2025-01-15 20:02:24

Chiều 7/10, tại Đại học Quốc gia Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế Thế giới, Giáo sư Klaus Schwab đã giao lưu với sinh viên, thanh niên Việt Nam với chủ đề “Định vị Việt Nam trong kỷ nguyên công nghệ thông minh - Tầm nhìn cho thế hệ trẻ.”

Cùng dự có: Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn; Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy; Đại sứ Thụy Sĩ tại Việt Nam Thomas Gass; lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương; đặc biệt có gần 500 sinh viên các trường Đại học tại khu vực Hà Nội.

Tại buổi giao lưu, Giáo sư Klaus Schwab, Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) chia sẻ bức tranh tổng quan về các lực lượng đang định hình thế giới, với nhiều yếu tố biến đổi và phức tạp hơn, mang lại cả thách thức và cơ hội cho tất cả các quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Lấy ví dụ về vai trò, sự xuất hiện của trí tuệ nhân tạo (AL) trong đời sống xã hội, Giáo sư cho rằng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp đang diễn ra hết sức mạnh mẽ; cùng với đó là hợp tác công-tư ngày càng có vai trò quan trọng, đặc biệt là đề cao tầm quan trọng của hội nhập, hợp tác quốc tế…

Cho rằng thế giới đang có sự chuyển đổi từ một trật tự toàn cầu ổn định sang một thế giới đa cực, Việt Nam đang có vị trí, vai trò ngày càng cao; từ thời đại công nghiệp sang thời đại thông minh; sự suy thoái về môi trường và biến đổi khí hậu; những biến chuyển về môi trường xã hội, với sự phân cực ngày càng gia tăng trong xã hội…, đặt ra nhiệm vụ mỗi quốc gia phải phát phát triển xanh, bao trùm cả kinh tế, môi trường, xã hội, không ai bị bỏ lại phía sau.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Giáo sư Klaus Schwab, Chủ tịch sáng lập Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) với sinh viên, thanh niên Việt Nam. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Chủ tịch WEF nhấn mạnh, các bạn trẻ là tương lai của Việt Nam và những biến chuyển được đưa ra thảo luận chính là những yếu tố sẽ định hình sự nghiệp, cơ hội và cuộc sống của các bạn; thời đại thông minh không chỉ là một khái niệm trừu tượng, đó là một thực tế mà những người trẻ tuổi của Việt Nam sẽ sống, lao động và học tập trong đó.

Nhấn mạnh, ngoài công nghệ, cơ hội thực sự vẫn nằm ở nhân tố con người, Giáo sư Klaus Schwab cho rằng, học sinh, sinh viên, thanh niên Việt Nam không chỉ trang bị cho mình tri thức, các kỹ năng, năng lực chuyên môn mà còn gồm cả môi trường, xã hội và lợi thế địa chính trị, nghĩa vụ quốc tế - tất cả đều là những yếu tố quan trọng cho một xã hội thịnh vượng và phát triển bao trùm…

Nhất trí với Giáo sư Klaus Schwab về cách tiếp cận bao trùm, toàn diện, phản ánh xu hướng phát triển của thời đại mới khi đề cập “kỷ nguyên thông minh”, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng, sự thông minh không chỉ đơn thuần là sự phát triển bùng nổ của công nghệ mới mà còn gắn kết, cộng hưởng ở nhiều khía cạnh rộng lớn khác gồm các khía cạnh: thông minh trong phát triển kinh tế, thông minh trong phát triển và xử lý các vấn đề xã hội, thông minh trong ứng xử với môi trường, thông minh trong quan hệ chính trị và hợp tác quốc tế…, kỷ nguyên thông minh phải là kỷ nguyên phát triển vì con người, phục vụ con người, lấy con người làm trung tâm, chủ thể.

Thông tin về định hướng phát triển, Thủ tướng cho biết Việt Nam xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; xuyên suốt quá trình đó lấy người dân là trung tâm, chủ thể, nguồn lực, động lực của sự phát triển; không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội, môi trường lấy tăng trưởng kinh tế đơn thuần.

Nhận định về những thách thức và cơ hội của các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam trong bối cảnh hiện nay, Thủ tướng Chính phủ cho biết, phát triển bền vững, bao trùm trên cơ sở ứng dụng khoa học - công nghệ hiện đại, thúc đẩy mạnh mẽ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo đang là xu thế tất yếu, yêu cầu khách quan, lựa chọn chiến lược và ưu tiên hàng đầu của thế giới ngày nay.

