Tìm kiếm giải pháp, đề xuất sáng kiến hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái ASEAN

2024-12-21 13:08:25
Singapore đánh giá cao vai trò và các sáng kiến của Việt Nam trên cương vị Chủ tịch ASEAN 2020
Dịch COVID-19: Các nước ASEAN có gần 2.400 ca tử vong

Ngày 5/6, tại Hà Nội, Nhóm Phụ nữ ASEAN vì hòa bình (AWPR) tổ chức họp trực tuyến. Cuộc họp diễn ra trong khuôn khổ hoạt động của Viện Nghiên cứu ASEAN về hòa bình và hòa giải (AIPR) - TTXVN đưa tin.

Cuộc họp nhằm thảo luận về các biện pháp triển khai Tuyên bố chung của Lãnh đạo ASEAN về Phụ nữ, Hòa bình và An ninh năm 2017, trao đổi thông tin về các hoạt động, sáng kiến liên quan đến phụ nữ, hòa bình và an ninh, định hướng thúc đẩy chương trình nghị sự phụ nữ-hòa bình-an ninh thời gian tới trong bối cảnh tình hình quốc tế và khu vực chuyển biến nhanh chóng với nhiều nhân tố bất ổn.

Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga, Cố vấn cao cấp Ban Thư ký quốc gia ASEAN 2020, đại diện Việt Nam tại Nhóm Phụ nữ ASEAN vì hòa bình, đã tham dự, phát biểu và chủ trì một phiên thảo luận của cuộc họp.

Chia sẻ về cuộc họp, Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga cho biết vấn đề mới đặt ra trong bối cảnh dịch COVID-19 là phụ nữ và trẻ em gái là những người chịu tác động mạnh mẽ nhất bởi đại dịch, từ y tế, kinh tế, việc làm cho đến các vấn đề về an sinh xã hội...

Với vấn đề này, Nhóm sẽ tiếp tục thảo luận để tìm ra những biện pháp hỗ trợ cho phụ nữ và trẻ em gái, từ đó, đề xuất một số sáng kiến với các Chính phủ.

Tại cuộc họp, đại diện các nước đã chia sẻ nhiều hoạt động đã và đang được triển khai ở các nước, cũng như trao đổi về nhiều biện pháp nhằm tháo gỡ các khó khăn, thách thức trong các tiến trình này.

Phụ nữ ASEAN với tiết mục giới thiệu ẩm thực Việt Nam (Ảnh minh họa: Lương Tuấn-Vĩnh Hà/Vietnam+)

Có nhiều ý kiến đánh giá cho rằng mức độ nhận thức về vai trò của phụ nữ đóng góp cho hòa bình và an ninh chưa được đồng đều ở mỗi nước do sự đa dạng về chính sách, cách tiếp cận của mỗi nước, phạm vi rộng, phức tạp của các vấn đề an ninh truyền thống và phi truyền thống... Điều này đã và đang tạo ra những thách thức không nhỏ để thúc đẩy một tầm nhìn và hành động chung của khu vực về phụ nữ, hòa bình và an ninh.

Các thành viên đã nhất trí cần xây dựng cách tiếp cận toàn diện, tổng thể, sáng tạo và bền vững về phụ nữ, hòa bình và an ninh, trên cơ sở xác định các nhu cầu chung của khu vực, các thế mạnh và đóng góp của mỗi nước, tăng cường chia sẻ chính sách, trao đổi tình hình khu vực và quốc tế.

Tại cuộc họp, các đại diện AWPR Việt Nam đã chia sẻ các ưu tiên của Việt Nam, với tư cách là Chủ tịch ASEAN 2020 và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an giai đoạn 2020-2021, trong thúc đẩy hợp tác về phụ nữ, hòa bình và an ninh ở bình diện khu vực và toàn cầu.

Trong bối cảnh dịch COVID-19, việc triển khai chương trình nghị sự ASEAN về phụ nữ-hòa bình-an ninh cần đặc biệt chú trọng hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái là những đối tượng bị ảnh hưởng sâu sắc do dịch bệnh; đồng thời góp phần đẩy mạnh triển khai hiệu quả các Mục tiêu phát triển bền vững (SDG) của Liên hợp quốc và giải quyết các nguồn gốc của xung đột như đói nghèo, phân biệt đối xử, bất bình đẳng giới, dịch bệnh, các nguy cơ của chủ nghĩa cực đoan, bạo lực, khủng bố…

Chủ trì điều hành phiên trao đổi về xây dựng các biện pháp triển khai Tuyên bố chung của các nhà Lãnh đạo ASEAN về Phụ nữ, Hòa bình và An ninh, Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga phát biểu định hướng trọng tâm thảo luận cuộc họp tập trung vào các lĩnh vực hoạt động ưu tiên mà AWPR có thể triển khai thời gian tới trên cơ sở tận dụng nền tảng công nghệ số, phát huy vai trò phụ nữ trong giáo dục và định hướng giới trẻ về các giá trị hòa bình...; phương hướng mở rộng hợp tác giữa AWPR với các đối tác và các bên liên quan trong khu vực và trên tầm toàn cầu; và củng cố hiệu quả hoạt động của AWPR thông qua việc họp định kỳ và các khóa đào tạo nâng cao năng lực về kỹ năng kiến tạo hòa bình, hòa giải, xây dựng lòng tin...

Vài nét về Nhóm Phụ nữ ASEAN về Hoà bình

Nhóm Phụ nữ ASEAN về Hòa bình được thành lập ngày 13/12/2018 tại Philippines, là một trong những sáng kiến nhằm triển khai Tuyên bố của các Nhà Lãnh đạo ASEAN về Phụ nữ, Hòa bình và An ninh năm 2017, với mục tiêu thúc đẩy sự tham gia và đóng góp của phụ nữ trong các tiến trình xây dựng hòa bình, giải quyết các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống đang nổi lên ở khu vực.

Thành viên của Nhóm gồm đại diện nữ của các nước ASEAN, là các nhà ngoại giao, quan chức/cựu quan chức chính phủ, nhà đàm phán, đại diện các tổ chức xã hội dân sự, chuyên gia nghiên cứu về hòa bình và hòa giải.

Đại diện Việt Nam tại AWPR gồm Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga, Cố vấn Cao cấp Ban Thư ký Quốc gia ASEAN 2020, Phó Chủ tịch Ủy ban quốc gia của Việt Nam về hợp tác kinh tế Thái Bình Dương (VNCPEC); Đại sứ Nguyễn Thái Yên Hương, Đại diện Việt Nam tại Ủy ban liên Chính phủ ASEAN về nhân quyền; Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Phương Bình.

Singapore đánh giá cao vai trò và các sáng kiến của Việt Nam trên cương vị Chủ tịch ASEAN 2020

Đó là nhận định của Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long nhân cuộc điện đàm với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

Các tổ chức hữu nghị nhân dân 10 nước ASEAN và Trung Quốc họp trực tuyến thúc đẩy giao lưu hữu nghị trong tình hình mới

Chiều ngày 19/5/2020, Hội nghị đặc biệt trực tuyến lãnh đạo các tổ chức hữu nghị nhân dân các nước ASEAN với Trung Quốc về ...

Top