Những câu chuyện truyền cảm hứng vươn lên

2025-01-17 19:21:31

Trưởng thành từ chiếc bánh mỳ vài trăm đồng

Nguyễn Thế Hoàn, học sinh lớp 12, trường THPT chuyên Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) khiến cả hội trường xúc động khi chia sẻ câu chuyện vượt khó vươn lên của bản thân. Em giành 2 huy chương vàng Toán học Olympic quốc tế trong năm 2014 và 2015.

Hoàn sinh ra và lớn lên từ quê lúa Thái Bình; trong một gia đình có 2 anh em trai, em là anh cả. Ngay từ bé, em cảm nhận được sự vất cả của bố mẹ.

Nguyễn Thế Hoàn (thứ 3 từ phải sang) cùng các đồng đội tại cuộc thi Toán quốc tế ở Thái Lan năm 2015

“Bố em ngày đó còn làm công việc chuyển và bốc dỡ hàng hóa cho một doanh nghiệp nhỏ. Em vẫn nhớ như in hình ảnh bố mỗi buổi chiều muộn trở về nhà với những chiếc bánh mỳ nhỏ giá chỉ vài trăm đồng cho chúng em. Cảm giác của một đứa bé chưa biết suy nghĩ nhiều khi nhận được món quà giản dị đó vẫn in đậm mãi trong em”, Hoàn kể.

Thời gian dần trôi, Hoàn trưởng thành, lớn lên và có những suy nghĩ sâu sắc hơn về cuộc sống. Chàng trai bày tỏ: “Em dần nhận ra, chiếc bánh mỳ đó không phải bố em mua sau mỗi buổi chiều đi làm về mà đó là một phần bữa trưa của bố. Bố không ăn hết mà mang về làm quà cho em. Công việc nặng nhọc, mà bữa trưa vẻn vẹn với những chiếc bánh mỳ bố cũng không ăn hết, còn cố gắng giữ lại cho em”.

Không biết làm gì hơn để giúp đỡ bố mẹ, Hoàn chuyên tâm vào chuyện học hành. Cậu cho rằng, đó là điều duy nhất mình có thể làm, không chỉ cho bố mẹ, cho quê hương mà còn cho chính bản thân.

Cuộc đời bước sang ngã rẽ khi Hoàn nhận được giấy báo vào lớp Toán 1 của trường THPT chuyên Đại học Khoa học Tự nhiên. Suốt thời THPT, em luôn lấy giáo sư Ngô Bảo Châu làm hình tượng phấn đấu của mình.

Hoàn luôn nỗ lực cho niềm đam mê với Toán học

Hoàn không làm bố mẹ thất vọng khi liên tiếp đạt được nhiều thành tích cao. Năm 2014, em giành huy chương vàng Toán quốc tế khi là thành viên nhỏ tuổi nhất đoàn Việt Nam tham dự. Năm nay, Hoàn tiếp tục giành huy chương vàng thứ 2 với số điểm năm sau cao hơn năm trước.

Ước mơ của Hoàn thành sự thật nhưng việc đảm bảo cuộc sống hàng ngày luôn là nỗi lo lớn của cả gia đình em. Việc cho con học tập tại Thủ đô là gánh nặng quá lớn, bố mẹ em phải cùng nhau lên Hà Nội, làm những công việc lao động nặng nhọc. Họ tích đồng lương ít ỏi để cho con theo đuổi niềm đam mê.

Chàng trai tâm sự rằng, khi mình báo cáo thành tích trước Đại hội thi đua yêu nước, bố em đang phải đi làm thuê tận Bình Thuận.

Ước mơ của Hoàn là học thật giỏi, thành đạt để có điều kiện chăm sóc bố mẹ tốt hơn. “Con đường phía trước sẽ gian nan hơn rất nhiều, em hiểu rất rõ điều đó. Mọi thứ sẽ thay đổi, nhưng sẽ có những thứ không bao giờ thay đổi. Đó là những giọt nước mắt, sự động viên và tình yêu thương mà bố mẹ dành cho em. Và em, với tư cách của một người con có hiếu, sẽ biến những giọt nước mắt, mồ hôi vất vả đó thành nhiều tấm huy chương khác trong tương lai", Hoàn tâm sự.

Cô giáo về hưu hết lòng vì học sinh nghèo

Cô giáo Nguyễn Thị Thông để lại ấn tượng trong buổi giao lưu với lời tâm sự: “Nghỉ hưu là kết thúc một công việc để thực hiện một công việc mới”. Nguyên là hiệu trưởng trường Tiểu học Ngư Lộc 2 (Ngư Lộc, Hậu Lộc, Thanh Hóa), năm 2001, cô Thông nghỉ hưu cùng gánh nặng căn bệnh thận mạn tính và chăm người chị già mù lòa. Dù vậy, cô vẫn đi tới từng thôn để tổ chức lớp dạy miễn phí cho các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn, người lớn mù chữ để giúp họ hòa nhập với cộng đồng...

Sau khi nghỉ hưu, cô Thông vẫn tiếp tục sự nghiệp "trồng người" với lớp học đặc biệt

Ban đầu, lớp học của cô Nguyễn Thị Thông là khoảnh sân nhỏ nằm ngay trước sân nhà. Không có bảng, cô gỡ cửa ra để viết. Học sinh thiếu sách vở, bút viết, cô trích lương hưu của mình hỗ trợ. Năm 2007, cô Thông bị tai nạn nhưng vẫn không nghỉ dạy, bởi cô biết, chỉ cần “ngơi” ra, lớp học sẽ tan rã.

“Khi thấy chị Xuân, một phụ nữ mù chữ trong thôn hét lên khi viết được chữ “a”, tôi mới càng thấu hiểu niềm vui sướng của người biết chữ đến nhường nào”, cô giáo Nguyễn Thị Thông chia sẻ.

14 năm qua, cô Thông dạy miễn phí cho gần 200 học sinh, người nhỏ nhất là 11 tuổi, người lớn nhất đã 60 tuổi. Từ những đứa trẻ không biết chữ, nay 6 em đi xuất khẩu lao động, một số em học nghề thợ mộc, máy khâu… Người lớn học xóa mù chữ thì kinh doanh buôn bán, học nghề, thành thuyền thưởng, máy trưởng...

Mới đây, lớp học của cô được UBND xã Ngư Lộc cho mượn phòng học khang trang hơn tại Trung tâm học tập cộng đồng.

Mạnh Phúc

Nguồn bài viết : ON Trực Tuyến

Top