“Đây là vấn đề có tính toàn cầu, tác động đến toàn dân, toàn diện, đến mọi hoạt động của con người, mọi quốc gia, vì vậy, cần đề cao chủ nghĩa đa phương, đoàn kết quốc tế để thúc đẩy và mọi người dân đều được thụ hưởng thành quả của khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và kỷ nguyên thông minh mang lại”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng cũng chỉ rõ 3 thách thức lớn gồm: khoảng cách về công nghệ, thiếu hụt về hạ tầng; quy mô kinh tế, nguồn lực còn hạn chế, đất nước đang phát triển, nền kinh tế đang chuyển đổi; biến đổi khí hậu, thiên tai ngày càng phức tạp, khó lường, đe dọa an ninh lương thực - nguồn nước - năng lượng.

Trong khi đó, cũng có 03 cơ hội mà các nước đang phát triển có thể nắm bắt là: cơ hội từ người đi sau, đi thẳng lên những công nghệ, giải pháp mới nhất; nguồn nhân lực dồi dào, trong đó có vai trò, đóng góp quan trọng của các bạn sinh viên, thanh niên; hợp tác quốc tế và chủ nghĩa đa phương là xu thế không thể đảo ngược.

Định vị Việt Nam trên bản đồ phát triển của thế giới trong kỷ nguyên thông minh; đề cao yếu tố bản lĩnh, tự tin, khát vọng vươn lên, Thủ tướng cho biết, Việt Nam đang nỗ lực thúc đẩy thực hiện đồng bộ hoàn thiện thể chế; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; phát triển các hạ tầng đồng bộ, hiện đại; huy động mọi nguồn lực cho phát triển; đẩy mạnh chuyển giao công nghệ và khoa học quản trị.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Giáo sư Klaus Schwab, Chủ tịch sáng lập Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) với sinh viên, thanh niên Việt Nam. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Thủ tướng cho biết, Việt Nam từ một nền kinh tế kém phát triển thành nền kinh tế đang phát triển có thu nhập trung bình, đứng thứ 34 trong các nền kinh tế lớn nhất thế giới; từ một nước nghèo, lạc hậu trở thành quốc gia có chỉ số phát triển con người nằm trong nhóm cao nhất trong số các nền kinh tế có cùng trình độ phát triển; từ chỗ bị bao vây cô lập đã trở thành hình mẫu về hàn gắn, vươn lên sau chiến tranh với quan hệ đối ngoại rộng mở, toàn diện và hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả, là đối tác tin cậy, thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, tích cực đóng góp vào quá trình giải quyết các thách thức chung của thế giới và khu vực.

Chia sẻ về tầm nhìn trong kỷ nguyên phát triển mới, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, sự đổi mới của đất nước bắt nguồn từ mùa xuân của tuổi trẻ; chính sinh viên, thanh niên sẽ là chủ nhân của Kỷ nguyên thông minh, là động lực cho sự vươn mình của dân tộc; phải có hoài bão, khát vọng, bản lĩnh, tự tin đi lên; mong muốn sinh viên, thanh niên Việt Nam tiên phong trong phát triển tri thức, kỹ năng số và công nghệ, tiên phong đổi mới sáng tạo, làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống và thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới, kết hợp sức mạnh dân tộc và thời đại.

Cho biết, Việt Nam sẽ tiếp tục nỗ lực thúc đẩy thực hiện đồng bộ 03 đột phá chiến lược về thể chế, nguồn nhân lực và hạ tầng, Thủ tướng khẳng định, Việt Nam cam kết luôn đồng hành và lắng nghe những ý kiến của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, cộng đồng doanh nghiệp, các bạn trẻ thanh niên và sinh viên, các chuyên gia, nhà khoa học liên quan đến cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4, về đổi mới sáng tạo để chúng ta vững bước tiến vào kỷ nguyên thông minh.

Nhắc lại lời Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu có câu “Một năm khởi đầu từ mùa xuân. Một đời khởi đầu từ tuổi trẻ. Tuổi trẻ là mùa xuân của xã hội”, Thủ tướng Chính phủ tin tưởng các bạn sinh viên sẽ là mùa xuân của kỷ nguyên thông minh; bày tỏ tin tưởng và kỳ vọng vào thế hệ trẻ - lực lượng nòng cốt trong giai đoạn phát triển sắp tới của đất nước.

