Chủ tịch nước gửi Thư thăm hỏi các nạn nhân chất độc da cam/dioxin Nhân “Ngày vì nạn nhân chất độc da cam/dioxin" (10/8), Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc có Thư gửi các nạn nhân và gia đình các nạn nhân chất độc da cam/dioxin ở Việt Nam. Tạp chí Thời Đại xin trân trọng giới thiệu tới độc giả toàn văn Thư của Chủ tịch nước. |
Cựu binh Mỹ Matthew Keenan: Tôi sẽ tiếp tục giúp đỡ nạn nhân da cam Matthew Keenan là Cựu binh Mỹ từng tham chiến tại Việt Nam từ năm 1970. Năm 2013, ông được chẩn đoán mắc bệnh ung thư tiền liệt tuyến do nhiễm chất độc da cam khi tham chiến ở Việt Nam. Khi biết mình bị bệnh, ông đã lên mạng tìm hiểu và thật sự sốc khi biết rằng ở Việt Nam, gần 50 năm sau khi chiến tranh kết thúc, vẫn tiếp tục có những thế hệ bị nhiễm chất độc hóa học. |
Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam Nguyễn Phương Nga |
Xin bà chia sẻ một số suy nghĩ về sự ủng hộ của nhân dân các nước đối với việc khắc phục hậu quả chất độc hoá học sau chiến tranh tại Việt Nam?
Trả lời:
Cách đây đúng 60 năm, ngày 10/8/1961 quân đội Mỹ đã bắt đầu tiến hành rải chất độc hóa học, trong đó chủ yếu là chất độc dacam/dioxin, xuống nhiều địa phương ở Việt Nam trong suốt 10 năm, gây ra hậu quả rất nặng nề đối với con người và môi trường sinh thái. 4,8 triệu người Việt Nam đã bị phơi nhiễm; khoảng 3 triệu người là nạn nhân với các bệnh nan y cùng con, cháu của họ bị dị dạng, dị tật do di chứng tàn khốc của chất độc da cam/dioxin. Đây được coi là cuộc chiến tranh hoá học lớn nhất, thảm khốc nhất trong lịch sử loài người mà hậu quả của nó còn kéo dài đến ngày hôm nay.
Cuộc đấu tranh anh dũng của nhân dân Việt Nam vì hòa bình, độc lập dân tộc và thống nhất đất nước đã kết thúc từ hơn 4 thập kỷ, nhưng đối với các nạn nhân của chất độc da cam/dioxin, vết thương chiến tranh vẫn còn nhức nhối, còn nhiều người vẫn bị lây nhiễm qua các thế hệ. Hàng triệu con người, trong đó có nhiều trẻ em, vẫn đang phải hằng ngày, hằng giờ vật lộn với những căn bệnh hiểm nghèo, chịu đựng nỗi đau cả về tinh thần và thể xác. Đây là nỗi đau không thể lãng quên, không chỉ của riêng nhân dân Việt Nam mà là nỗi đau chung của nhân dân tiến bộ, yêu chuộng hoà bình trên thế giới.
