Tản mạn về giấc mộng rồng

2024-12-21 13:14:58
Tết cổ truyền Việt Nam qua lăng kính các nhà ngoại giao
Tết con rồng ở Trung Quốc

Chuyện ở Trung Quốc

Quan niệm về rồng của Trung Quốc và Việt Nam có nhiều nét tương đồng, khác với phương Tây. Phương Tây coi rồng là loài thú hung dữ, cần tiêu diệt do đó mơ thấy rồng là điềm xui, thì Trung Hoa và Việt Nam là điềm lành, may mắn, hanh thông…

Sử ký Tư Mã Thiên, phần Cao tổ bản kỷ có viết về Hán Cao Tổ Lưu Bang (256 TCN-195 TCN) với những chi tiết huyền hoặc. Chuyện viết rằng bà Lưu - Thân mẫu của Lưu Bang từng nằm nghỉ trên bờ đầm lớn, mơ thấy mình giao hợp với một vị thần, có người nói là giao long. Không lâu sau bà có thai rồi sinh ra Cao tổ. Lưu Bang mũi cao, trán rồng, râu ở cằm với má đều đẹp, bắp đùi bên trái có bảy mươi hai nốt ruồi đen. Ngài nhân hậu mà thương người, thích ban ơn, bụng dạ khoáng đạt. Thường có chí lớn, không làm việc kiếm sống như người thường.

Đến khi trưởng thành, Cao tổ thử làm quan, được bổ làm Đình trưởng Tứ Thủy, quan lại trong vùng chẳng ai không bị coi khinh bỡn cợt. Tính ngài ham rượu và háo sắc, thường mua chịu rượu ở chỗ bà Vương, bà Vũ, hễ say rượu nằm ngủ, bà Vương bà Vũ lại nhìn thấy có con rồng ở trên người ngài, lấy làm lạ…

Lịch sử Trung Hoa có chép một vị hoàng hậu đã sinh ra 4 vị vua. Điều đặc biệt là với bốn người con trai này bà đều có những giấc mơ thấy rồng. Đó là Lâu Chiêu Quân (501 - 562), hiệu là Thần Vũ Minh hoàng hậu, là hoàng thái hậu của triều đại Bắc Tề, vợ của Cao Hoan, Thượng trụ quốc nhà Đông Ngụy. Lâu Chiêu Quân được sử sách ghi là người có dung mạo đẹp đẽ.

Nhờ gia thế của Lâu Chiêu Quân, Cao Hoan nhanh chóng gây dựng được sự nghiệp, đến năm 525, khởi nghĩa lục trấn bùng nổ, Cao Hoan theo phò Đỗ Lạc Chu, bắt đầu con đường binh nghiệp. Đến năm 532, thế lực phát triển đủ mạnh, Cao Hoan tiêu diệt Nhĩ Chu thị, trừ khử hai Phế Đế, tiếm vị Bột Hải vương trong triều đình, Lâu Chiêu Quân được phong làm Vương phi. Sang năm 535, Bắc Ngụy phân liệt thành Đông Ngụy và Tây Ngụy.

Năm 521, trước khi sinh con trai đầu lòng, Lâu Chiêu Quân mơ thấy một con rồng khổng lồ, nhưng nó đã bị cắt đứt làm đôi. Sau đó, bà sinh ra Cao Trừng. Đến năm 547, Cao Trừng được phong vương, nhưng chỉ 2 năm sau bị ám hại.

Khi mang thai người con trai thứ hai, Lâu Chiêu Quân mơ thấy rồng xanh.

Sau khi Cao Trừng chết, Cao Dương (người con trai thứ 2 của Lâu Chiêu Quân) lên kế vị anh mình. Năm 550, Cao Dương cướp ngôi nhà Bắc Ngụy, lập ra Bắc Tề. Lâu Chiêu Quân được tôn làm Hoàng Thái hậu.

Khi Lâu Chiêu Quân mang thai con trai thứ ba là Cao Diễn và con trai thứ năm là Cao Đam, bà đều mơ thấy rồng.

Khi mang thai Cao Diễn bà mơ thấy một con rồng nằm trên mặt đất và khi mang thai Cao Đam bà mơ thấy một con rồng khổng lồ đang chao đảo trên biển. Điều này dự báo rằng hai người con trai này liên tiếp lên ngôi, và mỗi người đều là những điều phi thường.