Cảm ơn về sự hợp tác, hỗ trợ Việt Nam mà Giáo sư Klaus Schwab và Diễn đàn kinh tế Thế giới dành cho Việt Nam, Thủ tướng đề nghị Chủ tịch Klaus Schwab và WEF sẽ có thêm nhiều sáng kiến hỗ trợ, tạo điều kiện cho các bạn sinh viên, thanh niên tại các quốc gia đang phát triển, trong đó có Việt Nam, có thêm cơ hội tiếp cận và làm chủ những công nghệ tiên tiến thông qua các chương trình, dự án của WEF.

Tại chương trình, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Giáo sư Klaus Schwab chia sẻ, giải đáp nhiều câu hỏi của sinh viên về định hướng phát triển của Việt Nam và vai trò, trách nhiệm của người trẻ trong kỷ nguyên thông minh, nhấn mạnh tầm quan trọng của thế hệ trẻ Việt Nam đóng góp vào sự phát triển của đất nước.

Chia sẻ về định vị và lời khuyên cho Việt Nam trong 20 năm sau, Giáo sư Klaus Schwab cho rằng, trong tình hình quốc tế hiện nay, Việt Nam nên giữ thế trung lập, là cầu nối cho thế giới trong nỗ lực ứng phó với các thách thức toàn cầu; cho rằng trong khoảng 40 năm tới GDP Việt Nam có thể tăng 16 lần và trở thành nước có trình độ phát triển cao.

Để đạt được điều đó, thế hệ trẻ Việt Nam phải tham gia phát triển, ứng dụng công nghệ hiệu quả để làm chủ kỷ nguyên cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Cũng về nội dung này, Thủ tướng Chính phủ cho biết, Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Để thực hiện mục tiêu này, Việt Nam đang thực hiện công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; khai thác hiệu quả nguồn lực nội sinh, kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại, trong đó thực hiện 3 đột phá chiến lược; mong muốn giới trẻ phát huy truyền thống lịch sử, văn hóa hào hùng của dân tộc, tự tin, khát vọng, hoài bão vươn lên; phát huy hết khả năng của mỗi bản thân và đóng góp vào sự phát triển đất nước.

Trả lời câu hỏi về kế hoạch của Việt Nam trong hợp tác với các tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới để phát triển khoa học công nghệ, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, Việt Nam đang tập trung thực hiện 3 đột phá chiến lược, gồm thể chế, đào tạo nguồn nhân lực, hạ tầng, trong đó có hạ tầng số; đã ban hành và triển khai Đề án phát triển nguồn nhân lực công nghiệp bán dẫn và Chiến lược phát triển ngành công nghiệp bán dẫn; có cơ chế, chính sách huy động nguồn lực cả trong nước và quốc tế; giữ môi trường hòa bình, hợp tác, phát triển; kết nối chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng toàn cầu, phát triển khoa học, công nghệ.

Chia sẻ về lĩnh vực công nghệ Việt Nam cần tập trung đầu tư, phát triển, nhất trí với ý kiến của Giáo sư Klaus Schwab, Thủ tướng Chính phủ cho rằng có nhiều dạng công nghệ, nhiều loại công nghệ khác nhau và có mối liên hệ với nhau, Việt Nam sẽ tập trung phát triển công nghệ phù hợp và có thể phát huy tốt nhất năng lực, sở trường của con người Việt Nam và điều kiện Việt Nam trong môi trường thế giới…

Phần chia sẻ, giải đáp của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Giáo sư Klaus Schwab được các giảng viên, sinh viên các trường Đại học Việt Nam nhiệt liệt hoan nghênh. Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội Lê Quân cho rằng, chia sẻ của Thủ tướng Phạm Minh Chính và Giáo sư Klaus Schwab về những xu hướng phát triển kinh tế và công nghệ mở ra cho các em sinh viên một tầm nhìn mới về vai trò của mình trong sự phát triển của đất nước và thế giới; tạo động lực, truyền cảm hứng cho các em phấn đấu trở thành những người tiên phong đưa Việt Nam lên một tầm cao mới trong kỷ nguyên thông minh./.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Chủ tịch WEF giao lưu với sinh viên Việt Nam

Chiều 7/10/2024, tại Đại học Quốc gia Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Giáo sư Klaus Schwab, Chủ tịch sáng lập Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) giao lưu với sinh viên, thanh niên Việt Nam

(TTXVN/Vietnam+)
Top