Ngay trong thời gian chiến tranh, dư luận quốc tế đã lên tiếng phản đối, đòi chấm dứt ngay việc sử dụng chất độc da cam/dioxin ở Việt Nam.Tháng 5/1964, báo Washington Post (Mỹ) đã đăng bài của Jim G. Lucas khẳng định Chiến dịch Ranch Hand của Mỹ đã huỷ hoại mùa màng ở vùng châu thổ sông Mê Công. Ngày 28/12/1970, báo The Times (Anh) đánh giá “từ năm 1962 đến nay, hơn 5 triệu acres (khoảng 2 triệu ha) tương đương với 1/8 diện tích miền Nam Việt Nam đã bị phun rải chất diệt cỏ với liều lượng trung bình cao hơn 15 lần liều lượng được Bộ Nông nghiệp Mỹ cho phép ở Mỹ”. Cũng trong năm 1970, Liên đoàn các nhà lao động khoa học thế giới đã tổ chức “Hội nghị các nhà khoa học quốc tế về chiến tranh hoá học ở Việt Nam” tại Orsay, Pháp; Hội nghị đã ra Nghị quyết yêu cầu Mỹ phải ngừng ngay việc sử dụng CĐDC, đồng thời kêu gọi tất cả các tổ chức nghiên cứu khoa học trên thế giới hỗ trợ nhân dân Việt Nam nghiên cứu sâu hơn về tác hại của CĐDC đối với môi trường và sức khỏe con người. |
Ngay sau chiến tranh và trong suốt những năm qua, Đảng và Nhà nước và Nhân dân Việt Nam luôn đặc biệt quan tâm, thực hiện nhiều chính sách, biện pháp thiết thực, hiệu quả để khắc phục hậu quả chiến tranh, chăm sóc, giúp đỡ các nạn nhân chất độc da cam/dioxin. Bên cạnh những nỗ lực hết sức to lớn của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam, các nạn nhân chiến tranh và nạn nhân chất độc da cam/dioxin đã nhận được sự chia sẻ, hỗ trợ vô cùng quý báu của cộng đồng quốc tế, của những người bạn từ khắp nơi trên thế giới và đồng bào Việt Nam ở nước ngoài trên nhiều lĩnh vực: nghiên cứu về tác động của chất độc da cam/dioxin đối với môi trường và con người Việt Nam, đưa vấn đề hậu quả nghiêm trọng của chất độc da cam ra công luận rộng rãi, kêu gọi, vận động đấu tranh đòi công lý cho các nạn nhân và có nhiều hành động thiết thực hỗ trợ giảm bớt khó khăn trong cuộc sống của các nạn nhân chất độc da cam.
Hội nghị Ban chấp hành của Hội đồng Hòa bình thế giới (WPC) họp ở Damas, Syria từ ngày 23 - 25/10/2009 đã quyết định lấy ngày 10/8 hằng năm là Ngày Vì nạn nhân chất độc da cam Việt Nam. Hội Luật gia Dân chủ quốc tế đã tổ chức nhiều diễn đàn yêu cầu Chính phủ Mỹ phải chịu trách nhiệm về thảm họa da cam ở Việt Nam, trong đó có Toà án lương tâm nhân dân quốc tế tại Paris tháng 5/2009 xét xử các công ty hoá chất của Mỹ đã cung cấp chất độc hoá học cho quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam. Tòa án xét xử Monsanto ở La Haye (năm 2016) khẳng định, việc Mỹ sử dụng CĐDC trong chiến tranh ở Việt Nam là một hành động tội ác.
Có rất nhiều câu chuyện cảm động về những nỗ lực không mệt mỏi của bạn bè quốc tế ủng hộ, giúp đỡ Việt Nam. Hạ nghị sĩ, Trưởng Tiểu ban Châu Á-Thái Bình Dương của Hạ viện Mỹ Phaleomaveaga đã 3 lần tổ chức điều trần của Hạ viện Mỹ về vấn đề chất độc da cam ở Việt Nam. Hai Hạ nghị sĩ Bob Filner và Barbara Lee của Mỹ đã trình Quốc hội Mỹ 5 dự luật yêu cầu Chính phủ Mỹ phải tham gia khắc phục hậu quả chất độc da cam/dioxin ở Việt Nam. Nhiều nghị sĩ quốc hội của Anh, Bỉ, New Zealand… đã đưa ra các kiến nghị đòi Chính phủ Mỹ phải bồi thường thiệt hại cho nạn nhân chất độc da cam Việt Nam. Ông Len Aldis, Tổng Thư ký Hội Hữu nghị Anh - Việt đã viết thư yêu cầu tòa án Mỹ phải xét xử công bằng vụ kiện của nạn nhân CĐDC Việt Nam và yêu cầu Chính phủ Mỹ phải bồi thường thiệt hại cho các nạn nhân. Chị Merle Ratner, giáo sư Ngô Thanh Nhàn và các thành viên của Chiến dịch đòi công lý và hỗ trợ cho các nạn nhân của chất độc da cam đã đồng hành, hết lòng ủng hộ Việt Nam trong hàng chục năm qua. Những người bạn thuỷ chung, kiên định đã hỗ trợ bà Trần Tố Nga khởi kiện, yêu cầu các công ty hoá chất phải có trách nhiệm tham gia khắc phục các hậu quả của việc sử dụng chất độc da cam trong chiến tranh tại Việt Nam.