Cao Diễn lên ngôi vào mùa thu năm 560 lấy hiệu là Diên An còn gọi là Bắc Tề Hiếu Chiêu Đế. Cao Đam nối ngôi Cao Diễn trở thành Bắc Tề Vũ Thành Đế.

Và trong dã sử Việt

Trong Hùng vương ngọc phả kể rằng, Hùng Chiêu vương (Lang Liêu) một lần dâng lễ, mộng thấy một lão mình vàng mặt ngọc cưỡi mây bay xuống. Ông lão lấy trong ống tay áo ra một chiếc móng rồng (long trảo) bằng ngọc đem trao cho vương. Liền đó một đám mây ngũ sắc hiện ra sáng lóa núi rừng. Lão ông bước lên đám mây ấy mà bay lên trời.

Hùng Chiêu vương sau đó sai người đem chiếc móng rồng bằng ngọc tạc thành cái chuôi kiếm. Trên chuôi gươm khắc 3 chữ “Thiên Lĩnh nhẫn” (nhẫn là kiếm).

Câu chuyện về Triệu Việt Vương (548 - 570) sinh ra cũng gắn với giấc mộng rồng. Truyện truyền rằng, ở huyện Châu Diên, phủ Tam Đới, đạo Sơn Tây có ông Triệu Túc, vợ là Lý Thị Đàm. Một hôm bà Lý Thị Đàm nằm nghỉ ở hiên nhà phía Tây, mơ màng nằm mộng. Bỗng thấy thân cưỡi rồng vàng bay thẳng lên trời. Hoàng thiên ban cho một Tiên đồng. Đến khi trở về tới nửa đường thì gặp một người đầu đội mũ sao, tay cầm quả đào, cưỡi con lân đỏ theo phương Nam mà đến. Sau đó bà Lý Thị Đàm mang thai. Đến kỳ mãn nguyệt vào năm Giáp Dần, ngày mồng 6 tháng Giêng sinh được một người con trai, diện mạo khác thường, quả đúng như hình tiên đồng đã thấy. Ông Triệu Túc vui mừng cho rằng người con này tất sẽ khôi phục làm rạng rỡ nghiệp nhà, bèn đặt tên là Quang Phục. Đây chính là Triệu Quang Phục.

Đến thời vua Lê Hoàn, tương truyền trước khi sinh ra vua, thân mẫu ngài đã mơ cưỡi rồng vàng. Sau này khi vua còn nhỏ, cũng có người cho rằng khi ngài ngủ có rồng che phía trên…

Cũng với mô típ rồng che ngủ, vua Lê Đại Hành, với vua Lý Thái Tổ cũng vậy.

Trong các triều đại phong kiến, triều Lý có nhiều điềm mộng gắn với rồng hơn cả.

Vua Lý Thái Tông (con trai trưởng của vua Lý Thái Tổ) trong thời gian làm Thái tử, ông nhiều lần được cử làm tướng cầm quân đi dẹp loạn và đều lập được công. Năm 1019, ông được trao quyền Nguyên soái, cầm quân đánh Chiêm thành. Khi đại quân vượt biển, đến núi Long Tỵ, ông mơ thấy rồng vàng hiện ra trên thuyền, ông đi đến đỡ lấy rồng rồi rồng tan biến mất, người đời cho là điềm may, ông sẽ được nối nghiệp làm vua. Sau quả đúng như vậy.

Chuyện vua Trần Anh Tông, một hôm vua ngự giá ra chơi gác Hương Lầu ở cửa Tây, trong khi vua ngắm cảnh bỗng cảm thấy buồn ngủ bèn thiếp đi. Trong giấc mộng bỗng thấy có nàng tiên cưỡi rồng từ trên trời bay đến trước mặt vua, tay cầm dải khăn hồng đề 4 câu thơ:

Trời định nàng tiên xuống cõi trần,
Vua hiền cho được sánh hôn nhân.
Cửa Tây như thấy hàng bán nước,
Dưỡng Phú quê nhà, họ Nguyễn tên.

