tại.
Theo bà Hà Thị Nga, thế giới đang đứng trước những thách thức lớn về an ninh, cả truyền thống và phi truyền thống, đe dọa đẩy lùi những thành quả của phát triển bền vững. Trong môi trường bất ổn và những tình huống khủng hoảng thì phụ nữ, trẻ em thường là đối tượng dễ bị tổn thương nhất, nhưng đồng thời cũng là nhân tố tích cực trong ngăn ngừa, xử lý khủng hoảng và tham gia kiến tạo, gìn giữ hòa bình. Trong bối cảnh đó, vấn đề phụ nữ, hòa bình và an ninh càng trở nên quan trọng và cấp thiết.
Bà Hà Thị Nga, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phát biểu khai mạc diễn đàn (Ảnh: Thành Luân). |
Tại Việt Nam, thực tế đã chứng minh vai trò quan trọng của phụ nữ trong lĩnh vực hòa bình và an ninh. Trong cuộc đấu tranh vì độc lập dân tộc, phụ nữ là những chiến sỹ cách mạng kiên cường bất khuất, là hậu phương vững chắc cho tiền tuyến, đồng thời tham gia tích cực vào công tác đấu tranh trên mặt trận ngoại giao, kiến tạo và đề xuất các giải pháp vì hòa bình.
Khi hoà bình lập lại, phụ nữ cũng chính là lực lượng tích cực tham gia khắc phục hậu quả, hàn gắn vết thương chiến tranh, đồng thời là thành phần quan trọng trong nhiều lĩnh vực, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Là tổ chức đại diện cho quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của các tầng lớp phụ nữ Việt Nam, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam đóng vai trò tích cực trong xây dựng xã hội an toàn, hòa bình và ổn định. “Chúng tôi muốn khẳng định cam kết của Hội đối với việc thực hiện chương trình nghị sự chung về phụ nữ, hòa bình và an ninh, đồng thời kêu gọi sự chung tay của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước góp phần xây dựng một cộng đồng hòa bình, an toàn cho tất cả mọi người”, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam nói.
Chia sẻ tại diễn đàn, ông Thomas Wiersing, Đại biện lâm thời - Phó Đại sứ Liên minh châu Âu tại Việt Nam - nhấn mạnh, phụ nữ là những chủ thể tận tâm nhất giúp định hình giải quyết xung đột một cách thực sự và công bằng. Trong thời điểm hiện nay, Việt Nam và EU nỗ lực thực hiện các mục tiêu về phụ nữ, hòa bình và an ninh.
"Chúng tôi tin tưởng rằng phụ nữ và trẻ em gái từ mọi thành phần nên tham gia và định hình tất cả các vấn đề liên quan đến hòa bình và an ninh từ ngăn ngừa xung đột đến giải quyết xung đột. Phụ nữ cũng đóng vai trò then chốt trong ngăn chặn và bảo vệ khỏi bạo lực liên quan đến xung đột, trong đó có bạo lực tình dục và bạo lực trên cơ sở giới", Phó Đại sứ Liên minh châu Âu tại Việt Nam nói.
Quang cảnh diễn đàn (Ảnh: Thành Luân). |
Theo bà Pauline Tamesis, Điều phối viên Thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam, Chính phủ Việt Nam đã đóng vai trò hàng đầu trong đề xuất và thông qua Nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc 1889. Năm 2009, Nghị quyết 1889 được thông qua đã đáp ứng nhu cầu của phụ nữ và trẻ em gái trong giai đoạn sau xung đột. Đây cũng là Nghị quyết đầu tiên được Việt Nam thông qua.
Ngoài ra, Việt Nam đã và đang tích cực thực hiện Công ước của Liên hợp quốc về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (CEDAW), đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong thực hiện các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ (MDG) và hiện tại là Chương trình nghị sự 2030 về các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDG), bao gồm Mục tiêu 5 - Thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ.
Trong những năm gần đây, Việt Nam đã chủ động tham gia vào các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc. Kể từ năm 2014, Việt Nam đã triển khai 512 quân nhân đến các Phái bộ gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, trong đó có Cộng hòa Dân chủ Congo và Nam Sudan. Chính phủ Việt Nam cũng đang có kế hoạch triển khai thêm phụ nữ đến các Phái bộ Liên hợp quốc, đặc biệt là các nữ cảnh sát để bảo vệ dân thường toàn cầu trong bối cảnh có xung đột và hậu xung đột.
"Việt Nam có thể đạt được mục tiêu mà Tổng Thư ký Liên hợp quốc đã đặt ra là có được 15% phụ nữ trong đội ngũ quân đội và 25% phụ nữ trong nhóm sĩ quan tham mưu vào năm 2028 nếu Việt Nam tiếp tục thực hiện các bước đi mạnh dạn hướng nhằm thực hiện thành công các mục tiêu này", bà Pauline Tamesis nhận xét.
Thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ trong hòa bình, an ninh
Nhấn mạnh phụ nữ cần phải được nhìn nhận vừa là đối tượng của những nỗ lực xây dựng hòa bình vừa là nhân tố, lực lượng chủ chốt tham gia xây dựng hòa bình, bà Nguyễn Phương Nga, Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam cho rằng, để phát huy và nâng cao vai trò của phụ nữ trong xây dựng hòa bình cần trao quyền cho phụ nữ dưới nhiều hình thức như trao quyền năng kinh tế, trao quyền giáo dục, quyền văn hóa, xã hội, trao quyền năng chính trị.
Bà Nguyễn Phương Nga, Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam phát biểu (Ảnh: Minh Thúy). |
Theo bà Nguyễn Phương Nga, cần thúc đẩy phụ nữ trong việc tham gia chính quyền, đảm bảo sự đại diện bình đẳng về giới trong chính trị, tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào các vị trí quản lý, lãnh đạo ở tất cả các cấp hoạch định chính sách nhằm từng bước giảm dần khoảng cách giới trong lĩnh vực chính trị là vô cùng cần thiết.
"Lồng ghép giới vào trong các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước và thực hiện một cách thực chất. Tiếp tục rà soát các chính sách hiện hành, quan tâm xem xét sửa đổi phù hợp để đảm bảo bình đẳng về cơ hội giữa cán bộ nam và nữ. Tạo điều kiện để phụ nữ có thể có cơ hội thể hiện năng lực và đóng góp tốt hơn cho công cuộc phát triển chung của đất nước. Đồng thời cần định kỳ tổ chức giám sát, đánh giá và có các chế tài thích hợp để bảo đảm tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào chính trị...", Chủ tịch Nguyễn Phương Nga nhấn mạnh.
Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam cũng đề nghị, tăng cường hơn nữa các nỗ lực chống và xoá bỏ tình trạng bạo lực chống phụ nữ và trẻ em, trong đó có bạo lực gia đình, kết hợp giữa nghiêm khắc thực thi pháp luật với giáo dục, nâng cao nhận thức về xây dựng văn hoá hoà bình, xã hội hoà bình, đặc biệt tại các cơ sở giáo dục để nâng cao nhận thức và khả năng tự bảo vệ của trẻ em, tăng cường công tác truyền thông để xoá bỏ định kiến, thay đổi nhận thức của xã hội về vai trò phụ nữ.
Trong đề xuất cuối, bà Nguyễn Phương Nga nhấn mạnh việc cần tăng cường hợp tác quốc tế, chú trọng đào tạo, nâng cao năng lực phụ nữ để tăng cường sự tham gia của phụ nữ Việt Nam vào các hoạt động gìn giữ hoà bình, kiến tạo và xây dựng hoà bình của Liên hợp quốc.
Cũng tại chương trình, bà Trần Lan Phương, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, đã đề nghị cần thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa việc xây dựng nền văn hóa hòa bình, trong đó chú trọng tới việc xây dựng nhận thức, thái độ và hành vi quý trọng hòa bình, phê phán và loại bỏ bạo lực, giải quyết các tranh chấp trong xã hội và gia đình trên cơ sở pháp quyền và tôn trọng lẫn nhau, đề cao lối sống nhân văn và văn minh. Phát huy vai trò của phụ nữ trong giáo dục, kiến tạo văn hóa hòa bình; đẩy mạnh nội hàm vận động xã hội thực hiện bình đẳng giới, phòng chống bạo lực trong gia đình, xã hội.
Tuyên truyền nâng cao nhận thức về vấn đề phụ nữ, hòa bình và an ninh theo nghĩa rộng, không chỉ ở khái cạnh an ninh truyền thống mà cả ở khía cạnh phi truyền thống như biến đổi khí hậu, dịch bệnh, an ninh, an toàn trên không gian mạng để huy động sự chung tay trong các nỗ lực ứng phó.
Tăng cường ghi nhân và nâng cao hiệu quả sự đóng góp của phụ nữ đối với hòa bình, an ninh ở các cấp độ: quốc gia, khu vực và quốc tế. Tiếp tục thúc đẩy vấn đề phụ nữ trong các chương trình nghị sự khu vực và quốc tế. Tăng cường huy động nguồn lực và ứng dụng công nghệ thông tin cho các sáng kiến về phụ nữ, hòa bình và an ninh...
Tại diễn đàn, đại diện các cơ quan, tổ chức liên quan đã trao đổi thông tin, kinh nghiệm và sáng kiến hợp tác nhằm thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ trong hòa bình và an ninh; tăng cường sự quan tâm và cam kết đồng hành của cộng đồng quốc tế, cơ quan, tổ chức trong nước về lĩnh vực này. Các đại biểu cũng thảo luận các sáng kiến chính sách nhằm thúc đẩy chương trình nghị sự chung về phát triển bền vững, trong đó có phụ nữ, hòa bình và an ninh. |
Tham vấn khảo sát về đầu tư tài chính cho bình đẳng giới tại Đà Nẵng |
WEF: Phụ nữ là đối tượng bị tổn thương nhất trong khủng hoảng |