Nhiều tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ nước ngoài cùng nhiều tổ chức, cá nhân ở trong và ngoài nước đã đồng hành, gắn bó cùng Việt Nam triển khai các chương trình, dự án hỗ trợ rà phá bom mìn, vật liệu chưa nổ, tẩy độc tại các khu vực ô nhiễm chất độc da cam/dioxin, chăm sóc, điều trị cho các nạn nhân, cải thiện sinh kế cho gia đình các nạn nhân. Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) đã hỗ trợ kinh phí thực hiện dự án xử lý đất nhiễm dioxin ở sân bay Phù Cát và trang bị cho Việt Nam phòng thí nghiệm phân tích dioxin. Quỹ Nhi đồng của Liên hợp quốc (UNICEF) duy trì hỗ trợ hằng năm cho nạn nhân chất độc da cam ở Đà Nẵng. Làng Hữu nghị ở xã Vân Canh, huyện Hoài Đức, Hà Nội được xây dựng từ năm 1998 với sự giúp đỡ, ủng hộ, hỗ trợ của tổ chức cựu chiến binh vì hòa bình ở Mỹ và các nước (Anh, Pháp, Đức, Hàn Quốc) là một biểu tượng của tình đoàn kết và sự ủng hộ quốc tế đối với nạn nhân chất độc da cam ở Việt Nam.
Nhiều tổ chức PCP của Mỹ đã góp phần hỗ trợ rất hiệu quả, tích cực cung cấp nhiều nguồn lực quý báu cho công tác xử lý hậu quả da cam/dioxin tại Việt Nam. Năm 1994, Quỹ Ford (Ford Foundation) đã tài trợ cho tổ chức Hatfield Consutants (Hatfield/Canada) phối hợp với Ủy ban đặc biệt điều tra hậu quả CĐDC do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam (Ủy ban 10-80) nghiên cứu về mức độ nhiễm dioxin ở Việt Nam. Các công trình nghiên cứu của Hatfield được đánh giá là toàn diện nhất về tác động của chất độc da cam/dioxin đối với môi trường và con người tại Việt Nam.
Tính riêng trong giai đoạn 2018 - 2020 có 40 tổ chức PCPNN với tổng giá trị tài trợ khoảng 15.8 triệu đô la Mỹ đã và đang triển khai các chương trình, dự án, như: các hoạt động chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng, giáo dục hòa nhập cộng đồng, dạy nghề, tạo việc làm, phát triển sinh kế cho nạn nhân chất độc da cam và các địa bàn hưởng lợi nhiều nhất là các tỉnh chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của hậu quả chiến tranh như Quảng Nam, Quảng Trị, Quảng Bình, Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế, Bình Định, Thái Bình và Tp Hồ Chí Minh..., phần nào làm vơi bớt khó khăn và nâng cao năng lực cho những gia đình, nạn nhân bị ảnh hưởng.
Sự ủng hộ to lớn, có ý nghĩa thiết thực của bạn bè quốc tế đã góp phần quan trọng động viên, khích lệ các nạn nhân chiến tranh và chất độc da cam, giúp nhân dân các nước hiểu rõ về thảm họa da cam, giúp đỡ các nạn nhân và ủng hộ, tham gia cuộc đấu tranh đòi công lý cho nạn nhân chất độc da cam/dioxin, đồng thời đã góp phần tích cực tác động tới Chính phủ Mỹ. Từ chỗ là một chủ đề nhạy cảm, gây tranh cãi, chỉ được thảo luận trên các kênh nhân dân, hỗ trợ khắc phục hậu quả chiến tranh, trong đó có chất độc da cam đã trở thành một nội dung, một lĩnh vực hợp tác trong khuôn khổ quan hệ đối tác toàn diện giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, được chính thức đề cập trong các cuộc thảo luận và tuyên bố của lãnh đạo cấp cao hai nước. Chính phủ Hoa Kỳ đã cam kết trợ giúp nhiều triệu đô-la thông qua các dự án tẩy độc các khu vực bị ô nhiễm chất độc da cam/dioxin và hỗ trợ người khuyết tật Việt Nam.