Vua Trần Anh Tông chợt tỉnh, sau đó ngài ngự xuống phố phường du ngoạn. Mãi đến xế chiều đi qua hàng trầu, nước bỗng thấy cô chủ quán vô cùng xinh đẹp, nhan sắc dung mạo như người trong mộng bèn vào hỏi chuyện. Thấy nàng trả lời thông minh, tác phong cử chỉ đoan trang, lại được biết đúng người đẹp họ Nguyễn, quê ở xã Dưỡng Phú (Hưng Yên), vua cho là điềm trời se duyên bèn sai xe loan rước nàng vào cung, cho ở điện phía Tây và phong làm Đệ nhị Cung phi.

Trong khi từ các điềm mộng thấy rồng thì sinh ra vua, thì có một chuyện quý phi mượn chuyện mộng thấy rồng để lấy cớ được gần chúa để sinh con. Đó là chuyện về chúa Trịnh Khải, tức Trịnh Tông.

Trịnh Khải (1767 - 1782), là con của Thánh tổ Thịnh vương Trịnh Sâm với quý phi Dương Thị Ngọc Hoan. Quý Phi người làng Long Phúc, huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh. Bấy giờ Thế tử Trịnh Sâm không đoái hoài tới Ngọc Hoan.

Biết Thế tử đang muốn có con trai nối dõi, quý phi Ngọc Hoan bèn theo kế chị gái là cung phi Ngọc Thịnh (quý phi của chúa Trịnh Doanh) phao tin mình nằm mơ thấy rồng hiện. Đó là một hôm, bà nằm mơ thấy thần nhân đến tặng cho bà một tấm đoạn, trên vẽ hình đầu rồng. Sau đó, mua chuộc Liêm Trung hầu, viên hoạn quan trung đường được Thế tử tin cẩn, kẻ được sai gọi phi tần, cung nữ hầu Thế tử mỗi tối. Hôm đó, Trịnh Sâm cho vời chính phi Ngọc Khoan vào hầu, Khê trung hầu cố ý giả nghe lầm, đưa ngay Ngọc Hoan đến. Thấy bà, Chúa không bằng lòng nhưng không nỡ đuổi ra. Sau đó, Chúa đòi Liêm trung hầu vào trách mắng. Liêm trung hầu cúi đầu tạ tội, đoạn thuật rõ đầu đuôi chuyện Ngọc Hoan nằm mơ, Chúa nghe nhưng không nói gì cả. Sau đó, Ngọc Hoan đã có thai, sinh ra Trịnh Tông năm 1763.

Chúa Trịnh Sâm không màng tới Trịnh Tông vì ông cho rằng mơ thấy rồng thật mới tốt chứ rồng vẽ thì cũng bình thường. Hơn nữa, rồng vẽ lại chỉ có đầu mà không có đuôi, thế thì không có hậu. Quả nhiên, sau này ứng nghiệm. Trịnh Tông nhờ loạn kiêu binh mà lấy ngôi chúa của Trịnh Cán. Nhưng kết cục khi Tây Sơn ra Bắc thì thua trận, bị bắt và tự vẫn.

Vua Hiến Tông (1498 - 1504), là con của vua Lê Thánh Tông với Hoàng hậu Trường Lạc. Dù thời gian trị vì ngắn ngủi 6 năm, nhưng vua được đánh giá là: “lòng nhân ái và nết hiếu thảo của Ngài thì mọi người trong thiên hạ ai ai cũng đều nghe biết. Kịp đến khi lên ngôi Hoàng đế, hễ động làm một công việc gì, Ngài cũng noi theo thánh hiền cả, nghĩa là bất kỳ làm việc gì, Ngài cũng đều không vượt ra ngoài khuôn phép sẵn có của các vị Đế vương ngày trước” (Trích Ngự chế Việt sử tổng vịnh).

Lịch triều hiến chương loại chí có viết: “Trước kia Thánh Tông chưa có con, có sai cầu đảo ở núi Phật Tích, am Từ công được điềm tốt đá bay. Bấy giờ Trường Lạc ở cung riêng, chiêm bao thấy con rồng vàng bay vào chỗ ở, bèn sinh ra vua”.

Việc ra đời kỳ lạ của vua Hiến Tông, Thiên Phúc tự bi ký của chùa Thiên Phúc, tức chùa Thầy, do Nguyễn Bá Bằng soạn, có nói rằng Trường Lạc hoàng thái hậu có điềm rồng vàng nhập vào sườn bên tả…

Giữ gìn nét đẹp của Tết Việt
Ở trời Tây nhớ Tết quê nhà
Top