Một người dùng Reddit – tự nhận là kỹ sư Nokia tại thời điểm nó được mua lại bởi Microsoft – đã tiết lộ 4 yếu tố chính đằng sau thất bại của Windows Phone.
Có rất nhiều lý do khiến Microsoft thua cuộc trong lĩnh vực di động, bao gồm cả cách tiếp cận cấp phép cho Windows Phone. Các đối tác như Samsung không tung ra các thiết bị cầm tay Windows Phone tiên tiến nào và thất bại trong việc thu hút các nhà phát triển ứng dụng của Microsoft.
Có rất nhiều nguyên nhân khiến Windows Phone thất bại
Nhưng mới đây, một cựu kỹ sư của Nokia, người có mặt ở văn phòng Boston của Nokia tại thời điểm nó được bán lại cho Microsoft, đã chia sẻ những lý do chính mà ông cho rằng khiến Windows Phone thất bại. Ông nhấn mạnh rằng ông không phải là kỹ sư từ trụ sở của Nokia ở Phần Lan mà chỉ làm việc như là "kỹ sư phát triển phần mềm thông thường" từ văn phòng Boston.
Kỹ sư này đã gia nhập Nokia vào thời điểm sau thỏa thuận của công ty với Microsoft vào năm 2011 để đưa Windows Phone 7 lên tất cả smartphone của họ và sau đó ông làm việc trên cửa hàng ứng dụng cho Nokia X, điện thoại Android đầu tiên mà Nokia ra mắt trước khi Microsoft mua lại.
Kỹ sư này chia sẽ trong bài đăng trên Reddit rằng: "Có nhiều yếu tố đã gây ra sự sụp đổ của Windows Phone nhưng đây là những yếu tố mà theo tôi là nổi bật nhất".
Thất bại trong việc tạo ra Android là tiếc nuối lớn nhất của nhà đồng sáng lập Microsoft, Bill Gates. Tuy nhiên, kỹ sư này tin rằng Microsoft đã đánh giá thấp Google và giá trị của các dịch vụ như Gmail, tìm kiếm và Bản đồ trên thiết bị di động. Năm 2012, Google đã ngừng hỗ trợ trong việc tạo ra các ứng dụng cho Windows Phone 8 và Windows 8.
Kỹ sư này cho biết: "Rõ ràng Apple đã trở nên rất "hot" và Microsoft biết điều đó, nhưng Google mới tham gia kinh doanh hệ điều hành và họ chưa thực sự nghiêm túc. Android lúc đó khá thô, nhưng giá trị thực sự là các dịch vụ của Google; khi Google loại bỏ Microsoft khỏi YouTube, Maps, Gmail… Windows thực sự trở nên rẻ tiền".
Nguyên nhân thứ 2 là "Windows 8" và sự kỳ thị đối với giao diện Metro của Microsoft, được cho là hoạt động tốt trên thiết bị di động có màn hình cảm ứng chạy Windows Phone 7 nhưng không được đón nhận khi Microsoft đưa nó lên máy tính để bàn trong Windows 8.
Giao diện Metro bị nhiều người dùng kỳ thị
Cựu kỹ sư Nokia viết: "Trước Windows 8, WP tạo ra rất nhiều sự tò mò cho mọi người. Sau Windows 8, mọi người đã liên kết cả hai với nhau như những sản phẩm tồi mặc dù các đội đứng sau hoạt động độc lập với nhau. Mọi thứ hoạt động kém trên Windows 8 không phản ánh trải nghiệm của người dùng trên Windows Phone. Ngay cả với Windows 10, sự kỳ thị đối với Metro không bao giờ chấm dứt".
Kỹ sư này còn lập luận rằng bản thân Microsoft cũng có tiếng xấu sau một thập kỷ là công ty công nghệ thống trị.
Người này nói: "Đó là một thời điểm khủng khiếp, những chàng trai trẻ lớn lên ghét Microsoft đang tạo ra những công ty khởi nghiệp lớn với những nền tảng khác".
Cuối cùng, vào năm 2014, người dùng di động đã tự tìm đến iOS hoặc Android.
"Ngay cả khi Windows Phone có ứng dụng hoặc bất cứ thứ gì nó thiếu thì đó cũng không phải là lí do đủ sức thuyết phục người dùng chuyển đổi. Ngay hiện tại, tôi cũng cảm thấy con số hoán đổi giữa 2 nền tảng Android và iOS là khá thấp".
Cựu kỹ sư này lưu ý, theo thỏa thuận năm 2011 với Microsoft, Nokia không có ý định ra mắt điện thoại Android.
Tuy nhiên, công ty đã khắc phục điều đó bằng cách phân loại thiết bị Android của mình thành điện thoại cơ bản còn điện thoại Lumia cao cấp sẽ chạy Windows Phone. Kỹ sư này nhận thấy rằng mã hóa cho Windows Phone cũng vượt trội so với Android.
Ông viết: "Vì Nokia X là một bí mật, họ không thể ra ngoài và quảng cáo cho các sản phẩm chạy Android. Thay vào đó, họ chỉ thuê các kỹ sư Java và tiến hành mã hóa nội bộ.
Cuối cùng, khi mọi thứ gần hoàn thành, tôi đã làm việc trên cửa hàng ứng dụng X, đây là lần đầu tiên tôi làm cho Android. Android Studio ở thời kỳ đầu nên chúng tôi vẫn còn sử dụng Eclipse vốn thiếu thốn nhiều công cụ hơn so với Visual Studio. Mã hóa công ty dành cho Windows Phone luôn tốt hơn so với Android".
Tham khảo: ZDNet
Nguồn bài viết : AFB Điện Tử