Kỷ niệm 60 năm thảm hoạ da cam là dịp để chúng ta tri ân, bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc tới nhân dân các nước, các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ nước ngoài, đồng bào Việt Nam ở nước ngoài và các tổ chức, cá nhân ở trong nước và ở nước ngoài về tình cảm chân thành, sự đồng hành, chia sẻ, ủng hộ quý báu cả về vật chất và tinh thần đối với các nạn nhân chất độc da cam tại Việt Nam.
Tổ chức Cựu chiến binh vì hoà bình (Veterans for Peace Chapter 160 - VFP160/Mỹ) đã hỗ trợ nghiên cứu về tác động của chất độc da cam/dioxin, vận động sự ủng hộ của bạn bè quốc tế đối với Việt Nam; Vietnam Assistance for the Handicapped (VNAH/Mỹ) giai đoạn 2015 - 2021 đã hỗ trợ triển khai các dự án về người khuyết tật do hậu quả chiến tranh trị giá khoảng 2,68 triệu đô la Mỹ, tham gia vận động tài trợ cho các dự án tẩy độc da cam/dioxin tại Việt Nam; Catholic Relief Service (CRS/Mỹ) giai đoạn 2016 - 2021 đã tài trợ khoảng 2,07 triệu đô la Mỹ cho các dự án khắc phục hậu quả chiến tranh, hỗ trợ trẻ khuyết tật; Peace Trees Vietnam (PTVN/Mỹ) giai đoạn 2015 - 2021 đã hỗ trợ khoảng 3,45 triệu đô la Mỹ cho công tác khắc phục hậu quả bom mìn; War Legacies Project (WLP/Mỹ) hỗ trợ nhiều trẻ khuyết tật do chất độc da cam/dioxin, giúp Việt Nam vận động chính trị trong vấn đề da cam; The International Center (IC/Mỹ) giai đoạn 2015 - 2021 hỗ trợ khoảng 3,2 triệu đô la Mỹ cho các dự án rà phá bom mìn và người khuyết tật; Viet Nam les Enfants de la dioxine (VNED/Pháp) hỗ trợ đỡ đầu, tặng học bổng cho trẻ em là nạn nhân da cam; D.K.Kim Korea Foundation (DKKKF/Hàn Quốc) hỗ trợ điều trị cho người khuyết tật do chất độc da cam; Association for Better Living and Education (ABLE/Úc) hỗ trợ tẩy độc tố cho các nạn nhân; tổ chức “Dự án hai phía” (2SP) có thư đề nghị Chính quyền Mỹ tăng nguồn lực khắc phục hậu quả chiến tranh, trong đó có nạn nhân da cam/dioxin Việt Nam… |
Những người bạn quốc tế của nạn nhân chất độc da cam Việt Nam: Xem thêm tại đây
Nữ vận động viên người Nhật, Naoko Takahashi và người khuyết tật và nạn nhân chất độc da cam tại Giải Marathon TP.HCM 2018 do Quỹ Hòa bình và Phát triển thành phố Hồ Chí Minh (thuộc Liên hiệp hữu nghị TP.HCM) phối hợp với Giải việt dã HCMC Run tổ chức. Ảnh: Mộc Nghênh |
Bà có nhận xét gì về vai trò của đối ngoại nhân dân trong việc vận động quốc tế khắc phục hậu quả chất độc hóa học sau chiến tranh tại Việt Nam?
Trả lời:
Đối ngoại nhân dân đã đóng vai trò rất quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của cộng đồng quốc tế về hậu quả của chất độc da cam tại VN, vận động bạn bè quốc tế trợ giúp các nạn nhân và ủng hộ cuộc đấu tranh đòi công lý cho các nạn nhân.
Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam cùng các tổ chức thành viên ở trung ương và ở địa phương đã phối hợp chặt chẽ với các tổ chức nhân dân Việt Nam tích cực vận động nhân dân thế giới thông qua rất nhiều hoạt động sôi động và hiệu quả như thu xếp, đón các đoàn khách quốc tế, đặc biệt là cựu chiến binh, nghị sỹ, các học giả, học sinh, sinh viên, các tổ chức từ thiện, nhân đạo của Mỹ vào thăm Việt Nam làm việc với các cơ sở nghiên cứu về tác động của chất độc da cam/dioxin đối với môi trường và sức khỏe con người, thăm các cơ sở y tế điều trị, chăm sóc bệnh nhân, trẻ em là nạn nhân chất độc da cam/dioxin, trao đổi về biện pháp pháp lý, đấu tranh đòi bồi thường cho nạn nhân da cam Việt Nam và tổ chức hàng chục cuộc hội thảo, tọa đàm tại các diễn đàn nhân dân song phương và đa phương ở khu vực và thế giới để chia sẻ thông tin về chủ đề này. Các hoạt động chủ động, tích cực trên kênh đối ngoại nhân dân đã góp phần nâng cao nhận thức, giúp nhân dân Mỹ và thế giới hiểu thêm về hậu quả nặng nề của chất độc này, vận động bạn bè quốc tế hỗ trợ nguồn lực, giúp đỡ, chữa trị, chăm sóc nạn nhân da cam, đồng thời mở ra kênh đấu tranh dư luận, pháp lý đòi bồi thường, hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam/dioxin của Việt Nam.
Đại sứ có thể cho biết Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam sẽ làm gì để tiếp tục vận động đoàn kết quốc tế ủng hộ Việt Nam trong thời gian tới?
Trả lời:
Trong sáu thập kỷ qua nhân dân Việt Nam đã phải gánh chịu hậu quả thảm khốc của chất độc da cam. Ngoài các điểm nóng ô nhiễm đã và đang được tẩy độc, vẫn còn những địa điểm khác bị ô nhiễm, vẫn còn nhiều nạn nhân, kể cả thế hệ thứ ba và thứ tư cần được trợ giúp.
Khắc phục hậu quả chất độc da cam/dioxin có ý nghĩa to lớn về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và khoa học, không thuần tuý là vấn đề nhân đạo. Giải quyết vấn đề này là trách nhiệm lương tâm và đạo lý. Giải quyết được vấn đề còn tồn tại này trong quan hệ Việt-Mỹ sẽ góp phần vào việc hàn gắn vết thương chiến tranh, sẽ là nhân tố tích cực tăng cường tin cậy chính trị, thúc đẩy quan hệ hai nước phát triển đi vào chiều sâu. Hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam cũng chính là bảo đảm thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, không để ai bị bỏ lại phía sau và đóng góp vào nỗ lực chung của nhân dân thế giới ngăn chặn nguy cơ xảy ra chiến tranh hóa học, bảo vệ hòa bình.
Là một lực lượng nòng cốt của đối ngoại nhân dân - một trong ba trụ cột của đối ngoại Việt Nam, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam sẽ nỗ lực hợp tác với Hội nạn nhân chất độc da cam Việt Nam (VAVA), các tổ chức nhân dân VN, các bộ, ngành địa phương và các đối tác quốc tế, tiếp tục vận động đoàn kết quốc tế ủng hộ Việt Nam khắc phục hậu quả động da cam.
Các hoạt động thời gian tới sẽ tiếp tục tập trung làm rõ, giúp nhân dân trong nước và thế giới hiểu rõ hơn về thảm hoạ da cam ở Việt Nam, vận động sự ủng hộ, hỗ trợ về vật chất, kỹ thuật để chăm sóc, chữa trị, nâng cao năng lực, cải thiện điều kiện sống cho các nạn nhân và đấu tranh đòi công lý cho các nạn nhân chất độc da cam. Tôi tin tưởng rằng bạn bè quốc tế sẽ tiếp tục đồng hành cùng với nhân dân Việt Nam trong các nỗ lực xoa dịu vết thương, làm vơi bớt nỗi đau và khó khăn của các nạn nhân và để nỗi đau da cam không bao giờ tái diễn./.
Trân trọng cảm ơn bà đã chia sẻ!
[1] Năm 2018, Ông Charles Bailey, nguyên Trưởng Đại diện Ford Foundation tại Việt Nam và TS Lê Kế Sơn, nguyên Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo 33 đã cùng ra mắt cuốn sách “Từ kẻ thù thành đối tác: Việt Nam - Hoa Kỳ và chất da cam”
[2] AP và Bill & Melinda Gates tài trợ trên 5 triệu đô la Mỹ cho trung tâm xét nghiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ford Founfation triển khai dự án tẩy độc và hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam với ngân sách hàng năm khoảng 1 triệu đô la Mỹ.