Chống hàng giả, hàng nhái là nhiệm vụ lâu dài
Liên quan tới xử lý sai phạm đối với Công ty TNHH Khải Đức, đơn vị sở hữu thương hiệu Khải Silk, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, vào cuối năm 2017, lực lượng quản lý thị trường mà trực tiếp là Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) đã phát hiện trong cửa hàng của hệ thống Khải Silk có việc giả mạo xuất xứ, cụ thể là hàng khăn lụa Trung Quốc thay thành mác Khải Silk tức là “Made in Vietnam”.
Sau đó, Bộ Công Thương tiếp tục mở rộng việc kiểm tra, thành lập một tổ kiểm soát, kiểm tra liên ngành gồm nhiều bộ, ngành cơ quan, kiểm tra trên toàn bộ hệ thống của Khải Silk. Từ đó phát hiện có rất nhiều sản phẩm vi phạm tương tự, tức là giả mạo xuất xứ.
Ngày 30/10/2017, Cục Quản lý thị trường cũng đã chuyển những hồ sơ này sang Công an Tp. Hà Nội. Theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, Công an Tp. Hà Nội đã khởi tố vụ án, hiện nay đang thực hiện các bước điều tra theo đúng quy định hiện hành.
Về vấn đề này, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, Chính phủ đã có nhiều giải pháp kiên quyết trong chống hàng giả, hàng nhái. Coi đây là nhiệm vụ thường xuyên và trọng tâm của Chính phủ.
“Việc buôn lậu, hàng giả, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ…tạo ra những thị trường không tốt ảnh hưởng xấu đến lợi ích của người tiêu dùng và chính các doanh nghiệp làm ăn chân chính”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói.
Mặc dù vậy, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cũng thừa nhận, việc chống hàng giả, hàng nhái là nhiệm vụ hết sức khó khăn và lâu dài, nhưng vẫn buộc phải làm để đảm bảo môi trường lành mạnh để thu hút đầu tư, đảm bảo duy trì sự năng động của doanh nghiệp. Khi xây dựng thể chế, Chính phủ đã chỉ đạo các cơ quan chức năng quan tâm, rà soát tất cả các kẽ hở liên quan đến việc xây dựng thể chế, các biện pháp xử lý vi phạm, chế tài xử phạt…
Chính phủ cũng khuyến cáo các doanh nghiệp phải nâng cao ý thức trách nhiệm bằng cách đăng ký bản quyền sở hữu trí tuệ, giúp cơ quan chức năng phát hiện những vụ việc vi phạm.
Sớm giải quyết vướng mắc liên quan tới các dự án điện năng lượng mặt trời
Về những lo ngại trong thời gian gần đây Việt Nam tiếp nhận nhiều dự án đầu tư năng lượng điện mặt trời liệu có gặp khó khăn vướng mắc gì về chính sách cũng như việc đấu nối với hệ thống điện lưới quốc gia. Về việc này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải khẳng định, đây là chủ trương đúng đắn khi nguồn cung cấp điện thời gian tới gặp nhiều khó khăn, nguy cơ thiếu điện hiện hữu, điện hạt nhân đã dừng, thủy điện cũng cạn kiệt, nhiệt điện thì ảnh hưởng nhiều tới môi trường.
Vì vậy, định hướng mới là tập trung phát triển các nguồn năng lượng tái tạo khác như điện gió, điện mặt trời. Hiện đã có một số dự án đi vào hoạt động, sắp hoạt động nhưng cũng gặp một số vướng mắc trong quá trình triển khai. Ví dụ hiện có hàng trăm dự án điện mặt trời chưa thực hiện được nếu áp dụng những quy định trong Luật Quy hoạch hiện nay. Còn làm ra điện nhưng để đấu nối vào lưới điện quốc gia thì cũng cần có đầu tư và liên quan tới vấn đề kỹ thuật.
Về vấn đề này, Phó Tổng giám đốc EVN Võ Quang Lâm cho biết thêm, Việt Nam có thể trở thành cường quốc điện mặt trời trên thế giới khi có rất nhiều dự án điện đã và sẽ đi vào hoạt động trong thời gian sắp tới. Tính đến ngày 30/5, đã có 47 dự án điện mặt trời được đấu nối lên lưới điện quốc gia với tổng công suất 3.200 MW. Dự kiến hết tháng 6 sẽ có 49 dự án nữa với công suất 2.600 MW.
Theo ông Võ Quang Lâm, EVN đã họp với các nhà đầu tư điện mặt trời để thực hiện đấu nối một cách nhanh nhất, giúp các dự án giải tỏa công suất. Tuy nhiên, theo ông Lâm, để đầu tư đường dây 220 kV phải mất 3-5 năm, trong khi dự án đường dây 500 kV cần thời gian lâu hơn. Việc triển khai các dự án năng lượng điện mặt trời thì thời gian lâu nhất là thủ tục đất đai, đặc biệt liên quan đến đất rừng, đất canh tác.
“Những vấn đề liên quan đất đai cần xin ý kiến Thủ tướng nên thời gian sẽ kéo dài hơn”, ông Lâm nói.
Nguồn bài viết : Miền Nam